Ngày 27/11/2012, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chính thức thông báo máy bay tiêm kích J-15 của lực lượng không quân hải quân đã hạ cánh thử nghiệm thành công xuống tàu sân bay Liêu Ninh, tức chưa đầy hai tháng sau khi chiếc tàu này được bàn giao cho lực lượng hải quân. Đồng thời, kênh truyền hình Nhà nước CCTV phát đi một phóng sự dài cho thấy một chiếc J-15 hạ cánh rồi cất cánh và những hình ảnh đó được truyền đi khắp thế giới qua mạng Youtube.

Để phản bác lại những lời cáo buộc cho đây là hình ghép mỗi khi nước này công bố sáng chế hay tiến bộ công nghệ và máy bay tiêm kích J-15 của Trung Quốc giống hệt loại Su-33 của Nga, CCTV nói rằng chiếc máy bay tiêm kích trên tàu Liêu Ninh là do "các kỹ sư Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo" và sở hữu trí tuệ. 

Và rõ ràng là để ám chỉ quyết tâm trong tương lai sẽ làm sao để tàu sân bay Liêu Ninh có khả năng triển khai sức mạnh và vai trò răn đe đối với tàu sân bay Mỹ có mặt ở vùng giáp ranh với Trung Quốc, CCTV nói rõ J-15 có thể thực hiện các phi vụ ngày cũng như đêm, và nói thêm rằng loại máy bay này có thể mang vũ khí hạt nhân. 

Điều không thể phủ nhận là quãng thời gian rất ngắn giữa lễ tiếp nhận tàu Liêu Ninh và vụ hạ cánh đầu tiên khiến phần lớn các nhà quan sát phải ngạc nhiên vì họ vốn nghi ngờ hiện trạng phát triển loại máy bay J-15, thậm chí cả về năng lực của phi công. Như vậy, cần phải tổng kết các tiến bộ của lực lượng không quân hải quân Trung Quốc và lường trước sẽ có thêm bước tiến nào khác, về kỹ thuật cũng như trong lĩnh vực thiết kế sử dụng tàu sân bay. Bối cảnh lúc này không phải là đơn giản. Việc kênh truyền hình Nhà nước quảng bá rộng rãi sự kiện này sẽ thúc đẩy nhanh việc phát triển lực lượng không quân cho tàu sân bay. Tuy nhiên, các sự cố hay tai nạn - vốn không thể tránh khỏi trong quá trình làm chủ tri thức và kỹ thuật phức tạp như vậy và cũng thường là khá giống nhào lộn - có nguy cơ làm suy yếu khả năng răn đe của loại công cụ mà Hải quân Trung Quốc muốn tạo ra. 

Để xác định tính chất của những tiến bộ nhanh chóng mà lực lượng không quân hải quân Trung Quốc đạt được, ông Andrew Erickson, chuyên gia thuộc Trường hải quân Mỹ, dẫn lời một sĩ quan Hải quân Mỹ nói trong một bài viết đăng trên tờ "Wall Street Journal": "Đó là cây số đầu tiên trong cuộc chạy việt dã của một vận động viên mới tham gia thi chạy đường dài. Người ta có thể hoặc thấy có tiến bộ bắt đầu từ con số không, hoặc xem cần phải chạy nốt số 41 cây số còn lại như thế nào." Con đường dẫn tới một đội tàu sân bay có khả năng tác chiến sẽ phải trải qua hai loại khó khăn : thiết lập một môi trường chung, không những về hậu cần (tổ chức hạm đội, duy trì năng lực, tiếp tế) mà cả về chiến thuật (nghiên cứu học thuyết và khái niệm sử dụng), cộng với công tác đào tạo và huấn luyện đội thủy thủ và đội ngũ phi công. 

Trong lĩnh vực cuối cùng nêu trên, nếu muốn đi nhanh có thể sẽ vấp phải đòi hỏi về an ninh và sự thận trọng do ban lãnh đạo chính trị áp đặt nhằm tránh để xảy ra tai nạn có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với hình ảnh - lúc này vốn không phải không có tỳ vết - về lực lượng không quân hải quân mới mẻ của Trung Quốc. Nhưng tất cả các phi công trên tàu sân bay, dù họ là ai, đều biết rằng muốn đạt được tiến bộ về kỹ thuật hạ cánh vốn rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm hay trong thời tiết xấu, phải sẽ phải trả giá cao về rủi ro và tai nạn, cộng với thiệt hại về người trong huấn luyện cao hơn rất nhiều so với thiệt hại trong các binh chủng đặc biệt khác. 

Các nhà lãnh đạo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng phải nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là các mối nguy hiểm không thể tránh khỏi đi liền với nỗ lực đuổi kịp người đi trước và bên kia là sự thận trọng về chính trị để giữ gìn hình ảnh, nhưng lại không có lợi ở chỗ làm gia tăng khoảng cách giữa kỹ năng của phi công Trung Quốc và kỹ năng mà không quân hải quân Mỹ có được nhờ kinh nghiệm rút ra được sau nhiều thập kỷ cùng với nhiều thiệt hại về người trong huấn luyện và các chiến dịch tác chiến thật. Đối với các chỉ huy quân sự và các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc, duy trì hướng đi trung dung có hiệu quả sẽ càng khó thực hiện hơn khi tàu sân bay phát triển trong thời bình. Đó là lúc dư luận ít có thiên hướng chấp nhận những thiệt hại liên tiếp về người hơn. Trong khi đó, các phương tiện tuyên truyền của đối phương sẽ chộp lấy cơ hội, mỗi khi xảy ra tai nạn, để đặt lại vấn đề đối với năng lực tác chiến của tàu sân bay của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, con át chủ bài của Hải quân và công cụ mang tính biểu tượng để Bắc Kinh nâng cao uy tín của mình trong khu vực và rộng hơn thế. 

Vậy Trung Quốc cần có bao nhiêu tàu sân bay và để làm gì ? Trong môi trường căng thẳng với các cuộc tranh cãi về chủ quyền ở biển Biển Đông hay với Nhật Bản, cộng với sự có mặt gây khó chịu của các tàu sân bay thiện chiến của Hải quân Mỹ, với những phi công đều đã thực hiện ít nhất 500 lần hạ cánh trong bốn năm đào tạo, lúc này có thể tàu sân bay Liêu Ninh, tuy trở thành nơi tiến hành thử nghiệm, cũng sẽ được sử dụng để khẳng định uy tín và sức mạnh của Trung Quốc. Loại sứ mệnh đó chỉ có thể thực hiện được khi toàn bộ số phi công của một phi đoàn máy bay trên tàu sân bay được đào tạo xong, nghĩa là có thể đủ tự tin để cất cánh từ tàu sân bay và hạ cánh xuống đây. 

Bên cạnh các sứ mệnh nhằm biểu dương sức mạnh, với khả năng răn đe cũng có ý nghĩa đối với Đài Loan, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể còn nghĩ ra nhiều sứ mệnh mạo hiểm hơn. Đó có thể là gây sức ép đối với các nước ven Biển Đông, chủ yếu là Việt Nam và Philíppin, và để cho các nước khác thấy rằng máy bay tiêm kích trên tàu sân bay từ trên không có thể đảm nhiệm việc yểm trợ các đơn vị đánh bộ được tung vào để đánh chiếm một hòn đảo nhỏ bị tranh chấp. 

Nhưng những hành động phô trương hung hãn, ngược lại, cũng có thể chứa đựng nguy cơ mà ngay cả các lực lượng hải quân nhỏ như của Philíppin và Hà Nội có thể gây ra cho tàu sân bay.

Muốn khắc phục tính dễ bị tổn thương nội tại của một tàu sân bay phải có một biên đội nhỏ tàu ngầm và tàu nổi có khả năng đánh bại một cuộc tấn công từ trên không hay tên lửa hành trình. Một khó khăn khác là phải biết định lượng các hành động uy hiếp để tránh xảy ra việc làm quá đà. Ngày 11/4/2001, trong một sứ mệnh của không quân nhằm làm nhụt chí các chuyến bay tuần tiễu của máy bay do thám Mỹ gần không phận Trung Quốc, một máy bay tiêm kích J-8II của nước này đã đâm vào một máy bay trinh sát loại EP-3 của Mỹ, buộc chiếc máy bay này phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. 

Vấn đề quy mô của đội tàu sân bay tương lai của Trung Quốc mới đây đã được đề cập đến bởi Hồ Vấn Minh, Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) với kế hoạch đóng 3 hay 4 chiếc tàu sân bay. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với Trung Quốc phải vượt qua được kỹ thuật "sao chép" từ các tàu mua của Nga. Theo một thông tin không được khẳng định từ Đài Loan, hai chiếc tàu sân bay khác dường như đã được khởi công. 

Hiện nay, các nhà quan sát thận trọng nhất vẫn tỉnh táo và không đưa ra những đánh giá quá mức gây hoang mang. Narushige Michishita, một chuyên gia Nhật Bản thuộc Viện nghiên cứu chính trị quốc gia Tokyo, mới đây giải thích việc đưa vào sử dụng tàu sân bay Trung Quốc là một chiến dịch nhằm khuấy động lòng yêu nước trong lúc diễn ra Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc, hơn là một mối đe dọa liên quan đến cuộc tranh cãi xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo ông, những tiến bộ của không quân hải quân Trung Quốc chưa phá vỡ được cân bằng chiến lược trong khu vực. 

Theo Question Chine

Hương Lan (gt)