Thứ nhất, hiểu một cách đơn giản thì bản chất của tranh chấp Biển Đông là về vấn đề quốc gia nào sở hữu cái gì ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các bên tuyên bố chủ quyền gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Đài Loan cũng được xem là một bên tuyên bố chủ quyền.

Từ khi giành độc lập, Indonesia chưa bao giờ nghĩ tới việc tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ phần nào trong hàng trăm cấu tạo địa hình trên Biển Đông. Ngay cả khi TTg Djuanda Kartawidjaja đưa ra tuyên bố về vùng nước quần đảo vào năm 1957, Indonesia cũng đã không quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Indonesia không có tham vọng lãnh thổ trong khu vực này.

Nếu các bên muốn giải quyết những tranh cãi về tuyên bố chủ quyền, họ phải áp dụng nguyên tắc chung của công và tư pháp quốc tế có từ phán quyết đối với đảo Las Palmas/Miangas năm 1928 chứ không thể dùng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) vì UNCLOS không được xây dựng để dàn xếp các tranh chấp về chủ quyền.

Thứ hai, nếu quyền sở hữu đối với hàng trăm cấu tạo địa hình của Biển Đông được quyết định, bước tiếp theo sẽ là phân định các vùng lãnh hải. Vì nguyên tắc của luật pháp quốc tế quy định “đất thống trị biển” nên bất kỳ chiều rộng của vùng lãnh hải nào trên Biển Đông phải được dựa vào hướng chiếu ra từ đất liền. Việc giải quyết phân định lãnh hải được thể hiện trong UNCLOS, đặc biệt là các Điều 15 (phân định lãnh hải), 74 (phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế [EEZ]), 83 (ranh giới thềm lục địa) và 121 (quy chế của đảo).

Quy chế của đảo là một khía cạnh quan trọng của luật biển để quyết định quyền có vùng biển của một đảo cụ thể. Phái đoàn Trung Quốc tham dự phiên họp lần thứ 19 của các bên tham gia UNCLOS cho rằng theo Điều 121 của UNCLOS, “đá” mà không thể duy trì cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế sẽ không có EEZ hoặc thềm lục địa.

Khi mà hầu hết các cấu tạo địa hình trong tranh chấp Biển Đông thuộc phạm vi của điều này, các bên tuyên bố chủ quyền chỉ có thể đòi hỏi các “vành đai lãnh hải” trong phạm vi 12 hải lý. Những vành đai này dường như còn cách xa mới có thể chồng lấn lên EEZ của Indonesia trên Biển Đông.

Thứ ba, tất cả các bên tuyên bố chủ quyền đều đưa ra những tuyên bố rất rõ ràng, nhưng không bên nào nói chi tiết về cơ sở của những tuyên bố đó. Có lẽ luận điểm của các bên thiếu cơ sở pháp lý nên nếu công khai chúng thì có thể sẽ gây hậu quả tai hại.

Thứ tư, một trong các bên tuyên bố chủ quyền đã đưa ra một bản đồ với những đường vẽ đứt đoạn được biết với tên gọi “đường chín đoạn” nhưng lại không nhất quán vì đường vẽ không phải lúc nào cũng có 9 đoạn mà đôi khi lại có 10 hay 11 đoạn.

Các đường đứt đoạn này không phải được chiếu ra từ bất kỳ cấu tạo địa hình nào ở Biển Đông. Phần bản đồ mà các đường 9/10/11 đoạn không có hệ thống tọa độ hay mốc đo lường lẫn hệ thống trắc địa. Chưa có ai từng giải thích một cách quả quyết rằng bản đồ đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với chỉ các cấu tạo địa hình hay các cấu tạo địa hình và vùng nước biển hay các cấu tạo địa hình, vùng nước biển và ranh giới lãnh hải.

Khi giải thích tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc dùng các thuật ngữ không được nhắc đến trong UNCLOS 1982, đó là “vùng nước liên quan” và “vùng nước lân cận”. Các nhà bình luận Trung Quốc cũng đề cập đến bản đồ thể hiện các quyền lịch sử hoặc các vùng nước lịch sử. Song UNCLOS chỉ nhắc đến các vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử đối với các vùng lãnh hải.

Thứ năm, vùng biển của Indonesia trong khu vực được chia làm hai bởi đường ranh giới bên ngoài của vành đai lãnh hải 12 hải lý. Đường ranh giới phía ngoài này được tạo ra từ đường cơ sở quần đảo đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc và phù hợp với các nguyên tắc quần đảo trong UNCLOS 1982.

Vùng biển phía trong đường ranh giới này là lãnh hải của Indonesia và vùng nước quần đảo có tên gọi là Natuna. Vùng biển bên ngoài đường ranh giới này đến hết giới hạn EEZ của Indonesia là một phần của Biển Đông. Tháng 10/1969, Indonesia và Malaysia đã trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hiệp ước của hai nước này về phân định thềm lục địa ở Biển Đông. Không một quốc gia đơn lẻ nào từng phủ nhận tính hợp pháp của hiệp ước này, vốn đã tồn tại 45 năm và chia Biển Đông thành những phần nhất định nhưng không đáng kể.

Thứ sáu, Indonesia tuyên bố là quốc gia có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông bởi sự tồn tại của bản đồ đường đứt khúc 9/11/10 đoạn là vô lý.

Do vấn đề pháp lý, thực tiễn và logic, nếu chỉ nhìn nhận một cách đơn giản sẽ rất khó nhận ra rằng Indonesia có những hành động phù hợp về mặt pháp lý và có sự chính xác cao. Indonesia đã nêu vấn tắt lập trường của nước này đối với bản đồ đường đứt đoạn trong công hàm ngoại giao gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào ngày 8/7/2010, nói rằng bản đồ thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và việc này đã không tuân theo UNCLOS 1982. Ngày 19/3/2014, NT Marty Natalegawa đã nhấn mạnh quan điểm phản đối của Indonesia đối với tính hợp pháp của bản đồ này.

Là một nước tuân thủ luật biển quốc tế, Indonesia luôn bác bỏ bất kỳ đường biên giới trên biển nào không đủ cơ sở pháp lý dựa theo UNCLOS 1982, trong đó có bản đồ đường 9/10/11 đoạn. Theo luật pháp quốc tế, những đường biên giới này không có giá trị.

Thứ bảy, các lập luận của một số nhà phân tích, như Tiến sĩ Murphy của Mỹ và Tiến sĩ Batongbacal của Philippines, về việc Indonesia đã mất vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông là một lập luận hết sức sai lầm. Indonesia không phải là một “trung gian hòa giải” vì tranh chấp chưa đi vào giai đoạn “hòa giải”.

Với cách làm việc của Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về triển khai DOC (vừa họp tháng 3/2014 tại Singapore), rõ ràng việc tranh chấp trên Biển Đông đang được thảo luận mà không qua trung gian,

Indonesia cũng chọn đi theo cách tiếp cận ngoại giao kênh hai với việc thúc đẩy Hội thảo về Quản lý các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông, không phải với ý định biến Indonesia thành một trung gian hoà giải mà đây là một biện pháp xây dựng lòng tin.

Sự tồn tại của một bản đồ không đầy đủ, không chính xác, không phù hợp và có vấn đề về mặt pháp lý sẽ không thể khiến Indonesia từ bỏ nỗ lực để xây dựng lòng tin cũng như không đột nhiên làm cho Indonesia mất tự tin đối với việc định giới chính xác cao, đủ cơ sở pháp lý và được Liên Hợp Quốc công nhận.

Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ và Chủ tịch Hội nghị lần 20 các bên tham gia UNCLOS giai đoạn 2010 – 2011. Bài viết được đăng trên The Jakarta Post.

Trần Quang (gt)