Tuyên bố kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Tuyên bố cũng kêu gọi các bên kiềm chế các hành động của mình. Trong bối cảnh hiện nay, những kêu gọi như vậy không hẳn là "vô thưởng vô phạt". Biển Đông hiện là nơi tranh chấp giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc. Mới đây, Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối thông báo của Bắc Kinh yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải được phép của họ mới được đánh bắt cá tại Biển Đông. Tuyên bố cũng được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và thông báo về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) đầy tranh cãi của Bắc Kinh. Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đưa ra các nguyên tắc liên quan đến tranh chấp. Việc Myanmar chủ trì hội nghị và ra được tuyên bố như vậy là một dấu hiệu tốt. Cách đây hai năm, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã không chịu nổi áp lực và né tránh vấn đề Biển Đông. Và lần này, có nhiều lí do để tin rằng Myanmar, dù bỡ ngỡ với cương vị mới, vẫn có thể làm tốt.

Trước hết là điều kiện trong nước. Giới đầu tư nước ngoài đang chú ý tới Myanmar khi nước này đang dần thoát khỏi sự cô lập và bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính trị hướng đến cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Chính quyền Obama đặc biệt hoan nghênh và ủng hộ những diễn biến này, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì quan tâm và tầm ảnh hưởng của mình tại đây do có chung biên giới với Myanmar. Ai cũng muốn Myanmar thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN và trong tiến trình mở cửa của mình.Các điều kiện bên ngoài cũng đang được cải thiện. Trung Quốc đã và đang tỏ thái độ hữu hảo hơn với hầu hết các nước ASEAN, như đã được thể hiện trong các chuyến thăm Indonesia và Malaysia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Là một bên không có tranh chấp tại Biển Đông, Myanmar có thể giúp giải quyết vấn đề một cách không vụ lợi. Tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc sẽ được đảm bảo, dù cho một giải pháp là không khả thi trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác vẫn cần cân nhắc. Một yếu tố quan trọng với ASEAN là mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Hai cường quốc ở châu Á đều can dự sâu sắc với Myanmar và với tất cả các nước ASEAN, cả về chính trị và kinh tế. Nếu sự kình địch trở nên quá mức, chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. Mỗi quốc gia ASEAN có thể thân với bên này hay bên kia. Song với ASEAN, với tư cách là một nhóm, cần tuân thủ nguyên tắc của mình. Vì thế, tuyên bố của hội nghị Bagan có ý nghĩa đáng kể. ASEAN hướng đến thành lập Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015. Do Myanmar mới mở cửa, hiện có nhiều quan ngại về tốc độ hội nhập và tác động tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của nước này. Myanmar không nên hạn chế quá trình hội nhập kinh tế. Họ có thể phát triển một chính sách song hành, hỗ trợ trong những vấn đề quan trọng mà các SME phải đối mặt, như tài chính.

Chính phủ Myanmar đã cho thấy họ có thể giải quyết vấn đề hậu cần trong kì đại hội thể thao SEA Games mới đây. Song, cần lưu ý rằng với ASEAN, sẽ không chỉ có hai hội nghị thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo, mà còn là khoảng 240 hội nghị diễn ra trong suốt cả năm. Điều này đòi hỏi không chỉ thời gian và sự lãnh đạo, mà còn là cả sự tập trung. Vì thế, vấn đề về chính trị nội bộ của Myanmar sẽ tác động đến cương vị Chủ tịch ASEAN của họ. Ví dụ như vấn đề bang Rakhine và các vấn đề sắc tộc khác. Tại Bagan, chính phủ Myanmar đã đưa ra một giới hạn khi yêu cầu ASEAN không thảo luận các vấn đề này, bất chấp những quan ngại về cách họ ứng xử với các cộng đồng thiểu số Hồi giáo. Điều này là có thể hiểu được và có tiền lệ khi ASEAN phần lớn bỏ qua những vấn đề tương tự ở miền Nam Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn phần lớn phụ thuộc vào năng lực giải quyết vấn đề của chính phủ Myanmar. Nếu tình hình xấu đi, Liên minh châu Âu hay Mỹ có thể bày tỏ quan ngại, và điều này đòi hỏi phản ứng lớn hơn từ ASEAN, yêu cầu Myanmar không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến cả nhóm. Mặc dù lần đầu tiên đảm nhận nhưng Myanmar hiện đang làm rất tốt chức Chủ tịch ASEAN. Myanmar không nên cho rằng mình đơn độc khi một số thành viên ASEAN khác đang phải đối mặt với vấn đề nội bộ. Các nước trong khối vẫn có thể giúp đỡ, với tư cách láng giềng và bạn bè.

Tác giả Phó Giáo sư Simon Tay thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời là Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA). Bài viết đăng trên trang “The Malaysian insider” (ngày 29/1).

Mỹ Anh (gt)