weekahead.jpg

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đưa ra dự thảo ngân sách quốc phòng trị giá 11,34 tỷ USD cho năm nay, tăng 5,6% so với năm 2018. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh là 177,8 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2018.

Mỹ - đồng minh không chính thức của Đài Loan - liên tục kêu gọi hòn đảo này đẩy mạnh khả năng phòng thủ thông qua việc tăng cường chi tiêu cho quân đội trong bối cảnh Trung Quốc Đại lục ngày càng có những động thái hăm dọa quân sự đối với Đài Loan. Trao đổi với báo giới ngày 15/4, người phát ngôn của quân đội Đài Loan Chen Chung-chi cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan đã thông qua mức tăng ngân sách trong giai đoạn 10 năm nhằm phá vỡ mốc 400 tỷ tân đài tệ (13,1 tỷ USD) vào năm 2027 và tăng lên 421,8 tỷ tân đài tệ vào năm 2029 để đẩy mạnh năng lực quốc phòng của hòn đảo này và duy trì an ninh cho Đài Loan. Theo Chen Chung-chi, việc Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng chủ yếu là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Đại lục.

Bắc Kinh coi Đài Loan như một tỉnh “nổi loạn" cần phải “quay về với đất mẹ Trung Quốc”, và nếu cần thiết, có thể Trung Quốc phải dùng vũ lực để thực hiện điều đó. Trung Quốc đã gia tăng áp lực đối với hòn đảo này kể từ khi bà Thái Anh Văn - thuộc đảng Dân tiến (DPP) có lập trường ủng hộ Đài Loan độc lập - trở thành tổng thống Đài Loan vào năm 2016 và từ chối chấp thuận nguyên tắc "Một Trung Quốc". Bắc Kinh đã thuyết phục 5 nước đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và quay sang Trung Quốc, đồng thời gây áp lực với các công ty toàn cầu đang làm ăn với Đài Loan, buộc họ phải coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.

Ngoài các nỗ lực sử dụng quyền lực mềm, Bắc Kinh còn tiến hành một loạt cuộc tập trận gần Đài Loan để đe dọa hòn đảo này. Ngày 15/4, các máy bay chiến đấu và các tàu quân sự của Đài Loan đã bám theo một nhóm máy bay chiến đấu của Đại lục, trong đó có Suhoi-30 và Jian-11, xuất phát từ bờ biển miền Nam Trung Quốc và bay qua Đài Loan để tới tham gia các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hầu hết các máy bay chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đều trở lại Đại lục sau khi huấn luyện. Động thái trên diễn ra chỉ 2 tuần sau khi máy bay chiến đấu Jian-11 bay ngay qua “đường trung tuyến” chia cắt Eo biển Đài Loan, vốn chia tách hòn đảo tự trị này khỏi Trung Quốc Đại lục, và khiến quân đội Đài Loan đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc, đồng thời bà Thái Anh Văn ra lệnh trục xuất ngay lập tức bất kể máy bay chiến đấu nào của Đại lục nếu chúng bay ngang qua đường trung tuyến, ngầm hiểu là đường chia cắt trong tương lai.

Trong khi đó, James Moriarty - Chủ tịch Viện nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan, trên thực tế là đại sứ quán của Washington tại hòn đảo này - nhấn mạnh rằng Đài Loan phải tự nâng cao năng lực phòng vệ để đối phó với bất kỳ tính toán quân sự nào của Bắc Kinh. Theo ông, khả năng tự phòng vệ là chiến lược ngăn chặn tốt nhất của hòn đảo này. Ông Moriarty đưa ra phát biểu này trong một cuộc hội thảo tại Đài Loan nhân kỷ niệm 40 năm Đạo luật quan hệ Đài Loan ra đời. Đây là một đạo luật của Quốc hội Mỹ, trong đó cam kết Washington duy trì quan hệ thương mại với hòn đảo này, đồng thời cung cấp cho Đài Loan các vũ khí phòng thủ. Ông Moriarty cho rằng nếu Đài Loan và đại lục thống nhất, Mỹ sẽ cần phải chắc chắn rằng điều này xảy ra mà không có sự đe dọa dùng vũ lực. Cũng tại cuộc hội thảo, "ông trùm" người Đài Loan Terry Guo cho rằng Đài Loan không nên mua những vũ khí cũ và đắt tiền từ Mỹ. Thay vào đó, theo ông, chính quyền nên dành tiền để mua công nghệ của Mỹ nhằm đẩy mạnh năng lực quốc phòng của chính mình. Gần đây, Đài Loan đã đề nghị mua 66 máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ cùng với 108 xe tăng M1A2 trong nỗ lực nhằm thúc đẩy khả năng phòng thủ.

Theo “Scmp

Hương Trà (gt)