Nếu quan sát kỹ tình hình châu Á thì việc kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành nhận thức chiến lược của các nước lớn trên thế giới, các bên đều có một kiểu ý thức chiến lược mãnh liệt. Đàm phán về “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP) mà Mỹ thúc đẩy tiến triển rất nhanh, ý tưởng về “con đường tơ lụa mới” của Obama xung quanh việc đẩy mạnh liên kết Nam Á, Trung Á cũng đang trong quá trình đẩy mạnh, Kế hoạch về “đường giao thông vận tải” phương Bắc có thể sẽ hình thành cơ chế hợp tác vận tải và kinh tế mới ở khu vực Trung Á do Mỹ chủ đạo. “Ý tưởng về một Liên minh Âu-Á” do Putin đề xuất vào tháng 9 hiện đã có bước đi quan trọng. Ngày 18/10, tám nước gồm Nga, Ucraina, Bêlarút, Ácmênia, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Mônđôva, Tátgikixtan ký Hiệp định về Khu thương mại tự do, đánh dấu tư tưởng nhất thể hóa Âu-Á của Putin được “thực hiện một phần”. Nửa đầu năm 2011, giá trị thương mại trong Cộng đồng các quốc gia độc lập đạt 134 tỉ USD, ngang với quy mô thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Ở Đông Bắc Á, việc Nga tích cực tham gia hợp tác kinh tế tiểu khu vực mạnh lên. Cảm giác bức xúc của Nhật Bản với tư cách là một thành viên ở Đông Bắc Á bộc lộ rõ. Ngày 8/9 tại Hội nghị hợp tác kinh tế Trung-Nhật ở Trường Xuân, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Đông Bắc Nhật-Trung Akio Mimura, cho biết nếu Nhật Bản không kịp thời nhận rõ được tình hình mới để có hành động nhanh thì e sẽ bị lạc hậu.

Trung Quốc không thiếu những người có tầm nhìn toàn cầu và tư duy chiến lược. Những năm gần đây ngoại giao láng giềng cũng đáng chú ý. Hơn 10 năm trước đây, Trung Quốc năng động ở cả phía Bắc và phía Nam, tích cực tìm kiếm biện pháp thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải, xúc tiến xây dựng Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN mà từ tháng 1/2010 đã chính thức khởi động, những nỗ lực đó cả về an ninh hay kinh tế cũng đều có ý nghĩa to lớn. Các nước châu Á có tình hình khác nhau, giữa các nước vẫn có vấn đề mắc mớ phức tạp, nhưng thích ứng với tình hình thay đổi ở châu Á, hy vọng ngày mai tốt đẹp hơn vẫn là nguyện vọng cơ bản nhất. 

Trung Quốc là thực thể kinh tế lớn nhất ở châu Á, lợi ích giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á đan xen nhau, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Giữa các nước láng giềng của Trung Quốc với nước lớn ngoài khu vực cũng có lợi ích đan xen nhau phức tạp và cần đến nhau như vậy, cuộc chơi mà nước lớn triển khai ở đây không thiếu ý đồ cạnh tranh truyền thống. Trong cuộc chơi lớn đó ở châu Á, Trung Quốc vừa có ưu thế độc đáo trời phú, cũng vừa có bất lợi đến theo thời thế, vì vậy Trung Quốc cần phát huy thế mạnh và tránh bất lợi, không vì những mâu thuẫn cục bộ, mà trước sau vẫn không thể bỏ qua cách nhìn toàn cục. Khi cục diện chưa đến, muốn làm chủ châu Á, Trung Quốc phải thể hiện được dũng khí chiến lược và trí tuệ chiến lược: 

Thứ nhất, khai thác và phát huy quan niệm giá trị, quan niệm văn hóa châu Á, tìm điểm chung gác lại bất đồng, quy tụ được nhận thức chung về mặt tâm lý. Thứ hai, tiếp tục thực hiện phương châm cùng có lợi về kinh tế, chia sẻ những thành tựu kinh tế của Trung Quốc với bên ngoài nhiều hơn nữa, cần có tầm nhìn chiến lược, từng bước tạo cho các nước hoặc khu vực xung quanh (như ASEAN) trở thành đối tượng thương mại quan trọng nhất, thậm chí là lớn nhất của Trung Quốc, củng cố trạng thái tác động lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau giữa trong nước và ngoài nước về kinh tế. Thứ ba, thích ứng với tình hình mới, tăng cường hoàn thiện cơ chế hợp tác khu vực hiện hữu, thúc đẩy thành lập cơ chế mới mang tính chức năng và tính chuyên nghiệp, đồng thời tìm biện pháp ứng dụng ở phạm vi lớn hơn như hiệp định trao đổi tiền tệ, thực thi luật pháp chung, thúc đẩy thành lập mạng lưới vận chuyển hàng hóa lưu thông, liên hệ lẫn nhau ở phạm vi rộng hơn. Thứ tư, thành lập Diễn đàn châu Á hoặc tổ chức tương tự, thảo luận những vấn đề phức tạp bức xúc mà các bên đều quan tâm. Thứ năm, xử lý tốt mối quan hệ với các nước ngoài khu vực về triển vọng chung sống hòa bình, cùng có lợi và cùng thắng ở châu Á và châu Á-Thái Bình Dương. Các tổ chức kinh tế hoặc cơ chế kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương lớn nhỏ khác nhau, trùng lặp nhau và đan xen nhau cùng tồn tại là điều bình thường, Trung Quốc đã tiếp xúc với “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP), và đã thể hiện thái độ cởi mở trong việc xây dựng cơ chế khu vực. Đương nhiên Trung Quốc còn kêu gọi các bên hữu quan tiếp tục làm cho tiềm lực của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sống động hơn, thúc đẩy tự do hóa quá trình thương mại và đầu tư ở phạm vi rộng lớn hơn và thúc đẩy phối hợp các chính sách liên quan. 

Vấn đề Biển Đông liên quan đến chủ quyền quốc gia, thực tế này không có gì phải thắc mắc nghi ngờ, nhưng Trung Quốc cần xuất phát từ góc nhìn rộng hơn để thẩm định lại một cách toàn diện môi trường chính trị, kinh tế và an ninh ở xung quanh, coi trọng các nước xung quanh trong tình hình mới, tổ chức quản lý và làm cho chiến lược láng giềng của Trung Quốc được vững chắc, phong phú hơn, vấn đề này vẫn đòi hỏi người Trung Quốc phải thống nhất nhận thức và cùng hành động. 

  Theo “Thời báo hoàn cầu” (ngày 12/11)

 Mỹ Anh (gt)