Mùa hè năm 2007, phát biểu tại Hội trường Trung Tâm tại tòa nhà Quốc Hội Ấn Độ, với tư cách là thủ tướng của Nhật Bản, tôi đã nói về “Điểm hội tụ của Hai Đại dương” – cụm từ mà tôi đã lấy ra từ nhan đề của một cuốn sách được viết bởi hoàng từ Dara Shikoh của đế quốc Mughal – và được các nhà lập pháp thời đấy tán dương  ng hộ mạnh mẽ. 5 năm sau, tôi càng tin tưởng hơn rằng những gì tôi đã nói là chính xác.

Hòa bình, ổn định và tự do hàng hải tại Thái Bình Dường cùng với tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương là hai vấn đề không thể tách rời với nhau. Chưa bao giờ, những diễn biến tại một trong hai khu vực lại có mối quan hệ chặt chẽ đến khu vực kia như thời điểm hiện tại. Nhật Bản, với tư cách là một nền dân chủ truyền thống đi biển lâu đời nhất tại châu Á, cần phải đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích chung ở cả hai vùng biển trên.

Tuy nhiên, Biển Đông có vẻ như đang dần trở thành một “Hồ nước của Bắc Kinh,” bởi theo các nhà phân tích thì vai trò của khu vực này với Bắc Kinh cũng tương tự như vai trò của vùng Biển Okhotsk với Liên Xô: đây là một vùng nước đủ sâu để cho Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đặt các tàu ngầm tấn công hạt nhân của họ, những tàu có khả năng phóng các tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Trong một khoảng thời gian ngắn nữa, chiếc tàu sân bay mới được trang bị của Hải quân PLA sẽ trở thành một mối quan tâm chung – và cũng quá đủ để khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại.

Đó là lý do tại sao Nhật Bản không thể nào nhượng bộ cho các cuộc tập trận quân sự thường nhật của chính phủ Trung Quốc nhằm mục đích đe dọa tiến hành xung quanh vùng đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại Biển Hoa Đông. Đúng là các tàu chấp pháp của Trung Quốc đi vào các vùng biển tiếp giáp và lãnh hải của Nhật Bản chỉ là các tàu được trang bị vũ khí hạng nhẹ, chứ không phải là các tàu của Hải quân PLA. Tuy nhiên, chính sách “nhẹ tay” này sẽ không thể đánh lừa được bất cứ người nào. Bằng việc để sự xuất hiện của các tàu trên trở thành một điều bình thường, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập quyền tài phán của nước này tại các vùng biển xung quanh các đảo như là một việc đã rồi.

Nếu Nhật Bản nhân nhượng với Trung Quốc, thì tình hình Biển Đông sẽ càng trở nên rắc rối. Tự do hàng hải, yếu tố đóng vai trò không thể thiếu cho thương mại của các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ các tàu hải quân của Nhật Bản, mà các tàu hải quân của Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn khi đi vào khu vực trên, cho dù phần lớn diện tích của hai vùng biển gần Trung Quốc này đều là vùng biển quốc tế.

Vì lo ngại rằng tình hình trên sẽ tiếp tục trở nên phức tạp, tại Ấn Độ tôi đã nói rằng, chính phủ của Ấn Độ và Nhật Bản cần phải hợp tác để cùng chung vai gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa như là những người bảo vệ tự do hàng hải trên toàn Ấn Độ Dương và Thái bình Dương. Tôi phải thừa nhận rằng, tôi đã không dự đoán được sự mở rộng của hải quân và sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc lại diễn ra với một tốc độ nhanh như vậy kể từ năm 2007.

Các tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông và Biển Hoa Đông cho thấy rằng các ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại Nhật Bản phải hướng vào việc mở rộng tầm nhìn chiến lược của đất nước. Nhật Bản là một nền dân chủ có truyền thống và kinh nghiệm trên biển và việc lựa chọn các đối tác thân thiết của chúng tôi sẽ cho thấy được điều đó. Tôi đã vạch ra một chiến lược mà theo đó Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và tiểu bang Hawaii của Mỹ sẽ tạo thành một “khối kim cương” bảo vệ các vùng biển chung trải dài từ khu vực Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình. Tôi đã sẵn sàng sử dụng, đến mức lớn nhất có thể, năng lực của Nhật Bản để đóng góp cho “khối kim cương” an ninh này.

Những đối thủ của tôi trong Đảng Dân chủ Nhật Bản xứng đáng nhận được sự tín nhiệm bởi đã tiếp tục đi theo con đường mà tôi đã vạch ra vào năm 2007, nói cách khác, họ luôn tìm cách tăng cường quan hệ với Úc và Ấn Độ. Trong hai nước, Ấn Độ - một cường quốc lưu trú ở khu vực Đông Á, với Quần đảo Andaman và Nicobar án ngữ ở phần cuối phía tây của Eo biển Malacca (tuyến đường mà khoảng 40% hoạt động thương mại của thế giới đi qua) – cần được chú trọng hơn nữa. Nhật Bản hiện đang tham gia thường xuyên đối thoại quân sự song phương giữa các quân chủng với phía Ấn Độ, đồng thời cũng tham gia các cuộc hội đàm chính thức ba bên bao gồm cả Mỹ. Và chính phủ Ấn Độ đã thể hiện sự khôn khéo chính trị bằng việc tiến tới một thỏa thuận cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản - một thành phần quan trọng trong nhiều quá trình sản xuất - sau khi Trung Quốc sử dụng việc cung cấp đất hiếm như một công cụ trừng phạt ngoại giao.

Tôi cũng sẽ mời Anh và Pháp quay trở lại tham gia vào việc tăng cường an ninh ở Châu Á. Các nền dân chủ có truyền thống đi biển sẽ được hưởng điều kiện an ninh tốt hơn nếu như họ hiện diện trở lại trong khu vực thuộc về Nhật Bản. Vương quốc Anh vẫn nhận thấy giá trị của Thoả thuận Quốc phòng Ngũ Cường với Malaysia, Singapore, Úc, và New Zealand. Tôi muốn Nhật Bản gia nhập vào nhóm này, nhóm họp hàng năm để thảo luận giữa các thành viên, và tham gia cùng họ trong các cuộc tập trận quân sự quy mô nhỏ. Trong khi đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Pháp tại Tahiti hoạt động với một ngân sách rất nhỏ nhưng cũng có sức mạnh đáng kể.

Có thể nói rằng, không có gì quan trọng đối với Nhật Bản hơn là việc tái tập trung vào quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong giai đoạn tái cân bằng chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần Nhật Bản nhiều như Nhật Bản cần Mỹ. Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản vào năm 2011, quân đội Mỹ đã tiến hành những hoạt động cứu trợ nhân đạo lớn nhất trong thời bình giúp Nhật Bản - bằng chứng hùng hồn cho thấy mối quan hệ 60 năm mà các đồng minh hiệp ước đã dày công vun đắp là thực sự hiện hữu. Thiếu đi mối quan hệ lâu đời với Mỹ, Nhật Bản chỉ có thể đóng một vai trò rất nhỏ đối với khu vực và toàn cầu.

Tôi, trước hết, thừa nhận rằng mối quan hệ với người láng giềng lớn nhất của mình, Trung Quốc, rất quan trọng đối với sự yên bình của nhiều người Nhật Bản. Tuy nhiên, để cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật, Nhật Bản trước tiên cần giữ vững mối quan hệ của mình với bên khác của Thái Bình Dương; và cuối cùng, chính sách ngoại giao của Nhật Bản luôn luôn phải bắt nguồn từ sự dân chủ, các quy tắc của luật pháp, và việc tôn trọng quyền con người. Những giá trị phổ quát đã dẫn đường cho sự phát triển sau chiến tranh của Nhật Bản. Tôi hoàn toàn tin rằng, trong năm 2013 và xa hơn nữa, sự thịnh vượng tương lai của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ dựa trên những điều này.

Tác giả là Ông Shinzo Abe, Thủ Tướng của Nhật Bản. Bài viết được đăng trên trang Project-syndicate (ngày 27/12).

Người dịch: Anh Tiệp

Hiệu đính: Kim Minh