Máy bay thương mại Trung Quốc hạ cánh tại đường bay mới xây trên đá Chữ Thập

Trung Quốc lại một lần nữa thử thách thái độ của ASEAN bằng việc đưa máy bay hạ cánh xuống một đường băng mới được xây dựng trên Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Ngày 6/01, Tân Hoa Xã đưa hình ảnh hai máy bay thương mại hạ cánh trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử), ca ngợi việc vận hành đường băng trên đảo đá là một thành công nữa sau cuộc hạ cánh thử nghiệm 4 ngày trước đó, vốn làm cho Việt Nam tức giận. Tân Hoa Xã cho biết, "các chuyến bay thử nghiệm thành công cho thấy sân bay này có khả năng bảo đảm an toàn cho hoạt động của máy bay dân dụng cỡ lớn".

Thông tin trên - một sự khoe khoang - khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, trong đó hai thành viên ASEAN là Việt Nam và Philippines, những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đối với các đảo và rặng san hô trên Biển Đông, đã lên tiếng phản đối. Đường cất hạ cánh dài 3 km trên Đá Chữ Thập là một trong ba đường băng Trung Quốc đã xây dựng trong năm qua trên quần đảo Trường Sa bằng cách nạo vét và bồi đắp cát lên các rặng và đảo san hô. Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông đã tạo ra tranh chấp lãnh thổ với 4 trong 10 nước thành viên của ASEAN, ngoài Việt Nam, Philippines, hai nước còn lại là Brunei và Malaysia. Philippines và Việt Nam thậm chí không sử dụng tên "Biển Nam Trung Hoa" do lo ngại cụm từ này hàm ý công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, việc hạ cánh trên Đá Chữ Thập là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho rằng, nếu động thái mới nhất trên của Bắc Kinh không bị phản đối, "Trung Quốc sẽ tiến tới quan điểm có thể lập vùng nhận diện phòng không (trên Biển Đông)".

Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ các phản đối, tuyên bố có chủ quyền “hiển nhiên và không thể chối cãi" đối với khu vực đang tranh chấp, khẳng định các chuyến bay thử nghiệm "không nhằm mục đích nào khác ngoài việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của rất nhiều tàu thuyền và thủy thủ đang sử dụng một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới ".

Với vai trò chủ tịch của Lào, nước không có tranh chấp trên Biển Đông, ASEAN cho đến nay chưa có phản ứng chính thức. Tuy nhiên, ASEAN không thể giữ im lặng về vấn đề trên, một vấn đề có thể đe dọa làm xấu đi mối quan hệ của ASEAN với siêu cường duy nhất của khu vực. Biển Đông thực sự là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và tầm quan trọng của nó đối với thương mại vượt xa các lợi ích của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Theo đó, các xung đột lãnh thổ đã trở thành mối lo ngại ở Washington và Mỹ đã tuyên bố việc hạ cánh trên Đá Chữ Thập đe dọa ổn định khu vực. Mỹ cam kết không can thiệp vào các tranh chấp và ủng hộ những hành động nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ làm phức tạp hơn các vấn đề đối với ASEAN, mặc dù một số thành viên ASEAN đang thúc giục Washington đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

ASEAN đã thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp hàng hải, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, ký với Trung Quốc năm 2002. Tuy nhiên, tài liệu đó không có tính ràng buộc và do đó không có giá trị trong việc giải quyết các tranh chấp này. Các thành viên ASEAN đang đàm phán (với Trung Quốc) một bộ quy tắc ứng xử có tính rằng buộc, song việc ASEAN không có khả năng hoặc không sẵn sàng hành động thống nhất khiến tiến trình đàm phán cho đến nay ít tiến triển.

Giờ đây, nhiệm vụ của Lào trong vai trò ASEAN, với sự hỗ trợ của các thành viên có thể nói chuyện với Trung Quốc trên danh nghĩa ASEAN, là cố gắng đưa các bên tranh chấp tới bàn hội nghị. Đối phó với một Trung Quốc bành trướng không dễ dàng, song cần phải nỗ lực, nếu không tranh chấp khu vực sẽ leo thang thành xung đột vũ trang.

Theo The Nation

Văn Cường (gt)