“Dân tộc ta đang sống trong một thời khắc quá độ”, đó là điều mà Tổng thống Obama đã tuyên bố vào ngày 5/1 vừa qua, trước khi tiết lộ chiến lược phòng thủ tương lai của nước Mỹ. Chiến lược này dự báo sẽ thu gọn tầm vóc quân sự và sẽ chấm dứt một số sứ mệnh, đặc biệt là những trận chiến ở vùng đất cơ giới hóa ở châu Âu và các hoạt động tác chiến chống nổi loạn ở Ápganixtan và Pakixtan. Mục đích là để tập trung nhiều hơn vào những khu vực khác – đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương – và các mục tiêu khác: chiến tranh mạng, các hoạt động tác chiến đặc biệt và việc kiểm soát các vùng biển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận định: “Lực lượng liên minh của Mỹ sẽ bị giảm nhẹ, nhưng nó sẽ nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, sẵn sàng triển khai một cách nhanh chóng, sáng tạo và hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật”. Theo Obama và Panetta, hướng đi mới này phản ánh một tình trạng không sáng sủa cả bên trong lẫn bên ngoài. Bị suy yếu bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ đã lâm vào tình trạng bùng nổ nợ công; căn cứ vào Đạo luật kiểm soát ngân sách được thông qua năm 2011, ngân sách của Bộ Quốc phòng sẽ bị cắt 478 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Và có thể còn những cắt giảm lớn nữa nếu các đảng viên Cộng hòa với Dân chủ không thể đi đến một thỏa thuận về những giải pháp kinh tế khác. Trên phương diện quốc tế, việc rút quân khỏi Irắc đã không làm giảm áp lực quân sự. Oasinhtơn đang đối mặt với những cuộc xung đột tiềm tàng mới, ví dụ cuộc chiến với Iran hay với Bắc Triều Tiên, cũng như trước sự khẳng định của Trung Quốc. Thoạt tiên, chính sách này nhằm mục đích tạo ra một lực lượng quân sự nhỏ gọn hơn, nhưng thích nghi tốt hơn với những mối nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai, như vậy nó có thể được coi như là một câu trả lời thực dụng trong một bối cảnh kinh tế và địa – chính trị không ổn định. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, người ta có thể phát hiện ra những mục tiêu rộng lớn hơn. 

Những đối thủ tham vọng 

Đối mặt với sự xuất hiện của những đối thủ tham vọng và với nguy cơ không thể tránh khỏi là dần mất đi cương vị siêu cường duy nhất của mình, nước Mỹ tìm cách giữ vững ưu thế của họ bằng cách duy trì thế lực trong những cuộc chiến có tính quyết định và trong những khu vực then chốt của hành tinh, có nghĩa là trong những vùng ngoại vi của châu Á, dựa theo một vòng cung trải từ Vịnh Pécxích, qua Ấn Độ Dương và Biển Đông tới Tây Bắc Thái Bình Dương. Để làm được điều này, Lầu Năm Góc sẽ tìm mọi cách để bảo toàn ưu thế của mình không những trên đường không và đường biển, mà cả trong lĩnh vực chiến tranh mạng và công nghệ vũ trụ nữa. Là phương diện chính của chính sách quốc phòng Mỹ, việc chống khủng bố sẽ chủ yếu được giao phó cho các lực lượng tinh hoa, được trang bị bởi các máy bay do thám hủy diệt không người lái và bởi trang thiết bị cực kỳ hiện đại. Quản lý việc thu hẹp sự hiện diện của mình ở nước ngoài, hay nói cách khác, quản lý sự suy sụp của một đế quốc – chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Rất nhiều quốc gia đối mặt với thách thức này, đặc biệt là Anh và Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc Nga sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, đã ghi nhận điều đó bằng kinh nghiệm xương máu của mình. Họ đã thường dấn thân vào những cuộc phiêu lưu quân sự đầy mạo hiểm, như cuộc xâm lược của Pháp và Anh vào Ai Cập năm 1956, hay cuộc xâm lược của Liên Xô vào Ápganixtan năm 1979; bấy nhiêu cuộc khởi xướng đó đã nhanh chóng dẫn đến sự suy sụp thay vì trì hoãn nó. Khi tấn công Irắc vào năm 2003, Mỹ đang ở trên đỉnh cao của quyền lực. Nhưng cuộc nổi dậy tiếp diễn sau đó kéo dài và tốn kém tới mức – theo ước tính khoảng từ 1000 đến 4000 tỉ USD - điều này dẫn tới xu hướng, và một phần nào đó khả năng Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến lâu dài ở châu Á. Dường như từ nay trở đi có rất ít khả năng Obama hoặc bất cứ một vị tổng thống nào khác, dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, sẽ lao vào một chiến dịch quân sự tương tự như những cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan. 

Vì vậy, là những người hiểu biết tinh tế về lịch sử, Tổng thống Obama và những cố vấn chính của ông hiểu rằng sẽ thật là ngu ngốc – và tốn kém – nếu cứ bám vào toàn bộ những cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài, nhưng không phải vì thế mà họ từ bỏ tất cả những cam kết đó. Chính sách quốc phòng mới của họ đi theo một con đường ở giữa hai điều trên: giảm bớt sự dính líu của họ ở một số khu vực, đặc biệt là châu Âu, và củng cố sự hiện diện của họ ở các khu vực khác. Ông William J Burn, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã phát biểu trong một bài diễn văn ở Oasinhtơn vào tháng 11/2001: “Trong những thập kỷ tới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành một khu vực năng động nhất, và quan trọng nhất trên thế giới đối với những lợi ích của Mỹ. Khu vực này đã tập trung hơn một nửa dân số thế giới, những đồng minh chủ chốt, những cường quốc mới nổi và một số thị trường kinh tế chính”. Để duy trì sự thịnh vượng, và để không bị suy sụp vì sự phát triển của Trung Quốc, đây chính là khu vực mà nước Mỹ cần phải tập trung sự cố gắng của mình, ông Burns giải thích: “Để đáp ứng những thay đổi sâu sắc đang diễn ra ở châu Á, chúng ta cần phải phát triển một kiểu kiến trúc ngoại giao, kinh tế và an ninh có thể theo kịp tốc độ”. Kiểu “kiến trúc mới” này bao gồm nhiều tầm vóc quan trọng, cả về mặt quân sự và phi quân sự. Mỹ vừa mới củng cố các mối quan hệ ngoại giao với Inđônêxia, Philíppin và Việt Nam , và đã thiết lập lại những mối quan hệ chính thức với Mianma. Song song với đó, Nhà Trắng tìm mọi cách để tăng cường thương mại Mỹ ở châu Á và ủng hộ hết mình cho sự chấp thuận một hiệp định tự do trao đổi đa phương: Quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiến lược này có một mục đích tiềm ẩn: chống lại sự vươn lên của Trung Quốc và ảnh hưởng của nước này đối với Đông Nam Á. Ví dụ bằng cách khôi phục các quan hệ ngoại giao với Mianma, Mỹ hy vọng thâm nhập vào một đất nước mà ở đó, cho tới nay Bắc Kinh chỉ có rất ít đối thủ cạnh tranh. Đối với TPP, đơn giản là loại trừ Trung Quốc, lấy cớ vì những lý do kỹ thuật. 

Khả năng triển khai 

Ý muốn vượt qua đối thủ Trung Quốc cũng đòi hỏi những phương hướng quân sự mới. Theo các nhà chiến lược của Lầu Năm Góc, sự thịnh vượng của các đồng minh của Mỹ ở châu Á phụ thuộc vào quyền tự do của họ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, điều kiện không thể thiếu để nhập khẩu những nguyên liệu (đặc biệt là dầu mỏ) và xuất khẩu những mặt hàng chế biến công nghiệp một cách thuận lợi. Ông Burns phân tích: “Sự vươn lên của Trung Quốc đã không chỉ đổi mới những thành phố và những nền kinh tế châu Á: nó đã vẽ lại một bản đồ địa chiến lược. “Chỉ cần nêu ra một ví dụ, một nửa trọng tải hàng hóa hiện nay đi qua Biển Đông”. Chế ngự được vùng biển này và các vùng biển kế bên, Mỹ sẽ có thể áp đặt một quyền lực ép buộc tiềm ẩn đối với Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực, như điều mà trước đây Hải quân Anh đã làm. Các cố vấn của Lầu Năm Góc từ lâu nay đã biện hộ cho kiểu chính sách như thế này, bằng cách tuyên bố rằng lợi thế đặc biệt của Mỹ nằm trong khả năng của họ kiểm soát những đường biển chính trên thế giới, một lợi thế mà không một cường quốc nào khác có được. Dường như Chính quyền Obama cũng đã lựa chọn quan điểm này. Tổng thống Mỹ đã hứa hẹn điều này trong một bài diễn văn đọc ở Canbơrơ (Ôxtrâylia) vào ngày 17/11/2011. Ông cam đoan: bất chấp những cắt giảm ngân sách, “chúng ta sẽ cung cấp những phương tiện cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự của chúng ta ở khu vực này bằng cách cải thiện sự có mặt của chúng ta ở Đông Nam Á”. Vì vậy cần phải chờ đợi những hoạt động quân sự và những hoạt động triển khai tàu chiến của Mỹ trong khu vực này. Ông Obama cũng thông báo về việc thành lập một căn cứ mới ở Darwin , thuộc bờ biển phía Bắc Ôxtrâylia, và việc tăng viện trợ quân sự cho Inđônêxia. 

Việc thực hiện những kế hoạch địa chính trị khổng lồ này sẽ gây ra một sự chuyển biến trong quân đội Mỹ. Một tài liệu của Lầu Năm Góc dự báo: Điều này sẽ “tăng thêm sức mạnh thể chế và tập trung vào sự hiện diện, khả năng triển khai và sức mạnh răn đe của họ ở châu Á - Thái Bình Dương”. Mặc dù tài liệu này không chỉ rõ những thành phần nào của quân đội sẽ được tạo điều kiện, nhưng rõ ràng trọng tâm chú ý sẽ rơi vào lực lượng hải quân – đặc biệt là các tàu sân bay và các hạm đội tàu chiến – và vào những máy bay và tên lửa đời mới nhất. Trên thực tế, trong khi tổng lực lượng quân đội Mỹ sẽ giảm từ 570 nghìn xuống còn 490 nghìn lính trong vòng 10 năm, thì ông Obama đã bác bỏ ý kiến giảm bớt lực lượng hải quân. Vả lại, nước Mỹ dự kiến sẽ đầu tư một lượng tiền đáng kể để trang bị các loại vũ khí cho quân đội chống lại chiến lược “chống tiếp cận” và “chống xâm nhập khu vực” (A2/AD) của các đối thủ tiềm tàng. Kế hoạch mới của Lầu Năm Góc giải thích: “Để răn đe một cách hiệu quả những đối thủ nếu có và để khiến họ không đạt được những mục đích của họ, Mỹ phải duy trì khả năng triển khai trong các khu vực mà quyền tự do di chuyển và hoạt động của chúng ta còn đang gây tranh cãi” - một lời trích dẫn gần như nói rõ về những vùng biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như đối với Iran và Bắc Triều Tiên. Ở những khu vực này, tài liệu nêu rõ, những đối thủ tiềm tàng của Mỹ, “ví dụ Trung Quốc”, có nguy cơ sử dụng những “phương pháp không đối xứng” – tàu ngầm, tên lửa chống hạm, chiến tranh mạng… - để đánh bại hoặc ngăn cản hoạt động của quân đội Mỹ. Hệ quả là “quân đội Mỹ sẽ đầu tư cần thiết để đảm bảo khả năng hoạt động của họ trong những khu vực A2/AD”. Rõ ràng, Mỹ đang muốn chế ngự khu vực ngoại vi đường biển châu Á; họ đã dành ưu tiên cho khu vực này. Sẽ chẳng có gì là quan trọng nếu Trung Quốc và các cường quốc mới nổi khác phản đối điều này. 

Theo Mondediplo

Viết Tuấn (gt)