Cùng thúc đẩy chiến lược "Một vành đài, Một con đường" là chủ đề của diễn đàn "Đối thoại Nhân dân Cấp cao Trung Quốc-Đông Nam Á" lần thứ 2 vừa được tổ chức ở Bali (Indonesia). Trung Quốc đang mời chào các nước trong khu vực bằng cụm từ "vành đai và con đường" để thúc đẩy sáng kiến đầy tham vọng. Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến này kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố trong chuyến thăm Trung Á và Đông Nam Á hồi cuối năm 2013. 

Tại diễn đàn ở Bali vừa qua, Trung Quốc tìm cách thuyết phục Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ kế hoạch trên bởi khu vực này là trung tâm của sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển" với các tuyến đường chính dự kiến thông qua Biển Đông và Ấn Độ Dương đang có sự chồng lấn về chủ quyền giữa nhiều quốc gia. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn đã nhấn mạnh sự cần thiết phải "đẩy mạnh hợp tác nhân dân" giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế khu vực. "Các nhóm xã hội dân sự, học giả, các cơ quan truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp ở Trung Quốc và các nước ASEAN phải tăng cường hợp tác... để nắm lấy cơ hội của thế kỷ 21 được cung cấp bởi con đường tơ lụa trên biển". 

Phó Thủ tướng Campuchia Sok An, người cũng đã có bài phát biểu chính tại diễn đàn Bali, đã lên tiếng ủng hộ hoàn toàn sáng kiến của Trung Quốc khi đánh giá nó phù hợp với tinh thần của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ông Sok An nói: "Tôi mạnh mẽ khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các nước dọc theo "vành đai và con đường"... để kết nối nhân dân, thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng chung giữa các quốc gia. Vành đai và con đường sẽ vì lợi ích của tất cả các bên". Phó Tổng thư ký ASEAN Mochtan cho biết, sáng kiến mới của Trung Quốc cần được nhìn thấy theo một ý nghĩa tích cực, như một sự bổ sung và làm phong phú thêm khu vực. 

Nhà cựu ngoại giao kỳ cựu của Indonesia đồng thời là chuyên gia luật hàng hải Hasyim Djalal cho biết, quốc đảo chắc chắn được hưởng lợi từ sáng kiến con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, nhất là với tầm nhìn đầy tham vọng của Tổng thống Joko Widodo muốn biến Indonesia trở thành "trục hàng hàng hải toàn cầu". Kể từ khi đảm nhiệm cương vị mới vào tháng Mười năm ngoái, ông Joko Widodo đã có 3 lần gặp ông Tập Cận Bình, khẳng định rằng kế hoạch "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc phù hợp với nhu cầu của quốc đảo để tăng cường sự kết nối giữa các khu vực đầy tiềm năng.

Mặc dù vậy, ông Hasyim cũng cảnh báo Indonesia cần phải thận trọng trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng "Con đường tơ lụa" cho các mục đích quân sự. Ông nói: "Chúng ta phải thận trọng về khía cạnh quân sự. Chừng nào kế hoạch này mang ý nghĩa về kinh tế và thương mại, nó sẽ mang lại hữu ích và chúng ta chắc chắn có thể được hưởng lợi từ nó". 

Trong khi đó, chuyên gia phân tích đối ngoại và an ninh Bantarto Bandoro (thuộc Đại học Quốc phòng Indonesia) cảnh báo về "Chương trình nghị sự ẩn" đằng sau kế hoạch "vành đai và con đường" của Trung Quốc. Indonesia và ASEAN được xem như một phần trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Bantarto khẳng định: "Đây là một phần trong cuộc đua của Trung Quốc với Mỹ để giành ảnh hưởng trong khu vực. Indonesia nên cảnh giác về điều này". Ông cũng bày tỏ sự hoài nghi liệu Trung Quốc có đủ khả năng để cụ thể hóa sáng kiến này hay không khi mức độ căng thẳng hiện nay giữa nước này với một số nước ASEAN, đặc biệt là Philippines, liên quan đến các tranh chấp biên giới ở Biển Đông. Indonesia không nên cho phép mình bị Trung Quốc lợi dụng để thuyết phục các thành viên ASEAN khác cùng hợp tác. 

Theo The Jakarta Globe

Văn Cường (gt)