Theo tờ “Sankei” (Nhật Bản), kế hoạch thành lập cộng đồng chung ASEAN được dựa trên ba yếu tố trụ cột là an ninh, chính trị; kinh tế; văn hoá, xã hội. Trong đó, trụ cột an ninh, chính trị gồm năm nội dung chính là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; đưa ra các quyết định trên cơ sở nhất trí giữa toàn bộ các nước thành viên; tôn trọng chủ quyền của các nước khác; không đe dọa sử dụng vũ lực phòng tránh; giải quyết một cách hoà bình các xung đột.

Để thực hiện kế hoạch này, ASEAN đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước thành viên và từng bước xây dựng các chính sách ngoại giao phòng ngừa để ngăn chặn xung đột phát sinh hoặc lan rộng. Nỗ lực trên được thể hiện rõ nhất qua Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hoặc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM). Để xây dựng lòng tin lẫn nhau, các nước ASEAN đã tích cực tiến hành hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng như trao đổi quốc phòng, hợp tác tìm kiếm cứu nạn và chống khủng bố. Tại ARF vừa qua, các bên đã tiếp tục thúc đẩy chính sách phòng chống thiên tai, đồng thời nhấn mạnh đến thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về văn bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn thực thi DOC bản thân nó không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Trong quá trình thảo luận, Philípin đã bày tỏ sự hoài nghi về nội dung văn bản trên, đồng thời tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh, điều đó cho thấy những bất đồng trong nội bộ ASEAN. Trước đó, việc Thái Lan và Campuchia phải nhờ đến sự phân giải của tòa án quốc tế trong tranh chấp tại khu vực biên giới hai nước cũng cho thấy năng lực hạn chế của ASEAN cũng như sự bất hợp lý trong nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên của khối này.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy thực sự các nước thành viên ASEAN chưa xây dựng được niềm tin với nhau và còn rất lâu mới đạt được điều đó. So với Liên minh châu Âu, kế hoạch thành lập cộng đồng chung ASEAN có một số khó khăn cụ thể như tồn tại sự khác biệt về thể chế, tôn giáo, thực trạng dân chủ-nhân quyền.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp tục theo đuổi các “lợi ích cốt lõi” và tìm cách thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc thành lập cộng đồng chung ASEAN sẽ gặp phải “bức tường” cao mang tên Trung Quốc vì mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là sự không thống nhất trong nội bộ ASEAN về cách đối phó với quốc gia này./.

  Theo Sankei

Vũ Hiền (gt)