Nhật báo "Yomiuri" của Nhật Bản dẫn các nguồn tin chính phủ nước này ngày 15/7 cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đang lên kế hoạch thành lập một lực lượng đặc biệt với thành phần là các cán bộ đến từ nhiều cơ quan nhằm xác định khoảng 400 hòn đảo chưa được xác định rõ ràng là lãnh thổ Nhật Bản và xác nhận chủ quyền của họ cũng như là tên của các hòn đảo. Những hòn đảo không có tên chủ sở hữu sẽ được đặt cho một cái tên chính thức và được quốc hữu hóa. 

Giáo sư Go Ito - chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Meiji ở Tokyo - nhận định: “Thực sự đây không phải là điều bất ngờ và đó chỉ là điều mà Chính phủ Nhật Bản thực hiện sớm hay muộn mà thôi. Đó cũng là hành động quan trọng bởi vì giờ đây họ đang hành động trước khi Trung Quốc có thể bắt đầu đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo đó. Dĩ nhiên, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ lại có những tuyên bố chủ quyền (gây xung đột) đối với những vùng lãnh thổ đó, tương tự vấn đề Senkaku hiện nay”. Nhật Bản hiện cũng đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Đài Loan, Hàn Quốc và Nga một số khu vực mà Tokyo coi là thuộc lãnh thổ của họ. Giáo sư Ito nói: “Có một số lượng tương đối nhỏ các hòn đảo thuộc danh mục nhiều khả năng được tuyên bố chủ quyền bởi cả hai bên, và nó có thể gây ra nhiều vấn đề”. 

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Trung Quốc đã hạ thấp tác động tiềm tàng đối với quan hệ Trung-Nhật, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ông Liêm Đức Quý (Lian Degui) - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải - nhận xét: “Tokyo đang làm việc này mà không lo ngại bởi vì họ không tìm kiếm chủ quyền đối với những hòn đảo đó thông qua một thủ tục pháp lý phù hợp. Kế hoạch này chưa chắc đã gây ra tác động quan trọng lên quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản”. Theo ông Liêm Đức Quý, không có dấu hiệu nào cho thấy những hòn đảo mà Nhật Bản muốn quốc hữu hóa cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. 

Một chuyên gia khác về vấn đề Nhật Bản - nhà nghiên cứu Đát Chí Cương (Da Zhigang) thuộc Viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang - nói rằng đây có thể là một nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm tập hợp sự ủng hộ đối với đảng Dân chủ Tự do của ông này trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 21/7 tới. Một chiến thắng cho đảng này sẽ giúp chấm dứt thế bế tắc kéo dài 6 năm tại Quốc hội Nhật Bản. Ông Đát Chí Cương nói: “Chính quyền Abe muốn chuyển hướng sự chú ý của các cử tri từ các vấn đề trong nước sang các vấn đề ở bên ngoài”. 

Cùng với các động thái pháp lý, Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường cải thiện các khả năng quân sự của nước này ở những khu vực được coi là nhiều nguy cơ. Tokyo đang xem xét triển khai một đơn vị mới tới quận Henoko ở Okinawa, nơi họ sẽ hợp tác chặt chẽ với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đóng ở căn cứ Schwab. Đề xuất triển khai thêm một đơn vị bổ sung đến Okinawa được vạch ra lần đầu tiên vào năm 2010, khi Kế hoạch Quốc phòng giữa nhiệm kỳ nêu rõ rằng đơn vị nói trên sẽ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động cứu hộ trong các thảm họa thiên nhiên, bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước các mối đe dọa bên ngoài và hỗ trợ các đơn vị ở những nơi khác của Nhật Bản. 

Cũng về vấn đề Nhật Bản, theo "Thời báo Tài chính" (Anh), nhiều năm qua, có một vấn đề chung mà Nhật Bản cần hơn tất cả, đó là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Và bây giờ, bất chấp hậu quả ra sao, Nhật Bản đang sắp có một người như thế.

Ngày 21/7 tới đây, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải cạnh tranh với các chính đảng khác ở Nhật Bản trong cuộc bầu cử Thượng viện. Nếu LDP giành được kết quả như mong đợi, chính phủ liên minh của ông Abe sẽ củng cố thêm quyền lực của mình với việc chiếm được đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện. Điều này sẽ cho phép ông Abe thông qua các dự luật dễ dàng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm gần đây. Một điều quan trọng không kém đó là một chiến thắng quyết định sẽ chấm dứt thời kỳ mà các thủ tướng Nhật Bản đến và đi rất nhanh: Đã có 7 thủ tướng trong vòng 7 năm qua và 14 thủ tướng trong vòng 20 năm. Nếu thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này, ông Abe có thể sẽ không gặp phải thách thức lớn cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2016. Điều này sẽ giúp ông Abe trở thành người ngồi ghế thủ tướng lâu nhất kể từ thời ông Junichiro Koizumi - người từng có nhiệm kỳ 6 năm, bắt đầu từ năm 2001.

Trên thực tế, ông Abe có thể chứng minh được rằng ông có sức mạnh lớn hơn ông Koizumi vì hai lý do. Thứ nhất, mặc dù vẫn có đấu đá phe phái và tư tưởng trong nội bộ, nhưng LDP vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ nhà lãnh đạo của đảng này sau ba năm ở cương vị đảng đối lập. Thứ hai, bất chấp hậu quả ra sao, ông Abe vẫn là một chính trị gia có sức thuyết phục hơn so với ông Koizumi. Tính tự đề cao của ông Koizumi về những vấn đề như cổ phần hóa ngành bưu chính đã khiến nhiều người tin rằng ông cực đoan hơn những gì ông ta thể hiện. Ông Abe có động lực từ chủ nghĩa bảo thủ mà một số người cho rằng đó là chủ nghĩa dân tộc không được thay đổi. Đó chính là nền tảng cho chính sách kinh tế "Abenomics" của ông. Tất cả những điều này mang lại nhiệt huyết cho ông Abe. Cuối cùng, Nhật Bản cũng có được nhà lãnh đạo quyền lực mà nước này đi tìm bấy lâu nay. Nhưng liệu ông Abe có thể chèo lái con thuyền Nhật Bản vượt qua được những khó khăn kinh tế hay lại chìm sâu xuống vùng biển chủ nghĩa dân tộc?

Về kinh tế, một điều chắc chắn là chính sách "Abenomics" không phải là không có rủi ro. Việc vội vàng tìm cách tăng tỷ lệ lạm phát có thể tạo ra những hậu quả ngoài ý muốn, chẳng hạn như giá cả leo thang hoặc những vấn đề đối với các ngân hàng có bảng quyết toán tràn ngập trái phiếu. Tuy nhiên, đây là một rủi ro đáng để chấp nhận. Nhật Bản cần phải loại bỏ tình trạng giảm phát kéo dài suốt 15 năm qua mặc dù nó đã giúp bảo vệ thu nhập của người dân. Ở vị trí đứng mũi chịu sào, không phải tất cả những gì ông Abe làm đều đúng, nhưng có một chính sách mạnh mẽ là một điều tốt đối với nước này.

Về chính sách xã hội và thái độ với các nước láng giềng thì có nhiều điều lo ngại hơn. Nhật Bản có thể sẽ cảm thấy lạc lõng khi mà ý tưởng hát quốc ca hay tưởng niệm những binh sĩ tử trận vẫn còn gây tranh cãi cả trong và ngoài nước. Ông Abe cũng không giấu giếm tham vọng viết lại bản hiến pháp đã được thực hiện sau thất bại của Nhật Bản năm 1945. Ông muốn khôi phục quyền được phép có lực lượng vũ trang của Nhật Bản vốn bị cấm bởi Điều 9 trong Hiến pháp. Tuy nhiên, ông Abe khó có thể làm được điều này. Phần lớn người dân Nhật Bản vẫn coi trọng Điều 9 của Hiến pháp bởi vì nó đã giúp họ được an toàn trong suốt thời gian dài. Họ cũng nghi ngờ về những toan tính nhằm làm dịu bớt những yếu tố cấp tiến của Hiến pháp. Điều này sẽ buộc ông Abe phải quay lại với kế hoạch ban đầu để dễ dàng tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp.

Một vấn đề khác đó là ông Abe đang dự định xem xét lại lời xin lỗi mà nước này từng đưa ra liên quan tới việc quân đội Nhật Bản đã cưỡng ép nhiều người phụ nữ ở Châu Á, trong đó có nhiều phụ nữ Hàn Quốc, làm nô lệ tình dục trong Thế chiến Thứ hai. Ông Abe cho rằng những điều tồi tệ luôn xảy ra trong chiến tranh và Nhật Bản không đáng bị buộc tội như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng khó có thể thành công. Dù có quan điểm bảo thủ, LDP vẫn biết rằng một hành động như thế sẽ gây ra những tranh cãi ngoại giao, không chỉ với các nước láng giềng ở Châu Á mà còn với cả đồng minh Mỹ. Trừ phi ông Abe thực sự mất trí, những việc làm theo chủ nghĩa xét lại này sẽ không thể xảy ra. Về mặt ngoại giao, có một thủ tướng mạnh mẽ sẽ là một lợi thế lớn. Dù yêu mến hay ghét bỏ ông Abe, những người đồng cấp nước ngoài đều biết rằng ông là người mà họ có thể hợp tác. So với những nhà lãnh đạo của Nhật Bản gần đây, ông Abe có thể sẽ ngồi ghế thủ tướng đủ lâu để thực hiện những cam kết, những thỏa thuận của mình. Đó mới là điều thực sự quý giá.

Viết Tuấn (gt)