Nhà khoa học giấu tên này cho biết tàu ngầm được trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ không chỉ giúp cho hải quân Trung Quốc có được lợi thế trong trận chiến dưới đại dương mà còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo lên một cấp độ mới. Nhà khoa học này nói: “Mặc dù tàu ngầm có sức mạnh hủy diệt lớn, nhưng bộ não của nó lại khá nhỏ”.

Mặc dù tàu ngầm hạt nhân dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm và khả năng của nhóm thủy thủ để vận hành một cách hiệu quả, nhưng các yêu cầu của trận chiến thời hiện đại sẽ dẫn đến nhiều thay đổi, thậm chí khiến con tàu được vận hành trôi chảy nhất trở nên bị gián đoạn. Lấy ví dụ, nếu 100-300 thủy thủ trên tàu ngầm bị buộc phải hoạt động cùng nhau dưới mực nước sâu tăm tối trong nhiều tháng, mức độ căng thẳng gia tăng có thể tác động đến khả năng đưa ra quyết định của các quan chức chỉ huy, thậm chí dẫn tới các đánh giá sai lầm. Theo nhà khoa học này, hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ việc đưa ra quyết định theo “quan điểm của riêng hệ thống đó” sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc và “gánh nặng tinh thần” cho các quan chức chỉ huy.

Khả năng trí tuệ nhân tạo đóng vai trò nổi trội trong các tàu ngầm hạt nhân- thông qua công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc- là một cột mốc lớn đối với cả Trung Quốc và nền khoa học. Theo nhà khoa học trên, quân đội Trung Quốc muốn công nghệ trí tuệ nhân tạo mới đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất định. Ưu tiên ở đây là đảm bảo rằng hệ thống này có thể theo sát và nắm bắt được các chiến dịch khó khăn và thay đổi thường xuyên dưới nước. Nó cũng phải có cấu trúc đơn giản để giảm thiểu nguy cơ thất bại. Và nó phải tương thích với các hệ thống máy tính hiện có của các tàu ngầm.

Khi được hỏi về thách thức của dự án này, nhà nghiên cứu nói trên cho biết: “Nó giống như việc nhét một chú voi vào tủ lạnh. Điều quân đội Trung Quốc quan tâm nhất không phải là các đặc điểm cao xa. Điều họ quan tâm nhất là hệ thống trí tuệ nhân tạo không bị hỏng hóc giữa trận chiến nảy lửa”. Quân đội Trung Quốc hiện chưa có kế hoạch để giảm bớt số lượng các thủy thủ trên tàu ngầm khi công nghệ trí tuệ nhân tạo được sẵn sàng triển khai. Nhà nghiên cứu này nói: “Vẫn cần có bàn tay con người trong mọi thời điểm quan trọng. Đây là điều cần thiết cho sự an toàn”.

Bắc Kinh, vốn rất nghiêm túc với chương trình tàu ngầm trí tuệ nhân tạo này, đang tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để thực hiện chương trình. Zhu Min, nhà nghiên cứu tại Viện Âm học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và là nhà khoa học hàng đầu trong chương trình thám hiểm đại dương của Trung Quốc, cho biết trí tuệ nhân tạo là một “trào lưu mới” trong cộng đồng nghiên cứu tàu ngầm Trung Quốc trong những năm qua. Ông nói: “Trước đây, việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dường như rất xa vời, nhưng trong thời gian gần đây, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ. Dường như các nhà khoa học đặt nhiều hy vọng vào công nghệ này”. Theo ông Zhu, mặc dù các chương trình máy tính truyền thống trên các tàu ngầm vẫn cần sự chỉ đạo của con người nhưng trí tuệ nhân tạo có khả năng “thay đổi cuộc chơi dưới biển”.
Các thuật toán của trí tuệ nhân tạo thường được triển khai trên các máy tính đồ sộ và tinh vi, đòi hỏi sự tính toán chuyên sâu để giải quyết số lượng dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, các tiến bộ kỹ thuật gần đây cho thấy các thuật toán này có thể được triển khai trên các máy tính nhỏ.

AlphaGo, chương trình máy tính cờ vây được phát triển bởi Google’s Deep Mind, ban đầu cần tới một số các máy tính cấu hình cao. Sau 2 năm, chương trình này chỉ cần tới 1/10 bộ nhớ ổ cứng với hiệu suất cao hơn hẳn. Ông Zhu cho biết việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trên nền tảng vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân sẽ là bước đi tiếp theo để phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc để trí tuệ nhân tạo tìm kiếm tri thức mới mà thiếu đi sự kiểm soát có thể dẫn tới các hậu quả khó lường. Theo ông Zhu, nếu hệ thống này bắt đầu có suy nghĩ riêng, “chúng ta có thể có một tàu ngầm với kho vũ khí hạt nhân đủ để phá hủy một lục địa”, điều giống như kịch bản phim khoa học viễn tưởng. Ông nói: “Đây đích thị là nguy cơ mà chính quyền nên cân nhắc khi đưa trí tuệ nhân tạo vào tàu ngầm”.

Giáo sư khoa học máy tính và là nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, ông Deng Zhidong cho rằng nguy cơ các cỗ máy sử dụng trí tuệ nhân tạo chống lại loài người không xảy ra, ít nhất trong tương lai gần. Ông nói: “Cỗ máy được trang bị trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là cỗ máy. Nó không có sự sống... Bạn có thể tắt nó đi và chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay bất cứ lúc nào. Nó cũng giống như trên tàu ngầm hạt nhân”.

Theo “SCMP

Lê Quang (gt)