Theo kinh nghiệm của Indonesia trong ASEAN, một nước muốn một vai trò lãnh đạo giữa một cộng đồng các quốc gia có chủ quyền, cần đạt được điều này thông qua công sức và sự đóng góp liên tục của mình, thay vì sự áp đặt. Về quy mô địa lý, kinh tế và dân số, Indonesia đứng đầu Đông Nam Á, nhưng điều này không tự nhiên chuyển thành vai trò lãnh đạo. Đặc điểm địa chính trị, địa kinh tế khu vực đòi hỏi nghệ thuật lãnh đạo và ngoại giao khéo léo mới có thể chuyển tiềm năng thành vai trò lãnh đạo thực sự. Nhận thức rõ điều này, Indonesia đã luôn biết sử dụng “sức mạnh thông minh”, kết hợp giữa sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm” cũng như vai trò lãnh đạo về tư tưởng và chính sách cho khu vực.

Những năm qua, Indonesia đã theo đuổi một chính sách khôn khéo, tinh tế và cẩn trọng để thực thi vai trò lãnh đạo ASEAN, với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm lòng tin và sự tín nhiệm của các nước, từ đó trao cho Indonesia nhiệm vụ đi đầu thúc đẩy các lợi ích chung của khu vực. Những phát triển thời gian qua ở cả 3 cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu đã minh hoạ rõ nét cho vai trò lãnh đạo của Indonesia.

Ở cấp độ quốc gia, đó là nỗ lực thúc đẩy “dân chủ hoá” ASEAN thông qua quá trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC). Một trong những thay đổi căn bản là ASEAN, với tư cách là một “cộng đồng”, thậm chí một “gia đình”, đã không còn “làm ngơ” hoàn toàn những diễn biến trong nội bộ các nước thành viên. Không phải trùng hợp ngẫu nhiêu khi tiến trình cải cách ở Myanmar đã tăng tốc đáng kể trong năm 2011 khi Indonesia làm Chủ tịch ASEAN. Đó là kết quả của những chính sách tổng hợp, chính thức và không chính thức, khu vực và song phương nhằm cùng tạo một môi trường thuận lợi cho cải cách.

Ở cấp độ khu vực, Indonesia luôn là nước đi đầu đề cao vai trò “cầm lái” của ASEAN trong các tiến trình khu vực. Dưới vai trò lãnh đạo của Indonesia, ASEAN đã hiện thực hoá tầm nhìn về Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2005 bao gồm Ấn Độ, Úc, New Zealand thay vì chỉ bó hẹp trong ASEAN+3. Năm 2011, dưới sự chủ trì của Indonesia, EAS đã chính thức kết nạp thêm Nga và Mỹ. Indonesia cũng đã vận động thành công các nước tham gia EAS thông qua “Các Nguyên tắc Bali 2011”, trong đó quy định rõ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình và không sử dụng vũ lực. Trong vấn đề an ninh khu vực, Indonesia đã đóng vai trò chủ chốt góp phần chấm dứt đụng độ và giảm căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh khu vực đền Preah Vihear năm 2011 cũng như thông qua các chuyến ngoại giao con thoi để giúp đưa đến Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông năm 2012.

Với vai trò lãnh đạo của Indonesia, hợp tác ASEAN đã được nâng lên cấp độ mới - toàn cầu - thông qua Tuyên bố Bali III năm 2011. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu đặt mục tiêu phối hợp lập trường và nỗ lực chung của ASEAN trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu. Tương tự như Tuyên bố Bali II 2003, Tuyên bố Bali III 2011 nhằm đảo bảo sự kết nối và bổ trợ lẫn nhau giữa vai trò toàn cầu ngày càng tăng của Indonesia với những mục tiêu rộng lớn mà ASEAN đang hướng tới.

Indonesia đã đạt được vai trò lãnh đạo trong ASEAN nhờ vào những chính sách đúng đắn. Để tiếp tục định hướng và dẫn dắt ASEAN cần những chính sách ngoại giao thầm lặng, sự am hiểu và ưu tiên các kênh liên lạc không chính thức, ý thức đặt lợi ích chung lên trên những lợi ích cục bộ, cũng như khả năng nhìn xa trông rộng để chủ động định hướng, thay vì phản ứng lại, những phát triển trong tương lai.

Vai trò lãnh đạo ASEAN là một quá trình, không phải nhất thời. Nó hoàn toàn khác với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Nó là sự tưởng thưởng cho một quốc gia vì những công sức và quá trình đóng góp liên tục vào lợi ích chung của khu vực.

Theo “East Asia Forum" (ngày 22/6)

Vũ Hiền (gt)