AEC nên được xem như một quá trình chuyển đổi kết nối của ASEAN thông qua việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông theo Quy hoạch tổng thể ICT ASEAN năm 2015 và khẩu hiệu "Chúng ta tiến nhanh hơn khi được kết nối". Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có một phương thức kết nối hiệu quả và hữu dụng, không chỉ kết nối cơ sở hạ tầng mà cần sự hỗ trợ chắc chắn về kết nối thể chế để nâng cao tính tương thích giữa các chuẩn mực, giá trị chung. Xung quanh vấn đề này,  Indonesia nên chủ động hơn nữa để theo đuổi tham vọng của cựu Tổng thống Megawati Soekarnoputri, người đã cùng với Ngoại trưởng Hassan Wirajuda đưa ra sáng kiến thành lập Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội hồi năm 2003. Ba trụ cột này phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, giúp phát triển một tập hợp các nguyên tắc chính trị xã hội trong cộng đồng với bản sắc chung. Việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông để đem đến khả năng tương thích tối đa các chỉ tiêu, giá trị và tầm nhìn giữa các nước là một trong những giải pháp duy nhất để thực hiện mục tiêu này.

Liên kết yếu nhất của Indonesia trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN là trụ cột kinh tế do thực trạng môi trường kinh doanh không hiệu quả bởi cơ sở hạ tầng thông tin kết nối yếu kém, mức độ nhận thức của công chúng về doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thấp. Chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ban hành Chỉ thị số 5/2008, Nghị định số 11/2011 hướng dẫn các bộ, ngành "thực hiện các cam kết khác nhau về AEC". Năm 2012, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Thư ký Quốc gia phụ trách các vấn đề ASEAN-Indonesia, cơ quan đầu mối về các vấn đề ASEAN, phối hợp thực hiện các quyết định của ASEAN ở cấp quốc gia, xúc tiến việc thành lập Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy những nỗ lực của Indonesia trong việc thu hẹp khoảng cách với các nước thành viên sáng lập ASEAN.

Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 1/1/2016, do đó chính quyền của tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chỉ có khoảng 14 tháng để đẩy mạnh năng lực quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh lành mạnh trong AEC. Vấn đề quan trọng hiện nay là cách tiếp cận với 55.000 SME, chiếm 95-98% tổng số dự án đầu tư của Indonesia, đa số không quen với việc kinh doanh thương mại quốc tế. Các chủ doanh nghiệp cần phải được đào tạo về những hệ quả khác nhau của dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao sau khi AEC được thành lập. Việc phát triển SME là rất quan trọng để đạt được phát triển kinh tế công bằng trong ASEAN. Chính phủ cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc thông qua kết nối Internet băng thông rộng, vệ tinh… khuyến khích các SME tin học hóa công ty để tăng tốc độ kinh doanh nhằm thu hẹp khoảng cách cạnh tranh giữa SME của Indonesia với các đối tác ASEAN.

Tác giả kết luận rằng Chính phủ mới cần bổ nhiệm nhân vật có khả năng và kinh nghiệm về ASEAN để thúc đẩy các nỗ lực của Indonesia nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN. Trách nhiệm này sẽ dồn lên vai Ngoại trưởng Indonesia, người sẽ hỗ trợ Tổng thống Widodo trong việc huy động cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia AEC. Với kinh nghiệm dày dạn về các vấn đề ASEAN, đương kim Ngoại trưởng Marty Natalegawa sẽ là người thích hợp nhất giúp ông Widodo đưa Indonesia tham gia thành công vào Cộng đồng ASEAN.

Bài viết của tác giả C.P.F. Luhulima, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị, Viện Khoa học Indonesia (LIPI) đăng trên Jakarta Post.

Duy Anh (gt)