Ngày 31/1 vừa qua, Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh về việc thiết lập một ADIZ mới sau khi nhật báo Asahi của Nhật Bản đưa tin các quan chức quân không Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã dự thảo các kế hoạch thiết lập một ADIZ có thể bao trùm các quần đảo tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. 

Nhật báo Asahi dẫn các nguồn tin không nêu tên, trong đó có các quan chức Chính phủ Trung Quốc, nói rằng các quan chức không quân PLA đã đưa ra những đề xuất về việc thiết lập một ADIZ mới, có thể bao trùm phần lớn khu vực Biển Đông, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo báo Asahi, các quan chức cấp chuyên viên của Không quân PLA đã soạn thảo các đề xuất về ADIZ bao trùm phần lớn Biển Đông, trong đó đưa quần đảo Hoàng Sa vào trung tâm ADIZ này. Dự thảo đề xuất này đã được trình lên các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vào tháng 5 năm ngoái. Dự thảo này nói rằng ADIZ ở Biển Đông sẽ bao gồm phạm vi tối thiểu là bao trùm khu vực không phận bên trên quần đảo Hoàng Sa và có thể mở rộng ra phần lớn khu vực Biển Đông. Báo này dẫn lời các quan chức Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh hiện đang cân nhắc phạm vi ADIZ ở Biển Đông và xem xét về thời gian đưa ra tuyên bố thiết lập ADIZ này. 

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí là đối với cả những khu vực nằm cách xa đường bờ biển của nước này. Các quốc gia xung quanh vùng biển này đã có những tuyên bố tranh chấp chủ quyền và chồng lấn ở Biển Đông.

Các chuyên gia phân tích nước ngoài nhận định việc thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ xảy ra. Hồi tháng 11 năm ngoái, chính quyền tỉnh Hải Nam đã thông qua một quy định yêu cầu các tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào những khu vực ở Biển Đông, nơi Trung Quốc coi như “ao nhà” của họ. 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Trung Quốc Đại lục cho rằng trong tương lai gần Trung Quốc chưa chắc đã thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Giáo sư Thì Ân Hoằng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định: “Xét từ chiến lược khu vực và những tuyên bố chính thức gần đây của Trung Quốc, chưa chắc Bắc Kinh sẽ thiết lập một ADIZ ở Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. 

Giáo sư Giả Khánh Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh nhận định sự cần thiết phải thành lập một ADIZ ở Biển Đông là ít cấp bách hơn so với ADIZ ở Biển Hoa Đông. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf hôm 31/1 đã tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào nhằm thiết lập một ADIZ ở Biển Đông đều sẽ bị coi là “một hành động khiêu khích và là hành động đơn phương, làm gia tăng những căng thẳng và gây ra nghi ngờ thực sự về cam kết của Trung Quốc đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải bằng biện pháp ngoại giao.” Trước đó, tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Trung Quốc về bất kỳ hành động nào nhằm thiết lập một ADIZ ở Biển Đông, nơi được coi là một tuyến đường vận tải quan trọng kết nối với nhiều khu vực và các tuyến đường thương mại toàn cầu. 

Thông tin này được đưa ra vài tháng sau khi Bắc Kinh gây bất ngờ với việc tuyên bố thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku – trung tâm tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Bắc Kinh và Tokyo. Thông tin này cũng được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực ngày càng quan ngại về điều mà họ coi là những tuyên bố lãnh hải hung hăng của Trung Quốc. 

Tháng 11 năm ngoái, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã phản ứng giận dữ khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập một ADIZ ở biển Hoa Đông. Trung Quốc yêu cầu tất cả các máy bay bay vào khu vực này phải cung cấp các kế hoạch bay cũng như quốc tịch của máy bay và duy trì liên lạc radio hai chiều, hoặc phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”. 

Mỹ tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và trong một hành động được coi là một sự thách thức đối với Bắc Kinh, Washington đã điều các máy bay ném bom B52 bay vào khu vực này mà không thông báo cho phía Trung Quốc. 

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, một quan chức cấp cao Trung Quốc mới đây nói rằng quan hệ giữa Bắc Kinh với Tokyo “có lẽ đang ở vào giai đoạn tồi tệ nhất.” Bà Phó Doanh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, nói rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ “phản ứng thực sự đối với bất kỳ sự khiêu khích nào”. Bà Phó Doanh nói “nhiều người đang lo ngại và các mối quan hệ song phương đang xấu đi nhiều”. 

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, sử dụng các ADIZ như là một hình thức cảnh báo sớm, cho phép họ theo dõi những máy bay tiếp cận không phận của họ. Những máy bay bay vào các khu vực ADIZ này thường được yêu cầu thông báo về danh tính và duy trì liên lạc radio với nhà chức trách địa phương. Bất kỳ máy bay nào gây ra quan ngại đều có thể dẫn đến một vụ điều động máy bay chiến đấu xuất kích để ngăn chặn. 

Theo South China Morning Post

Văn Cường (gt)