10605140.JPG

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang ráo riết vận động các nước trong khối ASEAN ủng hộ quan điểm của nước này là không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Ngày 24/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: “Duy trì sự ổn định ở Biển Đông là trách nhiệm chung của các nước trong khu vực, bao gồm cả các nước ASEAN và Trung Quốc” để đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc rằng những tranh chấp ở Biển Đông hiện nay "không phải là một tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN".

Trong số các nước thành viên ASEAN, hiện có 4 quốc gia là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có yêu sách chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ khu vực Biển Đông (90% diện tích). Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ASEAN. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha hôm 24/4 đã lên tiếng rằng các bên liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông cần tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng đến việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để đảm bảo duy trì sự ổn định của khu vực, và đó là trách nhiệm chung của tất cả các nước có liên quan, “Indonesia vẫn cam kết rằng, việc duy trì ổn định ở Biển Đông là trách nhiệm của cả Trung Quốc và ASEAN.”

Vấn đề Biển Đông hiện đang là trở ngại lớn nhất đối với việc đảm bảo tính đoàn kết, thống nhất trong ASEAN bởi nhiều quốc gia thành viên hiện đang có quan hệ thương mại rất lớn với Trung Quốc. Hồi tháng 2/2016, ASEAN đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan sớm xây dựng COC. Việc Trung Quốc gần đây đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo, bố trí hệ thống phòng thủ tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đưa máy bay quân sự ra đảo nhân tạo… đã làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định ở khu vực, khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Mỹ đã kịch liệt lên án hành động này của Trung Quốc và đã điều một số tàu chiến, máy bay đến gần các đảo nhân tạo để tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải. Về phía Trung Quốc, nước này vẫn tìm mọi cách tách vấn đề Biển Đông khỏi các diễn đàn đa phương, song các quốc gia khác như Philippines đã nỗ lực để nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay làm chia rẽ các nước ASEAN. Với sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào Campuchia và Lào, các nước này đang ngả theo quan điểm của Trung Quốc. Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã bị lên án về việc lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của ASEAN đã không ra được tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2012, khi nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên. Phát ngôn viên Arrmanatha nói rằng do Lào và Campuchia không có các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, do đó dễ bị Trung Quốc dụ dỗ để ủng hộ quan điểm của họ. Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và ba quốc gia nói trên đồng ý rằng các quốc gia có quyền lựa chọn biện pháp riêng của mình để giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế và phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương áp đặt chương trình nghị sự cho các nước khác. Các tranh chấp biển cần phải được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán của các bên liên quan trực tiếp theo Điều 4 của DOC. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng Trung Quốc và các nước ASEAN có thể cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, trong khi các các nước bên ngoài khu vực nên đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.

Makmur Keliat, một chuyên gia về ASEAN thuộc trường Đại học của Indonesia nói rằng không nên để các tranh chấp ở Biển Đông có thể phát triển thành một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và ASEAN. Điều quan trọng là các bên liên quan cần phải tăng cường các cuộc đàm phán về chính trị và an ninh, tiến tới xây dựng COC để duy trì mối quan hệ với người khổng lồ Đông Á.

Bài viết của chuyên gia phân tích chính trị Anggi M. Lubis đăng trên báo “Bưu điện Jakarta” (ngày 25/4).

Hương Trà (gt)