Mỹ cần phải theo đuổi một chiến lược gián tiếp thông qua các đòn bẩy liên minh của mình với Philippines và quan hệ an ninh với Việt Nam, đồng thời can dự trong việc theo đuổi tìm kiếm việc giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ không nên trực tiếp đối đầu với các lực lượng hải quân của Trung Quốc. 

Trước cuộc khủng hoảng giàn khoan, Việt Nam đã đề xuất một cuộc đối thoại an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Điều này dường như đã nhận được một phản ứng thận trọng từ Nhật Bản, song nó vẫn đang còn đó. Một cuộc gặp ba bên kênh 2 của giới học giả đang được lên kế hoạch tổ chức ở thủ đô Washington dự kiến vào cuối năm nay. 

Trong hoàn cảnh hiện tại, một sự dàn xếp cuộc gặp 3 bên chính thức kênh 1 nên được đàm phán và sử dụng như là một kênh nhằm tìm ra một chiến lược đa phương để ngăn chặn Trung Quốc. Một chiến lược như vậy nên bao gồm Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Mỹ, cũng như việc đẩy nhanh hợp tác giữa lực lượng tuần duyên của các nước này. Nhật Bản đã thực sự vươn tới các đối tác Philippines và Việt Nam. 

Mỹ và Việt Nam cần đẩy nhanh thỏa thuận hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Đến nay, việc đào tạo đã được triển khai trên đất liền dưới hình thức các khóa học ngắn hạn. Lực lượng Bảo vệ bở biển Mỹ nên được triển khai đến các vùng biển Việt Nam cho các hoạt động đào tạo hỗn hợp và tham gia việc trao đổi các quan sát viên trên tàu của mỗi nước. Việt Nam gần đây đã tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Điều này tạo điều kiện cho Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nhằm phát triển năng lực trong lĩnh vực hàng hải của nước này.

Dường như đã là thời điểm chín muồi để Mỹ bắt đầu nới lỏng các hạn chế của nước này trong việc bán các thiết bị và dịch vụ quân sự cho Việt Nam. Được biết, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm đến việc mua máy bay giám sát trên biển và rađa ven biển của Mỹ. Mỹ có thể triển khai một mẫu máy bay mà Việt Nam đang cân nhắc, đồng thời thực hiện các chuyến bay trình diễn với các nhân viên quân sự Việt Nam trên khoang lái. 

Ngoài ra, máy bay giám sát trên biển của Hải quân Mỹ đang đậu ở Philippines theo Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường gần đây giữa hai nước, có thể được triển khai tới Việt Nam trên cơ sở tạm thời. Họ có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên biển hỗn hợp với các đối tác Việt Nam. Nhân viên quân đội Mỹ có thể bay trên các máy bay trinh sát của Việt Nam với tư cách quan sát viên và ngược lại. 

Các nhà phân tích an ninh khu vực dự báo hàng năm Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự hiện diện hải quân hung hăng ở Biển Đông trong thời gian từ tháng Năm tới tháng Tám. Đây là cơ hội cho Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tổ chức một loạt cuộc tập trận trên biển và thực hiện các các chuyến bay giám sát với Việt Nam và Philippines ngay trước khi lực lượng của Trung Quốc xuất hiện trong suốt thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám hàng năm. Chi tiết của tất cả các hoạt động phải hoàn toàn minh bạch cho tất cả các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc. 

Một chiến lược gián tiếp mang lại cách thức cho Mỹ trong việc thể hiện bằng hành động thực tế đối với chính sách được tuyên bố của mình phản đối sự đe dọa và cưỡng ép để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Một chiến lược gián tiếp không đòi hỏi Mỹ phải trực tiếp đối đầu với Trung Quốc. Chiến lược này đặt trách nhiệm lên phía Trung Quốc trong việc tự quyết định nguy cơ phải đối mặt với sự hình thành một lực lượng hỗn hợp các tàu hải quân và máy bay của các nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Các lực lượng hải quân và không quân này sẽ hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế cắt ngang “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm duy trì một sự hiện diện hải quân và không quân liên tục để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các biện pháp đe dọa và cưỡng ép đối với Việt Nam và Philippines. Sự ngăn chặn có thể được tăng cường thông qua việc trao đổi phi công và thủy thủ trong tất cả các cuộc diễn tập. Phạm vi và cường độ của các cuộc diễn tập này có thể được thay đổi để phù hợp với mức độ căng thẳng./. 

Bài viết của giáo sư Carlyle A. Thayer tại trường Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia đăng trên mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ.

Duy Anh (gt)