Hai huyện đảo Natuna và Anambas thuộc Tỉnh Riau, cách thủ đô Jakarta 1.300 km, là khu vực tiền đồn của Indonesia về phía bắc, liền kề với ranh giới biển của các nước láng giềng Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, tiếp giáp với khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nhưng không được Chính phủ Trung ương đầu tư phát triển đúng mức để đủ sức đảm đương nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Việc Natuna và Anambas bị Thủ đô bỏ rơi thể hiện rõ nét qua tỷ lệ đói nghèo tại vùng đảo này hiện rất cao (5% dân cư địa phương sống dưới mức nghèo khổ); cơ sở hạ tầng thiếu thốn đủ bề không có được hạ tầng kỹ thuật tối thiểu tương xứng với vị trí chiến lược của mình. Ví dụ, từ Tanjung Pinang - Thủ phủ của tỉnh đảo Riau, nếu muốn đến Natuna và Anambas phải mất gần 2 giờ bay hoặc phải đi tàu phà suốt đêm với điều kiện biển êm sóng lặng. Còn việc di chuyển trên đảo và việc qua lại giữa các đảo nói trên chỉ trông cậy vào lực lượng xe ôm và các đò máy tư nhân cũ kỹ tại chỗ. Chủ tịch Hội đồng địa phương Natuna, ông Rodhial Huda bức xúc: “Cổng ra vào có chắc, thì nhà mới yên. Nói cách khác, nếu Indonesia muốn an toàn, thì phải phát triển và tạo sức mạnh cho Natuna”.

Theo đòi hỏi của Trung Quốc, hầu như toàn bộ Biển Đông đều thuộc chủ quyền của nước này, kéo dài từ bờ biển Trung Quốc đến tận khu vực Natuna của Indonesia. Bấy lâu nay, do không trực tiếp dính líu và tham gia tranh chấp, Indonesia muốn giữ vai trò trung lập đóng góp tích cực cho việc tìm giải pháp xử lý xung đột. Từ 1990, Indonesia đã chủ động tổ chức nhiều cuộc gặp mặt khu vực và quốc tế nhằm tìm cách quản lý xung đột qua việc khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan; nhưng đó đều là những hội thảo không chính thức và vô bổ. Các nhà phân tích cho rằng, Indonesia khó lòng giữ mãi thái độ trung lập khi mà Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm lấn chiếm, theo đà tỷ lệ thuận giữa kết quả hiện đại hóa quân đội của họ với việc đơn phương tuyên bố chủ quyền mặt biển của Trung Quốc kéo dài đến tận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Natuna của Indonesia. Đơn cử một trường hợp làm ví dụ chứng minh: trong năm 2013, Cơ quan Quản lý Hàng hải & Đánh cá của Indonesia (DPRD) buộc phải ra lệnh thả một tàu đánh cá trộm của Trung Quốc xâm phạm vùng EEZ Natuna, sau khi chiến hạm Trung Quốc kéo đến, đe dọa nổ súng vào tàu tuần tra của DPRD để giải vây cho tàu cá Trung Quốc. Tiếc rằng, trong khi người địa phương đều biết chuyện đó, thì các quan chức ở Bộ Biển và Nghề cá trên thủ đô Jakarta lại lên tiếng phủ nhận việc va chạm nói trên, cho là địa phương thổi phồng sự kiện.

Khi Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn, ngày càng trở nên hiếu chiến hơn trong việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đương nhiên là Indonesia có liên quan, sẽ bị lôi kéo vào tình trạng quan hệ căng thẳng tại vùng biển giàu tài nguyên được cả khu vực thèm muốn. Dù chưa phải là một bên trực tiếp dính líu, nhưng sự leo thang xung đột tại vùng nước phía bắc buộc Jakarta phải quan tâm đến nó; chẳng những vì xung đột có thể lan ra tận vùng EEZ của Indonesia, mà vì nó còn phá vỡ hòa bình và ổn định của cả ASEAN lẫn của khu vực CÁ-TBD.

Hiện tranh chấp Biển Đông mới chỉ liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei Darussalam. Nhưng, Mỹ khiến tình hình thêm căng thẳng khi quyết liệt yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ khái niệm “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vạch trên bản đồ, biến Biển Đông thành bãi chiến trường, nơi hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đối đầu thử sức. Trong bối cảnh đó, câu hỏi là Indonesia đã làm những gì để đủ bảo vệ biên giới phía bắc của mình? Trong khi chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía các nhà chính trị, trong khi Chính phủ chưa bày tỏ lập trường dứt khoát trước giả thuyết xung đột bùng nổ và lan rộng, Bộ QP Indonesia và Bộ Tư lệnh Quân đội Indonesia đã chủ động lên kế hoạch đưa quân, chủ yếu là lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ, ra đồn trú trên một số đảo chiến lược, đồng thời thành lập bộ chỉ huy tiền phương hỗn hợp Hải-Lục-Không quân đóng tại chỗ (Kogabwilhan) để tăng cường bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải./.

Theo Jakarta Post

Thùy Anh (gt)