Sự thành công của Trung Quốc trong việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng nước này tiếp tục thiết lập một ADIZ ở Biển Đông. Đồn đoán này tiếp tục gia tăng vào tháng 11/2013 khi trong tuyên bố về ADIZ tại Biển Hoa Đông, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc sẽ thành lập các ADIZ khác vào thời điểm thích hợp sau khi công tác chuẩn bị cần thiết được hoàn thành". Nhiều người hiện đang tự hỏi trong những hoàn cảnh nào thì Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ ở Biển Đông. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này và chỉ có sự kết hợp của các nhân tố này mới dẫn đến quyết định thiết lập một ADIZ mới của Trung Quốc. Các nhân tố này là:

Một là, khi Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự tại khu vực. Trung Quốc hiện thiếu năng lực giám sát và thực thi đầy đủ một ADIZ như vậy ở Biển Đông. Khả năng tiếp nhiên liệu trên không hạn chế của lực lượng không quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) ảnh hưởng đến việc thực thi sức mạnh trên không của nước này. Mặc dù PLAAF có năng lực về radar song không thể bao quát hết được toàn bộ Biển Đông. Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc mới tiến hành tập trận ở Biển Đông. Nó có thể giúp Trung Quốc giám sát không phận tại đây song chưa thể giám sát đầy đủ trong một vài năm tới. 

Trung Quốc đang gia tăng khả năng và sự hiện diện của mình trong phạm vi đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà nước này tuyên bố chủ quyền. Hạm đội Nam Hải đã tiến hành tập trận vào tháng 10/2013 và tháng 1/2014, 3 tàu Trung Quốc đã tuần tra bãi James Shoal (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu), cách Malaysia 50 dặm và là điểm cực Nam xa nhất trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh dự định có một tàu tuần tra dân sự trọng tải 5.000 tấn tại thành phố Tam Sa, đậu tại khu vực quần đảo Hoàng Sa để "thiết lập một hệ thống tuần tra thường xuyên" nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình. Một khi Trung Quốc phát triển đầy đủ khả năng giám sát hiệu quả trên biển và không phận tại khu vực, sự thiết lập một ADIZ tại Biển Đông nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Hai là, khi Trung Quốc đã thuyết phục các nước láng giềng về ý định không gây hấn của mình. Trung Quốc vẫn chưa giảm bớt được những lo ngại của các nước láng giềng về sự gây hấn của nước này tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một cuộc họp báo hồi tháng 1/2014 đã nhấn mạnh về cam kết của nước này đối với hòa bình khu vực. Tuy nhiên, các tuyên bố như vậy trở nên trống rỗng trong bối cảnh Trung Quốc bị các nước trong khu vực xem là mối đe dọa tự do hàng hải, làm suy yếu các quy định luật pháp và đặt ưu tiên lợi ích của mình lên trên lợi ích của các nước láng giềng.

Khẳng định không có ý định gây hấn ở Biển Đông, song những lời nói của Bắc Kinh không thể xoa dịu những lo lắng của các nước láng giềng trong thời gian tới. Robert Sutter cho rằng Trung Quốc không muốn gặp rủi ro và rằng bất kỳ hành động cưỡng chế có tính phủ đầu nào ở Biển Đông như thiết lập một ADIZ có thể đưa đến hậu quả không mong muốn trong đó có sự can dự của Mỹ. Do đó, Bắc Kinh có thể tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN thông qua hợp tác kinh tế và các đề án phát triển chung trước khi cho công bố một ADIZ ở Biển Đông.

Ba là, khi Trung Quốc cảm thấy bị khiêu khích bởi các nước láng giềng. Người ta thường nghĩ Trung Quốc là kẻ khiêu khích, tuy nhiên nước này cũng cảm thấy bị đe dọa bởi các nước láng giềng. Chính sách tái cân bằng của Mỹ với châu Á đã làm cho Trung Quốc cảm thấy khó chịu và lo ngại về một liên minh tiềm tàng bao vây chống Trung Quốc. Những nỗi lo ngại này chắc chắn sẽ càng tăng khi Mỹ và Philippines đạt được Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng, theo đó cho phép Mỹ có sự hiện diện quân sự gia tăng tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Bên cạnh đó, Philippines, Malaysia và Việt Nam, đều là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đã gặp nhau hồi tháng 2/2014 để thảo luận về khả năng hợp tác trong khu vực tranh chấp và tổ chức một cuộc gặp khác vào cuối tháng Ba. Nếu ba quốc gia này có thể phối hợp quan điểm và phản ứng ngoại giao với nhau thì sẽ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc buộc nước này phải có các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Cùng với vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc đã được đệ trình hồi tháng 1/2013 với Tòa án Quốc tế về Luật Biển, các yếu tố này có thể dẫn đến quyết định của Trung Quốc thiết lập một ADIZ thứ hai.

Hiện Trung Quốc thiếu năng lực quân sự đầy đủ để thực thi một ADIZ tại Biển Đông, chưa thuyết phục được các nước láng giềng về ý định ôn hòa của mình, cũng như không coi các nước trong khu vực là mối đe dọa hiển hiện đối với lợi ích của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh khó có thể thiết lập một ADIZ vào thời điểm này. Chỉ khi Trung Quốc có được năng lực quân sự để duy trì một ADIZ ở Biển Đông thì một trong hai yếu tố còn lại kể trên có thể kích hoạt một ADIZ mới. Nếu Trung Quốc đủ mạnh và có một trong hai yếu tố là nước này thuyết phục thành công các nước láng giềng ở Biển Đông về ý định ôn hòa của mình hoặc Bắc Kinh cảm thấy mức độ đe dọa đủ lớn từ các nước láng giềng, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.

Elizabeth Barrett, thành viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc của CSIS. Bài viết được đăng trên CogitAsia, Trang Nghiên cứu châu Á thuộc CSIS.

Văn Cường (gt)