china_26300b.jpg

Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo và tác động tiêu cực tới nhiều khu vực trên thế giới, không ít người đã so sánh các diễn biến này với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cơn địa chấn tại châu Á một thập kỷ trước. Tuy nhiên, những so sánh này ít nhiều đều không thỏa đáng. Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc trên thực tế lại khá giống với cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi đà tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này đột ngột chấm dứt, hàng loạt cổ phiếu sụt giá thê thảm và thị trường bất động sản bốc hơi. Có thể nói, đây mới chính là những bài học giá trị cho Trung Quốc.

Trước biến động vào giữa tháng 6/2015, giá chứng khoán Trung Quốc đã tăng 150% chỉ trong vòng 1 năm, chủ yếu là do có nhiều giao dịch ký quỹ và thực tế là giới đầu tư đã không để ý tới các dấu hiệu kinh tế u ám. Điều này khiến nhiều người vội vã so sánh những gì vừa diễn ra với cuộc khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, lần này, người ta chưa thấy có bất kỳ điều gì tương tự quyết định gây chấn động của chính quyền Mỹ khi để mặc ngân hàng Lehman Brothers ở trung tâm của hệ thống ngân hàng toàn cầu sụp đổ năm 2008.

Chiến lược gia về lãi suất Christian Lenk, hiện làm việc tại ngân hàng DZ ở Frankfurt, nói: "Nhìn vào những dấu hiệu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chúng ta có thể đưa ra những so sánh với thời kỳ năm 2008. Khi đó, chính quyền Mỹ đã buộc phải đưa ra quyết định dù khá sốc. Những ngày qua đã có nhiều lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc,... song cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào gây chấn động lớn như vậy, và có thể nói tình hình vẫn khá yên ả".

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuần qua cho rằng không mấy ngạc nhiên khi sự phát triển không bền vững của thị trường chứng khoán Trung Quốc theo kiểu đầu cơ, tương tự như thị trường bất động sản một năm trước đây, đã đi tới hồi kết thúc.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998 cũng khác với những gì đang diễn ra. Khi đó, dòng “tiền nóng” – số tiền đầu cơ ngắn hạn luân chuyển giữa các thị trường tài chính để thu lợi nhiều nhất và nhanh nhất do sự chênh lệch tỷ giá và lãi suất – dường như đã “chảy khỏi” khu vực này, khi các nước trong khu vực phải chật vật đối phó với các khoản nợ nước ngoài khổng lồ, thâm hụt thương mại lớn và khủng hoảng tiền tệ. Ông John Vail - chiến lược gia toàn cầu thuộc Tổ chức Kiểm soát Tài sản Nikko tại New York - nói: "Cú sốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lần này có ít điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tại châu Á năm 1997-1998, khi thâm hụt thương mại ở mức cao.

Hiện chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về mặt quan điểm trên toàn thế giới". Trong khi đó, nhiều người đã chỉ ra sự tương đồng giữa tình hình Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản những năm 90 của thế kỷ trước. Cả hai nền kinh tế đều tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nguồn đầu tư khổng lồ, thặng dư thương mại lớn, đồng nội tệ có giá trị quá cao và chính sách tự do hóa trong lĩnh vực tài chính. Và cũng tương tự Nhật Bản những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế Trung Quốc hiện chiếm 12% tổng sản lượng nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng GDP thực của Nhật Bản trước khủng hoảng là 5% trong khi con số này tại Trung Quốc trong thập kỷ qua trung bình vào khoảng 10%.

Tại cả hai nước, cho vay tín dụng đều phát triển mạnh và cơn địa chấn xảy ra một phần là do các nỗ lực kiềm chế các khoản cho vay vô tội vạ. Cả hai nước đều triển khai xen kẽ các chính sách gây lạm phát rồi lại làm giảm phát, cụ thể là Trung Quốc với những quyết sách có phần lưỡng lự liên quan đến IPO (cổ phiếu phát hành lần đầu), khả năng thanh toán bằng tiền mặt trên thị trường và xử lý các khoản vay ngân hàng nhỏ.

Giới hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại nguy cơ rơi vào bẫy giảm phát và trì trệ kinh tế mà Nhật Bản từng mắc phải trước đây. Một nguồn tin Nhật Bản, hiện đang làm việc tại Trung Quốc và có mối liên hệ với giới chức Trung Quốc, nói: "Cái lợi lớn nhất mà họ có được là từ sai lầm của Nhật Bản. Nền kinh tế hai nước có nhiều điểm tương đồng, bởi vậy Trung Quốc có thể học được nhiều thứ từ kinh nghiệm của Nhật Bản".

Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế cũng nhận thấy nhiều khác biệt đe dọa họ. Tăng trưởng toàn cầu đang ở mức yếu trong khi Trung Quốc chiếm 2/5 giá trị tăng trưởng. Nhiều tập đoàn đa quốc gia phát triển cũng hoạt động tại quốc gia này. Là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, tăng trưởng chững lại đồng nghĩa với việc giá nhiên liệu và kim loại tại thị trường Trung Quốc bị tác động mạnh, gây ra áp lực giảm phát trên toàn thế giới.

Khủng hoảng tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và bởi vậy nó ít gây ra các hậu quả mang tính quốc tế. Adam Slater, nhà kinh tế học hàng đầu thuộc tổ chức Oxford Economics tại Anh, nhận định: "Sự sụp đổ của Nhật Bản vào thập niên 90 tác động mạnh tới chính bản thân nước này và chỉ có những tác động nhỏ tới châu Á. Trong khi đó, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đưa chúng ta đến một giai đoạn tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu (trong một hoặc hai năm tới)".

Những khác biệt quan trọng và cả những bài học có được từ kinh nghiệm của Nhật Bản là điều mà giới đầu tư thế giới và các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc hết sức quan tâm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc ước tính vào khoảng 40% GDP, trong khi con số này ở Nhật Bản là 140%, bởi vậy cú sốc lần này tại Trung Quốc ít có tác động tới tăng trưởng kinh tế hơn. Trong khi đó, xét theo thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình với chỉ 55% diện tích được đô thị hóa, và bởi vậy họ có nhiều khoản chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế.

Trong khi Nhật Bản phản ứng quá chậm chạp trước cuộc khủng khoảng - chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra không đủ mạnh và quá muộn, trong khi các biện pháp kích thích tài chính lại bị rút lại quá sớm và thị trường vốn lại phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền quốc tế, thì Trung Quốc - với những biện pháp siết chặt quản lý vốn, đã có phần chủ động hơn.

Việc giới chức thường xuyên can thiệp vào các vấn đề tiền tệ và ban hành nhiều văn bản lập quy đối với các thị trường tài chính, nhà ở và cả các khoản cho vay của chính quyền địa phương thường thiếu hiệu quả và nhiều khi còn phản tác dụng, song chúng dường như lại hữu ích khi cơn địa chấn nổ ra bất ngờ.

Theo “Reuters

Lê Quang (gt)