Trong suốt thập niên vừa qua, kể từ lúc kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ sự hiện diện quốc tế của họ, bao gồm ở Mỹ Latinh, Châu Phi, và Trung Á. Thế nhưng sức mạnh toàn cầu đang trỗi dậy của Trung Quốc -- kể cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm -- được cảm nhận trước tiên ở Đông Nam Á, một khu vực mà một số nhà chiến lược của Trung Quốc xem tương đương với Châu Mỹ Latinh trong học thuyết Monroe của Mỹ. Kết quả là khu vực này có khả năng sẽ là phép thử đầu tiên cho hay liệu Mỹ và Trung Quốc có thể điều khiển được sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không. Liệu hai cường quốc có thể hợp tác chặt chẽ hơn ở Đông Nam Á, cho phép các cuộc xung đột tiềm năng có thể xoa dịu thông qua giao tiếp, cho phép các quốc gia trong khu vực không phải ngả theo bên nào, và thúc giục Trung Quốc gánh lấy những gánh nặng của cộng đồng quốc tế? Nhận xét từ những căng thẳng tăng cao giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh -- cũng như giữa Bắc Kinh và những nước Đông Nam Á -- về khu vực biển Đông, câu trả lời cho câu hỏi đó cho đến nay dường như vẫn là không.


Những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau:


Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn ở biển Đông, trải dài trên những tuyến đường biển có tầm quan trọng về mặt thương mại và chiến lược và có những mỏ dầu và khí đốt quan trọng. Những tuyên bố chủ quyền này đã bị tranh cãi quyết liệt bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á, bao gồm Philíppin, Việt
Nam, Malaixia và Brunây. Một số quốc gia, kể cả Trung Quốc, đã cố gắng củng cố những tuyến bố chủ quyền của họ bằng cách tạo những sự đã rồi và xây dựng những công trình trên những hòn đảo ở vùng biển Đông. Mặc dù nhiều quốc gia dính líu đến tranh chấp ở biển Đông không phải là các nền dân chủ, kể cả Trung Quốc, họ vẫn phải tính đến dư luận quần chúng trong nước mà thường có xu hướng mang tính chủ nghĩa dân tộc rất cao về biển, đặc biệt là những người còn trẻ, thạo Internet, ở khu vực thành thị và thuộc tầng lớn trung lưu ở Trung Quốc - những người sử dụng trang mạng Internet và các diễn đàn để khuyếch đại chủ nghĩa dân tộc. 


Trong suốt thập niên vừa rồi, Trung Quốc đã ít công khai đả động đến những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông trong khi họ bắt tay thực hiện cuộc tấn công quyến rũ bằng sức mạnh mềm để xây dựng những mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, và kể cả an ninh gần gũi hơn đối với những quốc gia Đông Nam Á. Họ đã ký một quy tắc ứng xử đa phương về biển Đông vào năm 2002. Thế nhưng trong năm vừa qua, đặc biệt là vài tháng vừa rồi, cách tiếp cận nhẹ nhàng đó dường như đã bị bỏ qua phần lớn.


Hiện nay Trung Quốc tuyên bố rằng biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi”, một thuật ngữ mà nước này thường dùng trong quá khứ để đề cập đến Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương, mà thường có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không cho phép thảo luận hay đặt vấn đề đối với những chính sách của họ và có lẽ sẽ đẩy lùi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở ngoài khơi mạnh hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo những công ty dầu lửa của Hoa Kỳ không được tham gia những thỏa thuận thăm dò hỗn hợp ở biển Đông với Việt
Nam. Và cũng có tin là họ đã nói với các quốc gia Đông Nam Á không thảo luận những vấn đề liên quan đến biển Đông với nhau.


Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng Trung Quốc cũng đã gia tăng ngăn chặn các tàu dân sự của các nước khác hoạt động trong vùng biển Đông và bắt giữ các thuyền viên. Năm ngoái, một tàu thăm dò của Mỹ ở biển Đông cách các tàu Trung Quốc khoảng 25 dặm, một khoảng cách cực kì nguy hiểm bởi vì những góc hẹp như vậy có thể dẫn đến tai nạn; tàu Mỹ lúc đó cách một khu liên hợp tàu ngầm của Trung Quốc khoảng 75 dặm.


Lợi ích quốc gia của Mỹ.


Xét tới một số khía cạnh nào đó, quan điểm của Trung Quốc có lý. Nếu một cường quốc nước ngoài sắp triển khai sức mạnh hải quân một cách đáng kể ở Vịnh Mêhicô, Oasinhtơn có lẽ sẽ phản đối. Tuy nhiên, thực tế là sức mạnh Mỹ đã hiện diện ở Đông Nam Á trong sáu thập kỷ qua. Nhiều quốc gia trong khu vực muốn Mỹ giữ vai trò là trọng tài và tin tưởng Mỹ là một người môi giới trung thực trong các vấn đề liên quan đến biển Đông hơn là họ tin tưởng Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục có sự hiện diện quân sự đáng kể ở biển Đông trong tương lai gần. Tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng Oasinhtơn lo ngại về những tuyên bố chủ quyền khác nhau đối với vùng biển và nói rằng việc giải quyết các tuyên bố một cách hòa bình là "lợi ích quốc gia" của Mỹ.


Ngoại trưởng Hillary ủng hộ một tiến trình ngoại giao mang tính hợp tác và có tính quốc tế -- một lời khiển trách đến Bắc Kinh mà đã gọi những lời của bà là một "cuộc tấn công vào Trung Quốc" -- để giải quyết với những xác nhận chủ quyền. Những quan chức Mỹ cho phóng viên hay rằng ít nhất mười hai quốc gia châu Á đã vận động cho cơ chế tranh luận kiểu này. Quả thực là, đã có lúc những quốc gia Đông Nam Á đã tỏ ý bằng lòng đàm phán những tuyên bố chủ quyền ở biển Đông song phương với Trung Quốc trong quá khứ. Còn bây giờ những quốc gia này, kể cả Philíppin, mong muốn một quá trình đa phương. Và do các quốc gia ASEAN không có bất kỳ một thể chế khu vực mạnh mẽ nào mà có thể giải quyết hiệu quả những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau và duy trì sự ổn định trong khu vực, Mỹ phải đóng một vai trò trong tiến trình đa phương đó.


Một cách riêng tư, các quan chức của Philíppin, Malaixia và Việt Nam, cũng như các nước khác, tất cả đã hối thúc Mỹ tham gia mạnh hơn nữa đối với những tranh chấp ở biển Đông. Đặc biệt là Việt
Nam đã tìm kiếm một quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc. Mỹ và Việt Nam đã khởi động một cuộc đối thoại quốc phòng hàng năm giữa Lầu Năm góc và Bộ Quốc phòng Việt Nam, và Mỹ có thể sẽ bắt tay vào một thỏa thuận để chia sẻ năng lượng và kỹ thuật hạt nhân với Hà Nội. Thực tế là trong lúc chính quyền Obama lên nắm quyền có kế hoạch coi mối quan hệ được nâng cấp mạnh mẽ với Inđônêxia như là trung tâm của sáng kiến nước này đối với Đông Nam Á, thì hóa ra di sản lớn nhất của Mỹ trong khu vực có thể là mối quan hệ an ninh mới với Việt Nam mà cuối cùng có thể đạt mức độ như mối quan hệ của Mỹ với Xinhgapo - không phải là một đồng minh hiệp ước nhưng gần như là vậy.

 

Đông Nam Á e sợ Trung Quốc sẽ bành trướng. Một khi khu vực trở nên phụ thuộc với Trung Quốc về kinh tế, kết quả của một thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, và do đó phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có lẽ sẽ trở nên lo âu hơn về độc lập và chủ quyền của họ. Quả vậy, trong vòng năm năm vừa qua khu vực đã khởi động một cuộc tăng cường vũ trang đáng kể, với việc Việt Nam và Malaixia mua tàu ngầm mới. Thái Lan và Inđônêxia đang xem xét làm việc tương tự.


Một vùng biển quốc tế


Điều cần thiết là cần có một khoảng thời gian hòa dịu ngắn hạn trước những căng thẳng của mùa hè này và một chiến lược về lâu dài. về ngắn hạn, Mỹ, Trung Quốc, và những nước Đông Nam Á chủ chốt có thể lẳng lặng đồng ý kìm nén lại lời lẽ hùng biện về biển Đông, không đưa vấn đề biển Đông ra trước chương trình nghị sự của các cuộc họp khu vực trong tương lai gần và tận dụng ngoại giao kênh hai để tìm ra những giải pháp bền vững.


Một chiến lược dài hạn cho Oasinhtơn và những người bạn của họ ở Đông Nam Á là nên đoàn kết quanh một lập trường chung về vùng biển Đông rằng hãy duy trì nó như một vùng biển quốc tế mở, và không buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh. Cũng cần làm rõ là Oasinhtơn sẽ không rời bỏ khu vực ngay -- đúng là vì các quốc gia Đông Nam Á muốn sự hiện diện của Mỹ ở đó. Đứng về quan điểm của Mỹ mà xem xét, chiến lược này sẽ bao gồm thúc đẩy việc kết hợp giữa hải quân Mỹ và hải quân các nước bạn khu vực như Việt
Nam và Malaixia. Chiến lược này đặc biệt cũng bao gồm khả năng tăng cường bán vũ khí để nâng cấp hải quân của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ nên dùng những quan hệ quân sự với Trung Quốc để thảo luận về biển Đông, tìm kiếm với Trung Quốc khả năng một thủ tục quốc tế để phân xử những tuyên bố chủ quyền và xem xét các phương cách để tránh xung đột trực tiếp trong vùng biển.

 

Tuy nhiên, ngay cả Oasinhtơn thảo luận vấn đề biển Đông trong các cuộc gặp gỡ song phương với Trung Quốc, áp lực hiệu quả nhất lên Bắc Kinh sẽ đến từ các quốc gia Đông Nam Á. Họ có thể làm nổi bật một cách có hiệu quả rằng họ tiếp tục ủng hộ sự có mặt của Mỹ và rằng họ, chứ không phải Mỹ, đứng đằng sau ước muốn giải quyết những xác nhận chủ quyền ở biển Đông một cách đa phương. Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ trong thập niên vừa qua trong việc xây đắp những quan hệ thương mại với Đông Nam Á và cố thuyết phục những nhà lãnh đạo khu vực, và nhân dân của họ, rằng Trung Quốc không phải là đe dọa. Kết quả là, các quốc gia ASEAN hẳn là có lợi thế trong quan hệ với Trung Quốc.

 

Năm nay các quốc gia ASEAN đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Trung Quốc, đem lại những nước Đông Nam Á một tín hiệu cho thế giới thấy sức mạnh của Trung Quốc sẽ trở nên như thế nào. Nếu ASEAN, mà đã có những quan hệ kinh tế và văn hóa đáng kể với Trung Quốc, không thể giải quyết những vấn đề quyết định với Trung Quốc theo cách thức hợp lý và hợp tác, làm thế nào những quốc gia ở Châu Phi hay Châu Mỹ Latinh, mà họ có ít lợi thế hơn Bắc Kinh, có thể mong đợi làm theo?./.

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)