Mỹ có nhiều đồng minh thân cận tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời có quan hệ tốt với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Cho dù vậy, quyết định của Mỹ trở thành thành viên EAS vẫn là một động thái đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên Mỹ tham gia một diễn đàn đa phương bao gồm những quốc gia thực sự “Đông Á”. Trước Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ sáu (EAS-6), EAS chủ yếu do ASEAN dẫn dắt. Mặc dù có những bất đồng về hình mẫu và thành viên, nhưng không khí bao trùm của EAS vẫn là hợp tác khu vực, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề kinh tế. EAS là diễn đàn trao đổi “các vấn đề lợi ích chung về chính trị và kinh tế, có mục tiêu tăng cường sự thịnh vượng kinh tế, ổn định và hòa bình tại Đông Á”. Song chỉ tới Hội nghị cấp cao Đông Á gần đây nhất, vấn đề duy trì hòa bình và tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực mới thực sự được chú ý. Việc thông qua “Các nguyên tắc Bali” tại EAS-6 đã mang tới vị thế bình đẳng cho tất cả các quốc gia thành viên EAS trong mọi vấn đề chiến lược quan trọng, đồng thời giải thích rõ về tầm quan trọng của luật lệ quốc tế, nhất là những luật liên quan tới vấn đề hàng hải. Đây là động thái tích cực cho các quốc gia từng lo lắng về sự thay đổi liên tục giữa ý tưởng lấy ASEAN làm trung tâm và thực tế sức mạnh của Trung Quốc tại Diễn đàn Đông Á. Tuy vậy, không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của Mỹ trong những diễn biến mới này. Cần thừa nhận rằng phần lớn các nước thành viên ASEAN sẵn sàng hoan nghênh sự có mặt của Mỹ và Nga, bởi họ nhận ra rằng không có xu hướng trung tâm nào của ASEAN có thể làm sút giảm ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc, cả bên trong và bên ngoài Hội nghị cấp cao Đông Á. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 cho thấy nhiều nhà lãnh đạo yêu cầu EAS tập trung vào hợp tác chiến lược và hàng hải trong khu vực. Rõ ràng, mong muốn này đòi hỏi sự hiện diện của Mỹ. Tuyên bố Chủ tịch EAS cũng chỉ ra rằng sự xuất hiện của Mỹ đã khiến các thành viên EAS đồng ý về “quyền lực tối cao của các nguyên tắc và chuẩn mực luật quốc tế”. Vai trò bình đẳng của mọi thành viên và quyền lực của luật quốc tế chính là kết quả quan trọng nhất mà Hội nghị EAS-6 đạt được. Điều này sẽ không xảy ra nếu thiếu đi sự ủng hộ của Mỹ. Tương tự, “Các nguyên tắc Bali ” cho thấy các thành viên EAS cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương tích cực trong khu vực.

Mỹ có thể đảm bảo sự bền vững của chủ nghĩa đa phương đó qua việc cân bằng quyền lực, không để quyền lực nghiêng về phía nào. Thành công của EAS-6 đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu Mỹ có sẵn sàng thực hiện cam kết lâu dài? Oasinhtơn sẽ phải trả lời câu hỏi này với hành động rõ ràng và có sự phối hợp. Sự can dự của Mỹ trong vai trò lãnh đạo là điều thực sự cần thiết. Việc Mỹ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2012 cùng các cuộc họp có liên quan tại Campuchia sẽ là “phép thử” đầu tiên. Mặc dù năm 2012 là năm bầu cử ở Mỹ song vai trò dẫn dắt của Mỹ ở Hội nghị cấp cao Đông Á tới đây vẫn là điều cấp bách. Ít nhất, Mỹ sẽ phải lưu ý tới văn hóa của ASEAN, khi mà đại diện cấp cao tại Hội nghị cấp cao Đông Á luôn được tất cả thành viên mong đợi. Một trong những thiếu sót đáng kể tại Hội nghị cấp cao Đông Á là việc thiếu vắng sự ủng hộ có tính tổ chức. Điều này có thể mang lại lợi ích tức thì cho Mỹ. Đến nay, các thành viên ASEAN đã quyết định chương trình nghị sự của EAS, xem xét kết nạp thành viên mới. Ban Thư ký ASEAN cũng hậu thuẫn cho Hội nghị cấp cao Đông Á. Tuy nhiên, công việc dành cho EAS bị lấn át bởi các công việc hàng ngày của ASEAN và các hoạt động chuẩn bị cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các thành viên EAS không thuộc ASEAN cho rằng họ có khả năng hoạch định và đóng góp vào chương trình nghị sự của EAS. Thực tế, kết quả được trông đợi của Hội nghị cấp cao Đông Á không được giám sát đầy đủ trong những năm gần đây. Mỹ có thể xem xét tăng cường sự ủng hộ mang tính tổ chức cho EAS thông qua việc thành lập một Ban thư ký EAS hiệu quả. Ban thư ký này sẽ giám sát kết quả của Hội nghị cấp cao Đông Á trong suốt năm. Sự hiện diện của Mỹ tại EAS là tín hiệu tích cực cho cả Mỹ và các nước thành viên khác. Với sự chuyển dịch kinh tế thế giới hướng về Đông Á, việc Mỹ duy trì can dự tại khu vực này là điều đáng giá. Mỹ cũng sẽ mang tới sự cân bằng quyền lực cần thiết trong khu vực. Theo cách thức này, EAS có thể mang lại lợi ích cho tất cả thành viên, đồng thời góp phần quan trọng vào hợp tác khu vực./.

Anita Prakash, chuyên gia về quan hệ chính sách thuộc Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á  

Theo Eastasiaforum (ngày 17/1)

Nhật Linh