Ngày 29/9, Diễn đàn Bắc Kinh - Tokyo lần thứ 10 đã bế mạc và ra tuyên bố “Đồng thuận Tokyo 2014”. Ý kiến của các chuyên gia như Wu Jianmin, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Junko Kawaguchi, cựu Ngoại trưởng Nhật, Yang Bojiang, đồng chủ trì phiên thảo luận chính trị, Zhao Qizheng, cựu Bộ trưởng Văn phòng thông tin Quốc vụ viện, Toshiro Mutoh, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Nhật Bản, cho rằng:

- Một mặt, nhấn mạnh quan hệ song phương Trung - Nhật đang ở thời kỳ nguy hiểm nhất, với “bước thụt lùi nghiêm trọng” kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1972. Hiện có “khoảng cách” giữa hiểu biết của người dân Nhật về quá khứ chiến tranh của Nhật với cách hiểu của người dân các nước láng giềng. Quan hệ hai nước vẫn căng thẳng mặc dù đã có một số giao thiệp giữa hai Chính phủ liên quan tới vấn đề biển Hoa Đông và vấn đề lịch sử. Sự “thù địch” giữa hai bên đã khiến lượng học bổng dành cho sinh viên hai nước giảm.

- Mặt khác, nhấn mạnh dư luận cần “luôn giữ hy vọng” về khả năng sớm cải thiện quan hệ hai bên. Các vấn đề lịch sử và biên giới lãnh thổ sẽ tiếp tục là nhân tố chính quyết định sự phát triển của quan hệ song phương. Biện pháp quan trọng là tăng cường đối thoại chiến lược và giao lưu nhân dân.

(i) Về kênh Chính phủ, hai bên cần nối lại các cuộc đối thoại và gặp nhau “ở điểm giữa”. Diễn đàn nhấn mạnh Trung - Nhật cần hợp tác vì hai nước cùng đối mặt với các cơ hội và thách thức từ quá trình già hóa dân số, chính sách tiền tệ, tái cấu trúc kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Trung Quốc và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á, do đó cần hành động “có trách nhiệm về sự ổn định của kinh tế khu vực”.

(ii) Về kênh nhân dân, các buổi đối thoại và giao lưu sẽ có “sức mạnh” giúp hàn gắn quan hệ. Bản thân diễn đàn Bắc Kinh - Tokyo với 10 năm phát triển đã “nuôi dưỡng sự tin tưởng mạnh mẽ giữa các thành viên tham gia đối thoại”.

Tuy nhiên, trong khi ngoại giao nhân dân và giao lưu văn hóa được nhấn mạnh, thì xảy ra một số vụ việc kỳ thị đối với văn hóa Nhật Bản. Điển hình là việc gần đây các tờ báo lớn ở TP. Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đã chỉ trích mạnh mẽ việc tổ chức Triển lãm “Mèo máy Đô-rê-mon”, cho rằng thời gian tổ chức buổi triển lãm không phù hợp, chỉ 1 ngày sau lễ kỷ niệm 69 năm Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh thế giới lần 2. Các phương tiện truyền thông địa phương cho rằng buổi triển lãm có “sứ mệnh chính trị” quảng bá “giá trị quốc gia” của Nhật, và cố gắng đưa giới trẻ Trung Quốc vào “dưới trướng văn hóa hoạt hình” của Nhật. Chu Bình, Biên tập viên thuộc Trung Quốc Nhật Báo cho rằng:

Về các diễn biến vừa qua, sự việc này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trong dư luận, nhất là khi hình ảnh “mèo máy Đô-rê-mon” vốn đã trở thành một phần tuổi thơ của hầu hết giới trẻ ở Thành Đô. Truyền thông địa phương đã “đi quá xa” trong việc “chính trị hóa buổi triển lãm” và liên hệ hình ảnh “mèo máy” với nền chính trị đáng lo ngại của Nhật. Hầu hết trẻ em trên thế giới đều yêu quý bộ truyện tranh về mèo máy Đô-rê-mon, do qua các câu truyện đều thấm đẫm trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo khoa học, tình bạn, tình cảm gia đình, nhấn mạnh hòa bình, … Thực tế, đây là các giá trị được toàn nhân loại chia sẻ.

Đối với Trung Quốc, cần thấy rõ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia không thể “cô lập” và từ chối “giao lưu văn hóa”. Mặc dù văn hóa hoạt hình là một phần của “sức mạnh mềm” của Nhật, CP/Trung Quốc không nên cố chấp “chỉ trích” văn hóa này của Nhật, mà nên tham khảo kinh nghiệm để phát triển “chiến lược sức mạnh mềm” cho các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc, qua đó xây dựng và nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Đối với quan hệ Trung - Nhật, trong khi quan hệ chính trị lạnh nhạt thì tính cần thiết về duy trì giao lưu văn hóa ngày càng tăng để tránh cảm giác “hoàn toàn xa cách” giữa nhân dân hai nước. Khảo sát gần đây của Trung Quốc Nhật báo cho thấy chỉ 65% người Trung Quốc coi quan hệ song phương là quan trọng, và ở Nhật là 70,6%. Đặc biệt, có 86,8% người khảo sát tại Trung Quốc nhìn nhận tiêu cực về Nhật Bản, và 93% người khảo sát tại Nhật nhìn nhận tiêu cực về Trung Quốc.

Thực tế cho thấy mặc dù Chính phủ Abe phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm quan hệ song phương xấu đi, việc người dân Nhật ủng hộ TTg Abe không phải vì các động cơ chính trị hay ngoại giao mà vì chính sách Abenomics đang thúc đẩy kinh tế Nhật. Do đó, truyền thông Trung Quốc cần tập trung chỉ trích phe cánh hữu tại Nhật Bản. Người dân Trung Quốc cần phân biệt những người dân Nhật Bản bình thường với những thành phần có quan điểm cựu hữu, nhất là trong bối cảnh phe cánh hữu ở Nhật có thể lợi dụng tinh thần “bài Nhật” ở Trung Quốc để huy động sự ủng hộ của quần chúng.

Theo Trung Quốc Nhật báo

Trần Quang (gt)