Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2011, người ta trông đợi Jakarta giúp giải quyết cuộc tranh chấp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông sau căng thẳng với Mỹ. Tranh chấp ở Biển Đông sẽ trở thành một “điểm nóng” lớn giữa Trung Quốc và ASEAN vì ASEAN đã hoan nghênh vai trò của Mỹ trong cuộc tranh giành chủ quyền giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN. Reuters đưa tin rằng cuộc họp cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2 ở Washington có thể ra một tuyên bố chung nêu bật lập trường xâm lược của Trung Quốc trong các vùng biển mà các nước ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippin và Việt Nam yêu sách chủ quyền.

 

 

Indonesia - nước thành viên duy nhất không tham gia tranh chấp- đã hoan nghênh Mỹ đóng một vai trò trong việc giải quyết cuộc tranh chấp này trong chuyến thăm Jakarta của BTQP Robert Gates. Sự can dự này của Mỹ sẽ đẩy mạnh các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng đang nổi lên giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề tiền tệ, nhân quyền và bán vũ khí cho Đài Loan. Nhà ngoại giao Sumadi nói rằng Indonesia cần hành động thay mặt ASEAN để đảm bảo rằng các cuộc xung đột này có thể giải quyết một cách hữu nghị. Ông loại bỏ khả năng Indonesia hoặc các nước thành viên ASEAN có thể đưa ra bất kỳ lập trường mới nào làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc và vượt ra ngoài những gì đã được nhất trí theo Hiệp định năm 2002 về Hợp tác hòa bình ở biển Đông. Tin tức nói Việt Nam, nước đương kim Chủ tịch ASEAN, đã vận động các nước khác ủng hộ cho mục đích riêng của mình ở Biển Đông, nhưng các chuyên gia cũng nói rằng Indonesia cũng có lợi ích riêng của mình là làm thế nào để đảm bảo rằng các cuộc tranh chấp này sẽ không ảnh hưởng đến ổn định của khu vực.

 

Theo Thỏa thuận 2002, các nước ASEAN có thể gặp nhau thảo luận trước khi nói chuyện với Trung Quốc mặc dù Trung Quốc lại muốn đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp trong ASEAN. Giờ đây, các cuộc tranh chấp trở nên phức tạp hơn khi các nước thành viên ASEAN đang hướng tới cho phép Mỹ một vai trò trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp này, điều có thể đạt được dưới sự bảo trợ của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hoặc Hội nghị cấp cao Đông Á mở rộng (EAS). EAS là một tổ chức hùng mạnh với 16 thành viên đã gắn kết ASEAN với Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ, dự định sẽ hoan nghênh các thành viên mới gồm Mỹ và Nga vào năm 2011. Có tin nói rằng Mỹ đang hướng tới biến EAS thành một diễn đàn chiến lược để bàn về các vấn đề chính trị và an ninh - một động thái mà nó có thể làm phiền toái Trung Quốc, vì Trung Quốc muốn giữa EAS ở vị trí thứ yếu trong ngoại giao. Indonesia lần đầu tiên thông báo hoan nghênh Mỹ vào EAS hồi đầu năm 2010 sau một thời gian miễn cưỡng, vẫn chưa tiết lộ kế hoạch của mình về việc mở rộng EAS và làm thế nào để cả Trung Quốc và Mỹ có thể ngồi chung một bàn. Khi được hỏi Trung Quốc trông đợi Jakarta sẽ đóng vai trò gì trong cuộc xung đột, một chuyên gia Trung Quốc nói “chúng tôi phải xem trước tiên lợi ích của Mỹ ở Biển Đông là gì và tôi tin rằng vẫn chưa có ai nghĩ ra được bất kỳ sự lựa chọn nào”.

 

Văn Cường (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)