Việc Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo Mỹ ngày 22/6 tại Hawaii rằng “các nước Đông Nam Á đang đùa với lửa” và hy vọng “lửa sẽ không lan tới Mỹ” là một tuyên bố bất thường. Thông điệp của Trung Quốc là: Mỹ không được can thiệp vào vấn đề Trường Sa tại Biển Đông.

Tuyên bố đó được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Trung –Việt đột nhiên đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nguy hiểm sau một thời gian phát triển tích cực từ năm 1990. Việt Nam đã tiến hành bắn diễn tập đạn thật, một hành động rõ ràng nhằm cảnh báo Trung Quốc. Các quan chức Mỹ bày tỏ “ngày càng lo ngại” và đã có bước đi thắt chặt quan hệ đồng minh với Philippines. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Mike Mullen ngày 11/7, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho rằng các hoạt động tập trận chung của Mỹ với Việt Nam và Philippines là “rất không thích hợp”. Với 3 cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông, các nhà lãnh đạo Mỹ cần suy nghĩ kỹ xem “sức mạnh thông minh” , không phải sức ép quân sự, có thể chỉ ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay như thế nào.

Trong thập niên qua, Biển Đông tương đối bình yên là do Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được “Quy tắc ứng xử” (COC) tại khu vực này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân và các tàu chiến hiện đại tại căn cứ hải quân tại Hải Nam và tại Biển Đông đã khiến các nước khu vực cảnh giác. Năm 2009, căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc xua đuổi tàu hải quân Mỹ. Trong giai đoạn này, Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động khai thác năng lượng tại các khu vực gần hoặc nằm trong vùng tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc bao gồm gần như toàn bộ vùng biển Đông. Vào tháng 3/2010, khi các quan chức Trung Quốc tuyên bố Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi”, căng thẳng lại tiếp tục leo thang. Tại Hội nghị ARF 7/2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã cảnh báo chống lại bất cứ bên tranh chấp nào “sử dụng vũ lực”. BTrung QuốcP Robert Gates đề xuất “triển khai các tàu chiến của Mỹ tạiSingapore” và “tăng cường quan hệ với hải quân các nước trong toàn khu vực”.

Tuy nhiên, việc Mỹ tập trung vào “tự do hàng hải” như trụ cột chính sách tại khu vực tỏ ra khá kỳ lạ. Là quốc gia sử dụng đường biển nhiều nhất thế giới trong thương mại, Trung Quốc có rất ít khả năng đe dọa tự do hàng hải. Tương tự, tuyên bố coi việc Trung Quốc phản đối các tàu do thám quân sự của Mỹ tại Biển  Đông là “đe dọa tự do hàng hải” cũng giả tạo không kém. Những hoạt động do thám của Mỹ dọc theo bờ biển Trung Quốc trên thực tế đang gây tổn hại quan hệ song phương và do đó cần phải giảm xuống, đặc biệt nếu gắn điều này với những tiến bộ của Trung Quốc trong việc minh bạch hóa quân sự.

Việc Trung Quốc được cho là đe dọa các nước ASEAN rốt cuộc mang tính giả thuyết hơn là thực tế. Căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tại Hải Nam được nói đến quá nhiều nhưng điều ngạc nhiên là cho đến hiện tại, Trung Quốc mới có 1 căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Thanh Đảo – so 4 căn cứ của Mỹ tại Thái Bình Dương. Tương tự, hành động chuyển một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đến Hải Nam cho thấy điểm yếu hơn là điểm mạnh của Trung Quốc. Nếu bố trí các tàu trên ở phía Bắc, chúng sẽ là mục tiêu thuận lợi hơn cho các cuộc tấn công của hải quân Mỹ và Nhật đóng tại Đông Bắc Á.

Những người cho rằng “sự hiếu chiến” của Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản của căng thẳng hiện nay có thể phải trả lời tại sao Trung Quốc chỉ chiếm được 6 điểm tại quần đảo Trường Sa (so với 29 của Việt Nam) và tại sao Trung Quốc là bên tranh chấp duy nhất chưa khai thác dầu khí tại biển Đông. Trên thực tế, chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông chủ yếu mang tính đối phó (reactive) cả hiện tại và trong quá khứ, điều đó giải thích tại chính sách này rất thiếu nhất quán. Việc Trung Quốc giải quyết phần lớn bất đồng biên giới thông qua hòa bình và chủ yếu dựa vào tàu tuần tra không trang bị vũ khí để thực hiện chủ quyền tại Biển Đông cho thấy dấu hiệu Trung Quốc không muốn leo thang tới mức xung đột quân sự.

Đối với Mỹ, điều gì xảy ra nếu Trung Quốc ký hiệp ước phòng thủ với Venezuela (đó là chưa kể Trung Quốc có căn cứ quân sự tại Canada), đồng thời tích cực tiến hành tập trận thường niên với Cuba? Lúc đó chắc Mỹ sẽ không để Trung Quốc yên. Đông Nam Á hầu như không có vai trò gì đối với cân bằng lực lượng toàn cầu. Đó là khu vực gồm những quốc gia nghèo và nhỏ, ngoại trừ một số cường quốc hạng trung tại khu vực như Việt Nam, Indonesia và Úc có xu hướng chống lại một nước Trung Quốc hiếu chiến một cách tự nhiên hoặc vì lý do riêng. Nếu gây chiến vì một vài đảo đá trên biển, cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ phải đối phó với một loạt hậu quả tồi tệ. Tuy nhiên, cuộc chiến đó sẽ chỉ có tác động nhỏ đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc hiểu quá rõ những gì đã diễn ra tại Grudia năm 2008. Mỹ đã tỏ rõ sự quan tâm cao và cử cố vấn quân sự đến Grudia. Tuy nhiên, khi xe tăng của Nga tiến vào chiếm phần đất rộng lớn và phá hủy lực lượng quân sự Grudia thì Mỹ chỉ phản ứng chiếu lệ. Rút cuộc, Mỹ không muốn mạo hiểm xung đột rộng lớn hơn với Nga vì một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược không đáng kể. Đây là bài học rõ ràng cho các nước Đông Nam Á.

Mỹ cần tránh bị kéo vào hành động thái quá. Nguyên tắc cơ bản định hướng chính sách của Mỹ tại Biển Đông đã và cần tiếp tục là không can thiệp. Các tranh chấp về tài nguyên vốn phức tạp và không thể giải quyết thông qua tuyên bố đao to búa lớn hay ngoại giao đa phương. Khả năng nhiều hơn là thông qua ngoại giao bí mật và hành động giễu võ giương oai lúc này hay lúc khác của một hoặc nhiều bên tranh chấp. Quá trình này cần diễn ra theo hướng không ảnh hưởng đến hệ thống khu vực và quốc tế lấy đối thoại làm ưu tiên. Việc Mỹ tăng cường hợp tác với Trung Quốc tại Đông Nam Á, như trong chống cướp biển và khủng bố, sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa hai bên, đồng thời làm yên lòng những quốc gia khu vực không muốn Đông Nam Á thành bãi chiến trường cho cạnh tranh giữa các cường quốc. Mỹ cần tránh đưa ra cam kết mới, như tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam hay các bên tranh chấp khác, để không làm cho tình trạng căng thẳng hiện nay biến thành xung đột trên thực tế./.

Theo Foreign Policy

Minh Anh (gt)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.