Mỹ đang tích cực triển khai chiến lược xoay trục sang châu Á. Nhật Bản tăng cường gây ảnh hưởng tại khu vực, trong khi Trung Quốc quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc trong khu vực đã gây ra những tác động lớn, cả tích cực lẫn tiêu cực đối với các nước Đông Nam Á, nhất là Indonesia - quốc gia lớn nhất khu vực. Indonesia cần thể hiện vai trò chủ động hơn để làm dịu căng thẳng, xây dựng các khuôn khổ hợp tác giúp giải quyết bất đồng trong khu vực.

Cuộc chơi quyền lực đang diễn ra quyết liệt ở châu Á, vậy mà Indonesia lại phớt lờ những tác động nguy hiểm của nó. Về bản chất, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn mà nước này cảm thấy cần phải khẳng định lợi ích của mình một cách thẳng thừng hơn trước. Điều này khuyến khích các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản tăng cường can dự tại châu Á, trong khi các quốc gia châu Á nhỏ hơn cũng điều chỉnh lại chiến lược của mình. Kết quả của cuộc chơi quyền lực này sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với Indonesia. 

Quốc gia nắm vai trò chủ đạo trong cuộc chơi địa chính trị này là Trung Quốc, với quy mô kinh tế đã tăng gấp bốn lần trong một thập kỷ qua, tạo ra những lực lượng địa chính trị mới. Trước tiên, sức mạnh kinh tế lớn khiến Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế hơn để bảo vệ, trong khi nhu cầu năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tăng mạnh làm cho Trung Quốc phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các tuyến đường biển chiến lược, không cho phép một đối thủ tiềm năng nào thống trị khu vực này. Ngoài ra, kinh tế phát triển cung cấp các nguồn lực dồi dào hơn để Trung Quốc xây dựng sức mạnh quân sự và chính trị. Ngoài vấn đề kinh tế, đã có sự thay đổi tâm lý quan trọng trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc trỗi dậy, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sức mạnh của các cường quốc như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang suy giảm. Phương Tây đã bộc lộ các điểm yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, trong khi Nhật Bản bị sa lầy do giảm phát trong hai thập kỷ, còn Ấn Độ - với tình trạng quản lý kinh tế, chính trị yếu kém - cũng không thể trở thành một thách thức thực sự đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới. 

Tác giả cho rằng thay đổi tâm lý của giới lãnh đạo đã đẩy chủ nghĩa dân tộc phát triển khắp Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cho rằng nước này đang trở lại vị trí hùng mạnh trong quá khứ trước khi bắt đầu suy giảm vào đầu thế kỷ 19. Do đó, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề quan trọng tại châu Á. Tại Đông Á và Đông Nam Á, Trung Quốc thể hiện thái độ quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ, gây tác động lớn đến một số nước ASEAN. Việt Nam đã nhận thức rằng một nước Trung Quốc mạnh hơn sẽ không do dự áp đặt chủ quyền lãnh thổ tại khu vực mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Philippines cũng đã có nhiều cuộc đối đầu với Trung Quốc tại các đảo, bãi đá trên Biển Đông. Thậm chí, Nhật Bản đã chứng kiến Trung Quốc mạnh bạo, công khai điều tàu vào vùng biển tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại vùng biển này. 

Tác giả cho rằng sự thay đổi của Trung Quốc có lý do. Thứ nhất, Trung Quốc có lợi ích an ninh ở Ấn Độ Dương. Thứ hai là bởi quyết định tái can dự của Mỹ tại châu Á, hay còn gọi chiến lược xoay trục về châu Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ khi nhậm chức đã quan tâm hơn đến châu Á và các nước ASEAN, với cam kết triển khai thêm lực lượng quân sự tại khu vực, theo đó đã triển khai hơn 2.000 thủy quân lục chiến thường trực ở căn cứ Darwin (Australia). Ngoài ra, Mỹ nỗ lực thu hút các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ vào vành đai an ninh chiến lược làm dấy lên những nghi ngờ của Trung Quốc rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế mình. Trong bối cảnh này, các cường quốc khác có liên quan ở châu Á cũng đang củng cố vai trò và vị thế ở khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được biết đến với quan điểm dân tộc mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm, đang có kế hoạch sửa đổi hiến pháp nhằm mở rộng vai trò cho lực lượng phòng vệ. Sách Trắng quốc phòng mới đây của Nhật Bản cũng đã thẳng thắn bình luận về các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Trước đó, Ấn Độ cũng tuyên bố tăng cường lực lượng quân sự bằng việc triển khai 40.000 quân dọc biên giới với Trung Quốc. Lo ngại về cuộc đối đầu gần đây với Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cũng đang tăng cường tiềm lực quốc phòng, bằng chứng là Việt Nam mua vũ khí tiên tiến của Nga, còn Philippines tập trung tăng cường năng lực hải quân.

Indonesia không thể giữ im lặng, lợi ích sống còn của nước này sẽ bị ảnh hưởng trong trò chơi quyền lực mới ở châu Á do Indonesia là quốc gia quần đảo lớn, giáp ranh với vùng biển tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng căng thẳng như Biển Đông. Ngoài ra, Indonesia nằm trên tuyến đường biển chiến lược đi qua eo biển Sunda và Lombok, đặc biệt quan trọng với Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, các nước ASEAN đang ngày càng bị buộc phải lựa chọn đứng về phía nào trong tranh chấp khiến sự thống nhất của ASEAN bị đe dọa, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Indonesia tại khu vực. 

Tác giả đưa ra khuyến nghị rằng đã đến lúc Indonesia thể hiện vai trò chủ động hơn để làm dịu căng thẳng, xây dựng các khuôn khổ hợp tác giúp giải quyết bất đồng trong khu vực. Sự can thiệp thành công mang tính xây dựng của Indonesia khi hòa giải những bất đồng của ASEAN sau sự cố Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM45) tại Campuchia năm 2012 đã giúp tăng cường vị thế, vai trò của Indonesia trên trường quốc tế. Indonesia cần dựa trên sự thành công này để trở thành một trọng tài trung lập và công bằng đối với các cuộc tranh chấp. 

Ngoài ra, Indonesia nên thúc đẩy một khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực phù hợp với lợi ích của tất cả các cường quốc, trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Indonesia có thể triển khai chính sách đối ngoại uy tín và áp dụng kinh nghiệm của mình để bắt đầu các cuộc thảo luận cho một khuôn khổ như vậy, nhằm góp phần đưa đến một châu Á hòa bình và ổn định hơn.

Jusman Syafii Djamal, Chủ tịch Quỹ Matsushita Gobel, cựu Bộ trưởng Giao thông Indonesia. Bài viết được đăng lần đầu trên The Jakarta Post.

Văn Cường (gt)