Một số chuyên gia quân sự không tin rằng PLA có thể giành chiến thắng ở bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai, dù quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa. Họ viện dẫn tình trạng thiếu kinh nghiệm cũng như sự lạc hậu về công nghệ trong một số lĩnh vực (như động cơ máy bay), những điều có thể ảnh hướng tới khả năng chiến đấu của PLA. 

Theo Thiếu tướng La Viện, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến gần tới khả năng xung đột quân sự sau khi Bắc Kinh thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang có tranh chấp với Nhật Bản. Ông La Viện nói: "Trung Quốc cần liên tục nâng cao cảnh giác, bởi Nhật Bản đã nhiều lần thực hiện các sự cố nhỏ để kích động xung đột".

Trên thực tế, PLA đã triển khai các đơn vị không quân và hỗ trợ hậu cần tiên tiến nhất tới các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển phía Đông Nam nước này nhằm thể hiện rằng họ đã sẵn sàng cho bất cứ cuộc xung đột nào trong khu vực. Ông La Viện nói: "Cho tới nay, tất cả các máy bay mà hai nước phái tới vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đều là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 3. Các máy bay mới nhất và hiện đại nhất được phiên chế trong PLA vào cuối thập kỷ này có J-10, J-11B và Su-27 do Nga sản xuất. Ngược lại, Nhật Bản chỉ triển khai trong khu vực khoảng 30 chiếc F-15 được lực lượng không quân nước này sử dụng từ những năm 80". 

Ông La Viện không nói rõ PLA có thể huy động bao nhiêu máy bay tiêm kích trong trường hợp xung đột quân sự, nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có ưu thế vượt trội về số lượng và chủng loại máy bay. Ông nói: "Trung Quốc có một số sân bay quân sự dọc bờ biển Đông Nam có thể hỗ trợ một cách hiệu quả về mặt hậu cần cho các máy bay chiến đấu PLA vì các sân bay này rất gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ có 1 sân bay gần khu vực này (sân bay Naha ở Okinawa)". Trong khi đó, Tạp chí Quốc phòng châu Á Hán Hòa của Canada cho rằng lực lượng tên lửa chiến lược của PLA đã triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không tầm xa S-300 tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) từ năm 2012. 

Giáo sư Ni Lexiong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách phòng thủ của trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết ông không chắc PLA sẽ có ưu thế trong bất cứ cuộc xung đột nào. Ông phân tích: "Trên thực tế, khả năng hỗ trợ hậu cần của Trung Quốc gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tốt hơn Nhật Bản vì các căn cứ quân sự tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang luôn sẵn sàng cho cuộc chiến với Đài Loan từ thập niên 1950. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không được bỏ qua Mỹ, đối tượng sẽ đóng vai trò quyết định trong bất cứ cuộc xung đột nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản". 

Antony Wong Dong, nhà quan sát quân sự tại Macao (Trung Quốc), cho rằng nếu thù địch nổ ra với Nhật Bản, tất cả các căn cứ quân sự và cơ sở trên đất liền và trên biển đều là mục tiêu ném bom. Ông bình luận: "Trung Quốc có nhiều máy bay chiến đấu hơn Nhật Bản. Tuy nhiên, một phi công Nhật Bản có thể khả năng và chuyên môn bằng với ít nhất ba phi công Trung Quốc nếu xét về mức độ huấn luyện chuyên sâu và tập trận phối hợp với không quân Mỹ".

Theo trang mạng "warfiles.ru"

Thuỳ Anh (gt)