Tổ chức hợp nhất mới có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của Hải quân Trung Quốc. Song song với các hành động trên biển, báo giới Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền của nước này tại quần đảo Điếu Ngư. Hàng loạt thông tin và hình ảnh về hoạt động tuần tra của tàu Hải Giám được các báo Trung ương cập nhật liên tục và công khai.Trước các động thái trên của phía Trung Quốc, người ta ngày càng lo ngại về khả năng một sự việc ở biển Hoa Đông có thể sẽ trở thành điểm nóng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói: “Có nguy cơ một sự việc nhỏ có thể leo thang thành cuộc đối đầu quân sự”. Sáng 16/3, Cơ quan Quản lý Đại dương Trung Quốc (SOA) đã thông báo “tin nóng” ngay khi các tàu hải giám của SOA đi vào khu vực gần quần đảo Điếu Ngư. Tin này có đoạn: “Các tàu hải giám đã phát hiện một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) ở vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư và rượt đuổi tàu này”. Các phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có mặt trên các tàu hải giám này và liên tục đưa tin về “vụ rượt đuổi” này.Trong số hai tàu hải giám này có tàu Haijian 50, với lượng rẽ nước 4.000 tấn và có các bãi đỗ trực thăng. Đây là lần đầu tiên Haijian 50 tham gia hoạt động hải giám ở khu vực này. Hôm 17/3, Haijian 50 đã tiến lại gần mỏ khí đốt Shirakaba mà phía Trung Quốc gọi là Chunxiao. Một quan chức của SOA nói: “Các hoạt động này nhằm chứng tỏ với người dân Trung Quốc và thế giới rằng Trung Quốc có các quyền lãnh thổ ở các khu vực biển này”. Trên thực tế, lập trường cứng rắn như vậy của Trung Quốc được dựa trên chiến lược của chính phủ nước này. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được triển khai hồi năm ngoái đã khẳng định rõ ràng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ xây dựng một chiến lược khai thác đại dương để bảo vệ các lợi ích trên biển của nước này. Liên quan tới việc hợp nhất các cơ quan chức năng liên quan tới các vấn đề biển, Thiếu tướng Luo Yuan, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, đang cân nhắc việc thành lập “Bộ Đại dương Quốc gia” bằng cách hợp nhất 9 bộ phận hiện đang nằm rải rác trong Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an và SOA. Ông Luo nói: “Cần phải đối phó với JCG bằng cách giúp các tổ chức liên quan của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn và trang bị các tàu lớn hơn”. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc, vốn không liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ biển, đang có các động thái hỗ trợ cho kế hoạch trên. Hồi cuối tháng 2/2012, Giám đốc SOA Liu Cigui đã có cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli. Tại cuộc gặp này, hai bên đã nhất trí rằng Hải quân sẽ hợp tác với SOA trong việc đào tạo thủy thủ, nghiên cứu đại dương và các lĩnh vực khác. Ông Liu cũng đưa ra khả năng Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia các hoạt động hải giám của SOA. Ông nói: “Chúng tôi cũng thảo luận về việc triển khai các tàu chiến của Hải quân”.

Theo Asahi (ngày 19/3)

Vũ Hiền (gt)