Báo cáo tập trung đánh giá về: (i) phản ứng của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông; (ii) phân tích các nhân tố tiềm tàng gây xung đột; (iii) quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; (iv) khuyến nghị các biện pháp giảm rủi ro.

Báo cáo cho rằng sự mơ hồ trong những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cùng với cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đã làm các nước khác lo ngại. Hiện tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á đã đi vào bế tắc. Quan điểm ngày càng kiên quyết giữa các nước đòi hỏi chủ quyền đã đẩy căng thẳng ở khu vực lên cao hơn, trong đó Việt Nam và Philippines đang ở “tư thế” đối đầu hơn với Trung Quốc. Tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền đang mở tăng cường khả năng quân sự, trong khi chủ nghĩa dân tộc trong nước tăng cao cũng làm cho chính phủ các nước gặp khó khăn trong việc làm giảm căng thẳng và hạn chế khả năng tham gia của các nước vào các sáng kiến chung. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam chịu nhiều sức ép trong nước nhất trong việc bảo vệ đòi hỏi chủ quyền trước Trung Quốc.

Các nước có đòi hỏi chủ quyền theo đuổi các cơ chế giải quyết xung đột khác nhau. Trung Quốc kiên quyết đòi giải quyết song phương vì có thể sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế để gây sức ép. Trong khi đó các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines tìm cách bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của mình một cách mạnh mẽ hơn và tìm kiếm các đồng minh ở bên ngoài, muốn có sự tham gia của các đối tác khác như Mỹ, ASEAN và phán quyết của Tòa án Luật Biển... Trung Quốc chống lại những cố gắng của các nước Đông Nam Á trong việc tăng cường hợp tác với các nước bên ngoài và nhìn nhận sự thay đổi chiến lược của Mỹ đối với châu Á là nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á đang thực hiện hiện đại hóa hải quân một cách mạnh mẽ nhưng việc gia tăng hoạt động tuần tra của các tàu dân sự trên vùng biển tranh chấp mới được coi là nguy cơ lớn nhất gây bùng phát xung đột. Trong các sự cố gần đây trên Biển Đông đã có sự tham gia của các tàu dân sự này. Mặc dù không được trang bị vũ khí như tàu hải quân nhưng các việc các tàu dân sự có thể dễ dàng được triển khai và không chịu sự quản lý chặt chẽ sẽ có nhiều khả năng gây ra đụng độ nhất.

Sự thiếu đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á cũng như sự yếu kém của các cơ chế trong khu vực đã hạn chế khả năng tìm ra giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Sự chia rẽ của các nước ASEAN, xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau về vấn đề Biển Đông và trong mối quan hệ với Trung Quốc đã ngăn cản việc ASEAN có quan điểm chung. Trung Quốc đã khai thác triệt để sự chia rẽ này.

Bài viết kết luận hiện nay khả năng xảy ra xung đột lớn là thấp, tuy nhiên tình hình đang chuyển biến theo hướng xấu hơn và triển vọng tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng giảm. Trong bối cảnh không có sự thống nhất giữa các nước về cách xử lý cũng như không có cơ chế có hiệu quả để giảm thiểu và giảm nhẹ các sự cố, Biển Đông sẽ tiếp tục bất ổn và có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng không kiểm soát được. Nhằm giảm rủi ro ở Biển Đông, báo cáo kiến nghị các bên cần thông qua quy tắc ứng xử có tính chất ràng buộc và đi vào khai thác chung.

Theo ICG (ngày 24/7)

Lê Sơn (gt)