Nhu cầu tăng cường nỗ lực để làm dịu căng thẳng về dài hạn được chờ đợi sẽ bao trùm cuộc gặp giữa 10 Ngoại trưởng ASEAN trước khi có một cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Một số nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia cũng như vài thành viên ASEAN, dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc họp chính của ARF, tình huống giống như ở Hà Nội năm ngoái khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm bên phía Việt Nam đã dẫn đầu một cuộc “phục kích” ngoại giao nhằm vào Dương Khiết Trì.

Tiến sĩ Wang Hanling, Giám đốc Trung tâm các vấn đề hải dương và luật biển tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng phái đoàn Trung Quốc dự ARF đã chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về “những nỗ lực hợp tác”, song cũng cảnh giác trước nguy cơ phải hứng chịu “đòn hội đồng”. Chuyên gia này bày tỏ nghi ngờ về động cơ của những nước không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ví dụ như Nhật Bản, quốc gia đã yêu cầu cần tôn trọng quyền tự do hàng hải qua các tuyến đường biển chiến lược. Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ có “thảo luận mang tính xây dựng” ở Bali (In-đô-nê-xi-a) về vấn đề Biển Đông. 

Với những bên can dự trực tiếp vào tranh chấp như Việt Nam và Philíppin hay đang thể hiện quyết tâm can dự vào vấn đề này như Mỹ, các bất đồng với Bắc Kinh được cho là khó có thể giải quyết nhanh chóng.

Khi Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc Trần Bính Đức gặp người đồng nhiệm bên phía Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, tuần trước, Biển Đông là chủ đề nổi lên trong những thảo luận chính thức lẫn kín. Trần Bính Đức đã bày tỏ quan ngại của Bắc Kinh về các hoạt động quân sự của Mỹ ngoài khơi Trung Quốc cũng như những trao đổi quân sự giữa Oasinhtơn với Hà Nội và Manila. Đặc biệt, Trần Bính Đức nhấn mạnh thời điểm Mỹ có các diễn tập quân sự gần đây với hai thành viên ASEAN này là “không thích hợp”.

Bất đồng lớn giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn là theo cách hiểu Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển của Trung Quốc thì tự do hàng hải là được phép trong khu vực kinh tế độc quyền (EEZ) của nước khác nhưng các hoạt động quân sự như giám sát là không được phép. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh khẳng định rằng những hoạt động quân sự thông thường, bao gồm cả giám sát, là hoàn toàn được phép ở những nơi họ xem là vùng biển quốc tế, bao gồm cả EEZ.

Dù những thảo luận giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin về các vụ việc gần đây đang giúp giảm nhiệt ở Biển Đông, không ai chờ đợi sẽ có bước đột phá bất ngờ với tranh chấp chủ quyền ngày càng bị mở rộng này. Cả Việt Nam lẫn Philíppin đều đang khẳng định các quyền kinh tế của mình bất chấp sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong đường 9 đoạn đầy tranh cãi mà Bắc Kinh đưa ra. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn quả quyết chỉ dàn xếp với các bên tranh chấp theo hình thức song phương với từng nước hơn là tìm kiếm một thỏa thuận chung do khu vực hay quốc tế làm trung gian.

Dư luận đang chờ đợi các tín hiệu từ ARF. Đầu tiên, một tuyên bố từ các Ngoại trưởng ASEAN sẽ cung cấp chỉ dấu liệu khối này có hoàn toàn ủng hộ các quan điểm mạnh mẽ của Hà Nội và Manila, hay những thương lượng gần đây của Trung Quốc dẫn đến cách tiếp cận mềm mỏng hơn của cả ASEAN nói chung. Ngoài ra, có thể có những chỉ dấu khác về khả năng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy thực thi Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, lưu ý tính chất quan trọng của việc triển khai DOC: “Đây không chỉ mang tính biểu tượng mà có thể giúp tăng cường sự minh bạch cũng như những biện pháp quan trọng để xây dựng lòng tin như tuần tra chung”./. 

Theo SCMP

 Lê Quang (gt)