Trịnh Vĩnh Niên nhấn mạnh, Trung Quốc từ trước tới nay luôn luôn thiếu kinh nghiệm ngoại giao và chưa bao giờ có kinh nghiệm gì trong việc giải quyết các vấn đề về biển. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc thiếu hẳn các nhân tài ngoại giao thật sự hiểu được các chính sách quốc tế, đồng thời môi trường chính sách nội bộ của Trung Quốc cũng rất không có lợi cho việc hình thành chính sách một cách lý tính. Do vậy, Trịnh Vĩnh Niên kết luận rất nhiều biện pháp giải quyết hiện nay của Trung Quốc đều là mộng tưởng cả.

 

 

Năm 2011, căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang, trở thành tiêu điểm quan tâm của các nước.

Biển Đông có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Trong cộng đồng quốc tế, không cần nghi ngờ mà nói rằng, Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm của vấn đề tranh chấp Biển Đông. Xu hướng giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ như thế nào?Là quản lý tranh chấp hay xung đột leo thang?Là chiến tranh xảy ra hay hòa bình duy trì được?Cuộc phỏng vấn của Báo Tài chính số một với Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á trường đại học quốc lập Singapore Trịnh Vĩnh Niên sẽ đi sâu phân tích vấn đề này.

Trịnh Vĩnh Niên nhận định, sau thời kỳ cải cách mở cửa, Trung Quốc đã nỗ lực thi hành chiến lược "Hòa bình trỗi dậy" (phát triển hòa bình). Trên rất nhiều phương diện, Trung Quốc đã từ bỏ các chính sách vốn tuân thủ từ lâu trước đó, phát riển mối quan hệ đa phương hữu hảo với ASEAN. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc cũng đã bắt đầu có hiệu lực. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đề xuất chủ trương "Gác bỏ tranh chấp chủ quyền, cùng khai thác". Những hành động này xét trên góc độ lý luận và thực tiễn, đã cấu kết thành sách lược và kim chỉ nam ngoại giao "giấu mình chờ thời" của Trung Quốc suốt từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình đến nay. Tuy nhiên, rất nhiều người đã nhận thấy rằng, trong rất nhiều vấn đề, nếu Trung Quốc không trực diện đối mặt, thì sẽ thôi thúc chính sách của mình đi theo xu hướng phản diện.

Trịnh Vĩnh Niên cho rằng, trong rất nhiều năm trở lại đây, chính bởi vì Trung Quốc luôn thực thi biện pháp bị động ứng phó, khiến vấn đề Biển Đông tích tụ chồng chất lại, tạo thành cục diện như hiện nay. Không cần biết liệu có thích hay không, có thấu hiểu hay không, thì Trung Quốc vẫn vấp phải những thách thức chưa từng có trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trịnh Vĩnh Niên nhận định rằng, Trung Quốc đã có không ít nỗ lực cố gắng trong việc củng cố mối quan hệ với cộng đồng ASEAN, đặc biệt chuyến thăm phỏng vấn của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) sang Việt Nam và Thái Lan, đã khiến cho các nước Đông Nam Á cảm thấy được thành tâm của Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông. Thế nhưng, Trịnh Vĩnh Niên cũng tiên đoán rằng, tình thái an ninh của khu vực này sẽ không được khả quan cho lắm.

 

Trung Quốc nên tránh hệ tư duy kiểu Mỹ

Hỏi: Ông cho rằng Biển Đông có ý nghĩa chiến lược như thế nào đối với Trung Quốc?

Trịnh Vĩnh Niên: Biển Đông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, chỉ có duy nhất Biển Đông có thể được coi là cửa ngõ nối liền biển của Trung Quốc. Hướng đông là hai đồng minh Nhật-Hàn của Mỹ, Trung Quốc muốn khiêu chiến với hai quốc gia này vô cùng khó. Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ nhưng giữa Trung Quốc và Ấn Độ Dương lại không hề có bất cứ một thông lộ trực tuyến nào, hiện tại có thể thông qua Myanmar để hướng tới Ấn Độ Dương, tuy nhiên quan hệ giữa Myanmar và Mỹ lại đang dần chuyển biến tốt đẹp. Biển Đông là cửa ngõ nối liền biển duy nhất của Trung Quốc, là đường sinh mệnh, quan trọng hơn cả lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nếu không có Biển Đông, Trung Quốc sẽ trở thành đất nước bị phong tỏa.

Đối với xu hướng giải quyết vấn đề Biển Đông, tôi tương đối lo lắng. Vấn đề của Trung Quốc chính là kiểu tư duy Mỹ hóa, như vậy sẽ dẫn tới việc xuất hiện một vấn đề rất lớn. Mà đặc điểm lớn nhất trong hệ tư duy của bá quyền Mỹ là không bao giờ biết quan tâm đến lợi ích của các nước nhỏ.

Hỏi: Ông có những tiên đoán như thế nào về sự phát triển của vấn đề Biển Đông trong tương lai?

Trịnh Vĩnh Niên: Tôi cho rằng, năm 2012, Trung Quốc sẽ một mực kiên trì chủ nghĩa song phương truyền thống trong vấn đề Biển Đông.

Đương nhiên, Trung Quốc cũng không phải không có bất cứ một chút điều chỉnh nào trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã đạt tới việc thực hiện các quy tắc "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông" (DOC) cùng ASEAN, hòa hoãn được căng thẳng Biển Đông liên tục leo thang suốt từ năm ngoái cho đến nay, đây chính là một bước tiến bộ. Tuy nhiên, vấn đề mà Biển Đông phải đối mặt là chủ nghĩa song phương dưới hình thức mới, chủ nghĩa song phương truyền thống là cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Malaysia, giữa Trung Quốc và Phillippines. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những quốc gia đó không còn muốn áp dụng hình thức này để tiến hành đàm phán với Trung Quốc nữa, mà muốn đàm phán trong bối cảnh đặt quan hệ này trong mối quan hệ đa phương giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc có không gian trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, chỉ là hiện tại không muốn điều chỉnh để có những thay đổi mà thôi.

Hỏi: Ý của ông là, khi giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc liệu vẫn còn không gian để có thể tiến hành điều chỉnh những thay đổi?

Trịnh Vĩnh Niên: Đúng, Trung Quốc không quan tâm đầy đủ đến lợi ích và lập trường của các nước nhỏ. Các nước nhỏ khu vực Đông Nam Á đều sợ sệt trong việc đàm phán riêng với Trung Quốc. Họ muốn tiến hành đàm phán trong mối quan hệ đa phương. Cục diện Biển Đông vốn đã là mối quan hệ đa phương từ trước đó rồi, có rất nhiều đảo đều là chủ đề tranh chấp chung của các quốc gia.

Nước lớn thiên về chủ nghĩa song phương truyền thống, nước nhỏ thiên về chủ nghĩa đa phương nhằm bảo hộ cho lợi ích của chính mình, hoặc là khu vực hóa, hoặc là quốc tế hóa, hoặc là đại quốc hóa. Những điều này phù hợp với lợi ích của họ, sự lựa chọn của các nước nhỏ, họ có nhu cầu về chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển. Các nước nhỏ khu vực Đông Nam Á hiện nay cũng đang làm như vậy, họ đang theo đuổi xu hướng khu vực hóa, quốc tế hóa, đại quốc hóa.

Theo đà như vậy, Trung Quốc đương nhiên không vui, không vui thì có thể, nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải biết tìm ra biện pháp để thay thế được, Trung Quốc từ trước tới nay luôn kiên trì sách lược đã tồn tại từ lâu trước đó mà việc đổi mới hệ tư tưởng lại không được đầy đủ.

Các vương triều truyền thống ngày trước cũng đã đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp giữa các nước láng giềng, vì sao lại có thể phát triển thành chế độ triều cống (chaogong zhidu), quan triều cống ban cho món quà trị giá năm đồng, vương triều lại ban mười đồng. Điều này được quyết định bởi vị trí đặc biệt của các nước láng giềng. Thế nhưng ngày nay, Trung Quốc đang học theo Mỹ, thật không thể được. Trung Quốc và Mỹ là hai nước không giống nhau, xung quanh Mỹ chỉ có Canada và Mexico, còn xung quanh Trung Quốc lại có tới vài chục nước, Trung Quốc càng lớn mạnh, thì các nước nhỏ càng liên kết lại để có thể tương đương với sức mạnh của Trung Quốc.

Mỹ cũng có một quá trình phát triển trong hệ thống quan hệ quốc tế. Mỹ đã trở thành quốc gia với tổng sản phẩm quốc nội lớn nhất thế giới vào thập niên 1890, thế nhưng trước thời kỳ Đệ chiến thế giới thứ nhất, Mỹ chỉ tồn tại quan hệ đối ngoại, chưa có nhận thức gì về quan hệ quốc tế. Mỹ thực thi chủ nghĩa cô lập trong chặng đường lịch sử vô cùng dài lâu, sau đó khi đã dần trưởng thành, xuất hiện Học thuyết Monroe nhằm vào đúng hậu viện của chính mình, và không có chút hứng thú gì với vấn đề quốc tế cả. Chỉ cho đến giữa thời kỳ Đệ chiến thế giới thứ nhất, Mỹ mới quyết định gia nhập vào hệ thống các vấn đề quốc tế, Mỹ khi đó mới dần dần hình thành nên khái niềm về quan hệ quốc tế. Trải qua hai cuộc Đệ chiến thế giới, Mỹ trở thành nhà lãnh đạo của cả thế giới phương tây. Mỹ đã mất hàng chục năm để khiến cho một quốc gia lớn chuyển từ khái niệm quan hệ đối ngoại sang khái niệm quan hệ quốc tế. Mà vấn đề cốt lõi của khái niệm quan hệ quốc tế lại là trách nhiệm quốc tế. Trung Quốc muốn có một nền ngoại giao lớn mạnh thì bắt buộc cũng phải đào tạo bồi dưỡng khái niệm trách nhiệm quốc tế cho chính bản thân mình.

 

Các quốc gia Đông Nam Á tất nhiên sẽ "ôm thành vòng, cùng sưởi ấm" (bao tuan qu nuan)

Hỏi: Các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ dùng những biện pháp như thế nào hòng đối phó lại Trung Quốc?

Trịnh Vĩnh Niên: Một liên minh tập hợp lại đã được hình thành cho đến thời điểm này rồi, ví dụ như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dùng nền kinh tế mậu dịch mang tính chiến lược hòng đối phó lại Trung Quốc, và còn có quân đội Mỹ đóng quân tại Châu Úc, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, liên minh Mỹ-Ấn, v.v... Trung Quốc lâm vào tình thế vô cùng khó khăn tại thời điểm này. Con đường duy nhất thoát được ra khỏi hiện trạng này chính là Biển Đông, tuy nhiên những vấn đề này đều sẽ góp phần ảnh hưởng đến tranh chấp Biển Đông.

Hỏi: Ông cho rằng các nước Đông Nam Á liên kết lại với nhau liệu có thể tạo thành sức mạnh tuyệt đối hòng đối phó lại Trung Quốc hay không?

Trịnh Vĩnh Niên: Đương nhiên rồi, có Mỹ, Ấn Độ, có Nhật, Nga, các nước Đông Nam Á hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để đối phó lại Trung Quốc. Tình thế hiện nay càng trở nên phức tạp khó khăn hơn. Giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn tồn tại mối quan hệ còn mở rộng và càng quan trọng hơn, vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước có liên quan đến tranh chấp. Đối với các quốc gia ASEAN không liên quan đến tranh chấp Biển Đông mà nói, thì vấn đề này không phải là vấn đề cốt lõi. Việt Nam, Philippines, Malaysia đều là các nước thành viên của ASEAN. Một khi Trung Quốc và các quốc gia này xảy ra xung đột thì các quốc gia khác trong cộng đồng ASEAN bất luận đứng từ góc độ nào đi chăng nữa thì cũng đều nghiêng về khuynh hướng ủng hộ cho các thành viên của mình. Mà nếu như vậy, ắt sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chính họ và Trung Quốc.

 

"Nhân tố Mỹ" có thể tốt cũng có thể xấu

Hỏi: Trung Quốc nên lợi dụng nhân tố Mỹ như thế nào đồng thời có thể giải quyết ra sao trong vấn đề tranh chấp Biển Đông?

Trịnh Vĩnh Niên: Đầu tiên, Trung Quốc cần chấp nhận chủ nghĩa song phương trong bối cảnh tình thế mới, cần đặt vấn đề tranh chấp Biển Đông trong mối quan hệ đa phương để tiến hành đàm phán với các nước nhỏ; tiếp đến, thiết lập mối quan hệ tốt với Mỹ. Tuy nhiên, nếu giữa hai quốc gia Trung-Mỹ hình thành kết cấu mà những năm trước vẫn gọi là G2, hoặc "Nước Trung-Mỹ", hai quốc gia này hợp tác chặt chẽ, không cho phép các quốc gia nhỏ tham gia cùng, vậy thì không gian quốc tế của các quốc gia nhỏ sẽ đột ngột bị thu hẹp lại. Thế nhưng, thời điểm này, Trung-Mỹ lại đang đối phó với nhau, nếu Trung Quốc công khai tuyên bố xung đột với Mỹ, thì kết quả ắt sẽ khó mà tiên đoán được. Giả dụ có là chiến tranh vũ khí xảy ra như thường lệ thì Trung Quốc cũng sẽ rất khó để có thể bảo đảm được rằng họ nhất định sẽ giành thắng lợi.

Hỏi: Ông cho rằng Vấn đề Biển Đông có khả năng xảy ra chiến tranh hay không?

Trịnh Vĩnh Niên: Xử lý không khéo đương nhiên là có thể rồi. Mọi người đều cho rằng chiến tranh không thể nào xảy ra được, thế nhưng đã có biết bao cuộc chiến thực sự là đã xảy ra trong lịch sử rồi. Ai cũng đều không muốn chiến tranh xảy ra. Tại thời điểm này mà nói, vấn đề Biển Đông đã trở nên rất phức tạp, mọi kết quả đều phụ thuộc vào thái độ xử lý của Trung Quốc, Trung Quốc thiếu hẳn các nhân tài ngoại giao thật sự hiểu được các chính sách quốc tế, rất nhiều biện pháp giải quyết hiện nay của Trung Quốc đều là mộng tưởng cả.

Môi trường chính sách nội bộ của Trung Quốc cũng rất không có lợi cho việc hình thành chính sách một cách lý tính. Hệ tư duy chiến lược của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông đại khái có thể chia thành hai phương diện. Một mặt, nền kinh tế quyết định mọi phương pháp tư duy vẫn còn tương đối phổ biến trong hệ thống quyết sách. Họ tin rằng, song song với sự phát triển kinh tế mậu dịch cùng các nước ASEAN, các nước ASEAN cuối cùng cũng sẽ điều chỉnh tình thế "kinh tế phụ thuộc Trung Quốc, chiến lược phụ thuộc Mỹ" như hiện trạng. Tuy nhiên, một khi quan hệ kinh tế không thể dẫn đến lợi ích về các lĩnh vực khác, thì những người này sẽ bị áp lực từ trong chính môi trường nội bộ, từ đó mất đi sự tự tin của mình. Mặt khác, tiếng nói của trường phái chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc (phái theo đường lối cứng rắn) lại ngày càng mạnh hơn, chủ yếu thể hiện hệ tư duy Mỹ hóa. Họ thường đặt trọng tâm vào sức mạnh cứng, chủ yếu là sức mạnh quân sự, cho rằng chỉ có duy nhất sức mạnh quân sự mới có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Hỏi: Phân tích thái độ hiện nay của Trung Quốc như thế nào?

Trịnh Vĩnh Niên: Mãi cho đến khi phát sinh ra một vấn đề rất lớn, Trung Quốc mới tiến hành điều chỉnh chính sách. Đây chính là mô hình của cuộc khủng hoảng về định hướng, trên lịch sử thực tế đã đều là như vậy. Trung Quốc từ trước tới nay luôn luôn thiếu kinh nghiệm ngoại giao, ngày trước là quốc gia lục địa, xử lý mối quan hệ với các quốc gia lục địa xung quanh thì còn có chút kinh nghiệm. Thế nhưng phương pháp ngoại giao thì lại rất bảo thủ, lấy Vạn Lý Trường Thành làm điểm phòng ngự, bây giờ phòng ngự thì chắc chắn là không thể được nữa rồi. Trung Quốc chưa bao giờ có kinh nghiệm gì trong việc giải quyết các vấn đề về biển cả.

Văn hóa Trung Quốc cũng quyết định chính sách ngoại giao Trung Quốc và đều mang tính chất phản ứng lại mà thôi. Trung Quốc thiếu hẳn chiến lược ngoại giao chủ động, toàn bộ hệ thống ngoại giao đều được vận hành trong tính phản ứng lại đó, ngày ngày đều là những phản ứng mang tính chất "cứu hỏa" khi đối diện với các vấn đề quốc tế. "Tính phản ứng lại" của nền ngoại giao cũng thể hiện trong quan niệm về an ninh quốc phòng của Trung Quốc. Trung Quốc nhấn mạnh tính phòng ngự trong nền quốc phòng của đất nước mình, mà không phải là tính tiến công. Trung Quốc chỉ đến khi thấu hiểu được các quốc gia khác có thể sẽ dùng phương pháp nào, sử dụng các loại vũ khí nào nhằm uy hiếp đất nước mình, thì khi đó mới có thể phát triển một loại vũ khí nào đó hay xây dựng một loại chiến lược quân sự nào đó. Trung Quốc rất hiếm khi có những chiến lược chủ động, đại loại giống như "đòn phủ đầu người" (xian fa zhi ren) kiểu Mỹ. Phương thức tư duy kiểu này đã quyết định rằng Trung Quốc sẽ rất khó để có được sự sáng tạo về những lĩnh vực này. Do vậy, trong những tình huống uy hiếp đe dọa không thể hiện rõ ràng xuất phát từ môi trường ngoài, Trung Quốc thường sẽ căn cứ vào tốc độ và nhu cầu của chính bản thân mình để tiến hành hiện đại hóa quốc phòng.

Hỏi: Bàn lùi một bước, nếu không xảy ra xung đột chiến tranh, nhưng căng thẳng Biển Đông sẽ bị leo thang một cách trầm trọng thì xu hướng tương lai sẽ ra sao?

Trịnh Vĩnh Niên: Nếu như căng thẳng Biển Đông sẽ bị leo thang một cách trầm trọng thì liệu sẽ dẫn đến việc chính thức xuất hiện một "tiểu NATO" (xiao bei yue) tại khu vực Châu Á không? "Tiểu NATO" khu vực Châu Á là hiện tượng hình thành từ thời kỳ George P. Bush còn cầm quyền, cũng chính hòng ý đồ lập nên một liên minh chiến lược quân sự hình thành từ liên minh các quốc gia Châu Á để bao vây toàn bộ Trung Quốc. Ý đồ này đã bị chặn đứng ngay sau khi Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố. Thế nhưng, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Mỹ, Nhật và Austraylia đã có những hợp tác quân sự và chiến lược mật thiết, đồng thời mục tiêu mà những hợp tác này đặt ra lại chính nhằm đối phó với Trung Quốc. Một khi các quốc gia này nhận thấy sự uy hiếp đe dọa từ chiến lược quân sự Trung Quốc, họ sẽ không bao giờ buông tay bỏ cuộc. Do vậy, có người lo lắng rằng, khi căng thẳng Biển Đông bị leo thang một cách trầm trọng sẽ có khả năng chính thức hình thành nên một "tiểu NATO" của khu vực Châu Á. Hơn nữa, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông này, nếu so sánh với Trung Quốc thì các quốc gia như Việt Nam và Phillippines đều là những nước nhỏ, họ tất nhiên sẽ đi theo khuynh hướng tự nhiên là kêu gọi sự ủng hộ từ các nước lớn khác (chủ yếu là Mỹ). Vấn đề này cũng đã được biểu hiện một cách tương đối rõ ràng suốt từ năm ngoái cho đến thời điểm này rồi.

Người dịch: Đinh Thị Thu (TTBĐ)

Bản gốc tiếng Trung “专访新加坡国立大学东亚研究所所长郑永年:南海博弈新空间