Ma_Anh_Cuu.jpg

Trong vấn đề Biển Đông, Đài Loan có một vị trí đặc biệt. Là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan thừa hưởng tất cả những tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm “đường 11 đoạn” trên Biển Đông được đưa ra năm 1947. Trên thực tế, Đài Loan đang chiếm hòn đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là Ba Bình, nơi Đài Loan đang có các hoạt động xây dựng của riêng họ.

Chính phủ Đài Loan cũng có những động thái nhằm bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của riêng họ, ví dụ như tăng quy mô các cuộc tập trận quân sự trong khu vực và mở rộng hoạt động giám sát quân sự bao gồm cả khu vực Biển Đông. Trên thực tế, ngày ông Mã Anh Cửu công bố sáng kiến hòa bình của mình cũng là ngày một nhóm gồm 18 sinh viên và hai giáo viên Đài Loan vừa trở về sau chuyến đi tới đảo Itu Aba, vốn được tổ chức nhằm củng cố tuyên bố lãnh thổ của Đài Loan.

Tuy nhiên, Đài Loan cũng tìm cách phân định rõ những tuyên bố chủ quyền của họ và những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc Đại lục. Chỉ cách đây một năm, Hội đồng phụ trách các vấn đề Đại lục của Đài Loan tuyên bố rõ ràng rằng Đài Bắc sẽ không hợp tác với Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Đài Loan cần nỗ lực hơn nữa để tách biệt quan điểm của mình với quan điểm của Trung Quốc.

Sáng kiến Hòa bình Biển Đông của ông Mã Anh Cửu là nỗ lực mới nhất nhằm phân tách rạch ròi chiến lược của Đài Loan với chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Sáng kiến mới này tương tự như Sáng kiến Hòa bình biển Hoa Đông được công bố hồi tháng 8/2012, trong đó cũng kêu gọi gạt tranh chấp sang một bên (trong trường hợp này là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản) và cùng nhau khai thác tài nguyên. Sáng kiến Hòa bình biển Hoa Đông dẫn tới việc ký kết một thỏa thuận đánh bắt cá mang tính bước ngoặt giữa Đài Loan và Nhật Bản, theo đó tàu đánh cá của cả Đài Loan và Nhật Bản đều được phép hoạt động trong vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Sankaku/Điếu Ngư.

Sáng kiến Hòa bình biển Hoa Đông khẳng định vững chắc những tuyên bố chủ quyền của Đài Loan (“Quần đảo Điếu Ngư là một nhóm đảo thuộc chủ quyền của Đài Loan và vì vậy là lãnh thổ cố hữu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”), trong khi vẫn chìa ra “cành oliu” bằng cách công nhận “rằng tất cả các bên có liên quan đều có lập trường xung đột với nhau, đó là nguyên nhân dẫn tới các tranh chấp lâu nay và khiến căng thẳng dâng cao trong khu vực”.

Sáng kiến Hòa bình Biển Đông cũng có giọng điệu tương tự, giữ nguyên những tuyên bố chủ quyền của Đài Loan trong khi vẫn tìm cách giải quyết những tranh chấp chính trên Biển Đông. Ông Mã Anh Cửu nói: “Mặc dù chủ quyền là điều không thể chia sẻ, song các nguồn tài nguyên có thể cùng khai thác”. Ông thúc giục các bên chia sẻ nguồn tài nguyên và cùng khai thác trong các vùng biển tranh chấp. Tổng thống Đài Loan cũng đề nghị các nước có tuyên bố chủ quyền thiết lập các cơ chế hợp tác và điều phối mới nhằm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong các khu vực tranh chấp, ví dụ như “bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm trên biển, cứu trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tại”.

Kế hoạch hòa bình của Đài Loan cũng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Đáng chú ý, ông Mã Anh Cửu công bố Sáng kiến Hòa bình Biển Đông tại lễ khai mạc một hội nghị tập trung bàn về luật pháp quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Philippines, cùng với đồng minh của họ là Mỹ, đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành bồi đắp đảo quy mô lớn tại các thực thể có tranh chấp. Ông Mã Anh Cửu cũng kêu gọi tất cả các bên có liên quan tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại khu vực này, một vấn đề đã được Mỹ nhiều lần nhấn mạnh.

Bắc Kinh tỏ ra không mấy nhiệt tình với sáng kiến này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh phát biểu trong một buổi họp báo rằng “người dân Trung Quốc ở hai bờ Eo biển Đài Loan có nghĩa vụ cùng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích trên biển của quốc gia, và duy trì hòa bình cũng như sự ổn định tại Biển Đông”. Bắc Kinh nghi ngờ khả năng Đài Loan sẽ tỏ ra nhún nhường hơn, đặc biệt nếu quan điểm của Đài Loan giúp hòn đảo này tỏ ra là một bên tuyên bố chủ quyền có trách nhiệm, trong khi Trung Quốc Đại lục tiếp tục bị chỉ trích vì cách hành xử “hung hăng”.

Sáng kiến Hòa bình biển Hoa Đông năm 2012 hầu như không tạo ra tác động nào cho tới khi thỏa thuận đánh bắt cá giữa Nhật Bản và Đài Loan được ký kết năm 2013 đem lại một thành tựu ngoại giao cụ thể. Cũng giống như vậy, Sáng kiến Hòa bình Biển Đông sẽ cần mang lại một kết quả rõ ràng để chứng minh tính khả thi của nó. Trong bối cảnh ông Mã Anh Cửu dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong chưa đầy một năm nữa, và khả năng cao là Tổng thống mới của Đài Loan sẽ là người của đảng Dân chủ Tiến bộ đối lập, Sáng kiến Hòa bình Biển Đông gần như sẽ không có thời gian để phát huy hiệu quả.

Theo The Diplomat

Thùy Anh (gt)