Trung Quốc có thể xem việc này là một sự nâng cấp quan hệ quân sự đầy khiêu khích giữa Australia và Nhật Bản, trong bối cảnh Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng tại Biển Hoa Đông. Các tàu ngầm này sau khi mua sẽ được neo đậu tại cảng Darwin. Việc mua tàu ngầm từ nước ngoài là một đòn chí tử đối với ngành đóng tàu hàng hải của Australia, nhưng sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm được khoảng 50-80 tỷ USD. Quyết định mua tàu ngầm của Nhật Bản được nêu ra trong chuyến thăm chính thức Australia tháng 7 của Thủ tướng Abe, khi Australia và Nhật Bản ký một thỏa thuận về tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có việc chuyền giao thiết bị và kỹ thuật quân sự. Thủ tướng Abbott tuyên bố điều quan trọng nhất là Australia được trang bị tàu ngầm tốt với giá cả hợp lý; quyết định của Chính phủ dựa trên yêu cầu quốc phòng, không phải dựa trên chính sách công nghiệp.

Chính phủ Abbott tin rằng việc mua tàu ngầm của Nhật Bản mang lại các lợi ích chiến lược: Thứ nhất, tàu ngầm lớp Soryu hiện đại, nặng 4000 tấn của Nhật Bản đáng tin cậy hơn bất kỳ loại tàu ngầm nào được thiết kế trong nước. Thứ hai, việc mua tàu ngầm của Nhật Bản sẽ nâng cấp quan hệ quốc phòng Australia-Nhật Bản, nước mà Thủ tướng Abbott đánh giá là “người bạn tốt nhất ở Châu Á”. Điều quan trọng là Mỹ đã ngầm ủng hộ việc Australia mua tàu ngầm của Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mờ rộng và nâng cấp năng lực tàu ngầm của mình ở Thái Bình Dương. Các tàu ngầm xây dựng ở Nhật Bản chắc chắn sẽ phù hợp với các vũ khí và hệ thống chiến đấu của Mỹ, giúp Mỹ thâm nhập sâu hơn trong quan hệ quốc phòng Australia-Nhật Bản.

Mặc dù Nhật Bản dưới thời Abe trở nên quyết đoán hơn về vị thế quốc phòng của mình, nhưng chưa bao giờ xuất khẩu thiết bị quân sự lớn như vậy. Nội bộ của Nhật Bản vẫn đang tỏ ra lúng túng về việc này, trong khi quan chức Australia đã đề cập tới khả năng sử dụng một nước xuất khẩu tàu ngầm tiềm năng khác, đó là Đức. Chuyên gia quốc phòng của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược (ASPI) Australia Mark Thomson cảnh báo rằng việc Australia mua tàu ngầm của Nhật Bản sẽ làm cho việc bình thường hoá vị thế quốc phòng của Nhật Bản diễn ra nhanh hơn, sẽ báo động Trung Quốc và làm Trung Quốc nâng cao hơn cảnh giác đối với Mỹ và các đồng minh. Việc Australia quyết định mua tàu ngầm của Nhật Bản cũng có thể khiến cho Trung Quốc nhìn nhận về một liên minh đang dần được hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại để vươn ra đại dương. Theo ASPI, Trung Quốc có kế hoạch tăng từ 65 tàu ngầm hiện nay lên thành 78 chiếc vào năm 2020, trong đó có 3 tàu ngầm hiện đại chống hạt nhân. Nhật Bản có 17 tàu ngầm thông thường nhưng đang có kế hoạch xây thêm 22 tàu đến năm 2020 nhằm đáp trả lại tiềm lực quốc phòng lớn mạnh của Trung Quốc. Tháng trước, Nhật Bản tuyên bố tăng 3% cho ngân sách quốc phòng trong bối cảnh nước này tuyên bố lo ngại về tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở khu vực.

Theo The Australian

Duy Anh (gt)