clinton.jpg

Nhiều nước phương Tây đang tận hưởng kỳ nghỉ hè, song giờ là lúc người ta cần đề cao cảnh giác trước mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Đó là thái độ bực tức “âm ỉ” của Nga khi nhiều vận động viên của nước này bị cấm tham dự Olympic 2016. Nga cũng đang rất không hài lòng với phương Tây bởi các lệnh trừng phạt mà các nước này áp đặt để trả đũa việc Nga can thiệp tình hình Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như sau khi Moskva tăng cường hậu thuẫn quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nguyên nhân chính làm tổn hại mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu.

Có nhiều lý do và dấu hiệu dẫn tới ý kiến cho rằng Nga đang chuẩn bị cho các diễn biến mới, tương tự những gì nhà lãnh đạo Vladimir Putin từng làm trước đây, khi phương Tây vẫn còn đang “thư giãn” với kỳ nghỉ hè của mình. Trong số này phải kể đến các cuộc tấn công đột ngột vào mùa Hè năm 2008 tại Georgia hay Ukraine năm 2014. Không chỉ dừng ở đó, nhà lãnh đạo Nga còn tìm cách buộc phương Tây nhượng bộ, chấp nhận đàm phán về một giải pháp mà cả hai bên cùng chấp nhận được cho cuộc chiến ở Syria. Phương Tây cũng đã không khỏi ngạc nhiên khi Nga phát động chiến dịch tấn công rầm rộ vào các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dàn xếp một thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt giao tranh tại Ukraine, hợp thức hóa chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga tại Ukraine, cản trở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thêm thành viên và tiến hành các hoạt động triển khai quân lực, hay trên tất cả là buộc phương Tây phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và nhiều lãnh đạo cấp cao.

Nhà văn vĩ đại nhất nước Nga Fyodor Dostoyevsky từng nói: “Phần lớn điều bất hạnh xuất hiện trên thế giới là bởi sự hoang mang và những điều không được nói ra”. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng, có lẽ giờ là lúc để suy tính một cách kỹ lưỡng và thực tế hơn về một cách tiếp cận chiến lược và thống nhất đối với nước Nga của Tổng thống Putin. Có 4 điểm Mỹ cần lưu ý khi xây dựng chiến lược mới nhằm đối phó với Nga.

Trước hết, Mỹ phải trấn an các đồng minh NATO và củng cố lập trường của liên minh về Nga. Điều này đồng nghĩa với việc cần có sự phối hợp liên tục với các đồng minh trong NATO và đảm bảo việc trấn an các lo ngại hoàn toàn có lý của các nước Đông Âu - cụ thể là Ba Lan và các nước vùng Baltic, cũng như các nước đồng minh dọc duyên hải Biển Đen. Mỹ có thể thực hiện điều này một cách hiệu quả nhất thông qua các cuộc tập trận và chiến dịch quân sự, trong đó có hoạt động luân chuyển bộ binh ở các căn cứ, điều động tàu chiến đến Biển Baltic và Biển Đen, đồng thời triển khai các hoạt động tuần tra phòng ngự trên không nhằm ngăn chặn máy bay Nga xâm phạm không phận của NATO.

Thứ hai, việc duy trì kiểm soát các lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn là điều thiết yếu. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc gây ảnh hưởng đối với Nga, và việc giữ Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là điều rất đáng chú ý. Mỹ cần phải dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho nhà lãnh đạo này trong bối cảnh bà đang phải “chỉ huy” một cuộc chiến nhằm duy trì sự đoàn kết của liên minh giai đoạn hậu Brexit.

Thứ ba, Mỹ nên tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế cương quyết lên án và trừng phạt Nga khi nước này vượt qua giới hạn luật pháp quốc tế. Mỹ có thể làm được điều này thông qua các diễn đàn thế giới, nhằm lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Nga, từ án phạt cấm thi đấu dành cho các vận động viên người Nga tại Olympic và nhiều giải đấu quốc tế khác, cho tới việc công khai các vụ tấn công mạng nhằm ăn cắp thông tin chính trị nhạy cảm của Mỹ, hay các hành vi bạo lực ở Ukraine. Mỹ nên cương quyết đối đầu với Nga để duy trì và đảm bảo sự thượng tôn của luật pháp và các chuẩn mực hành vi quốc tế.

Thứ tư và cũng là điều quan trọng nhất, trong giai đoạn mà cả hai bên đều đang bất mãn với nhau, Mỹ cần tiếp tục mở rộng các kênh thông tin và ngoại giao, vốn đang đứng trước nhiều nguy cơ. Chiến tranh Lạnh tái diễn thực sự sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, song đây là một hiểm họa ngày càng có khả năng xảy ra nhất là với những gì đang diễn ra hiện này. Có rất nhiều nội dung mà Mỹ có thể tìm cách hợp tác với Nga. Chẳng hạn, cả Nga và phương Tây đều muốn ổn định Afghanistan, và sự hợp tác giữa Mỹ và Nga trong vấn đề này trên thực tế cũng là rất đáng kể. Bên cạnh đó, Mỹ và Nga hiện vẫn duy trì nhiều cơ chế tích cực nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự, trong đó có “các đường dây nóng” giữa lãnh đạo quân sự cấp cao hai bên.

Những cuộc trao đổi qua các cơ chế này nên được diễn ra thường xuyên. Hơn thế nữa, trong quá khứ, hai nước đã từng chia sẻ thông tin tình báo ở một chừng mực hợp lý nhằm phối hợp chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy. Hiện Nga và Mỹ cũng đang hợp tác trong chiến dịch đối phó với cướp biển. Điều cần thiết là Washington và Moskva cần nỗ lực nhằm tiếp tục tìm kiếm những khía cạnh phù hợp cho hợp tác song phương. Khi Nga đi quá giới hạn, Mỹ cần phải cương quyết, và khi có thể, Mỹ nên tìm cách hợp tác với Nga. Nhà văn Tolstoi từng nói: “Hai chiến binh mạnh mẽ nhất chính là sự kiên nhẫn và thời gian”. Mỹ sẽ cần đến cả hai yếu tố này để đối phó với Nga – cùng với một kế hoạch phù hợp.

Tác giả James Stavridis là cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, và hiện là Hiệu trưởng Trường Fletcher (chuyên về luật và các vấn đề ngoại giao) thuộc Đại học Tufts. Bài viết đăng trên mạng “Time” (ngày 15/8).

Hùng Sơn (gt)