Mỹ, Ôxtrâylia và Nhật Bản vừa phối hợp tập trận ở Biển Đông sau khi Philíppin kết thúc 11 ngày tập trận hải quân với Mỹ ở vùng biển gần Biển Đông. Việt Nam và Mỹ cũng có kế hoạch tập trận ở Biển Đông trong tháng này. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng - thuộc trường Đại học George Mason, tiểu bang Virginia (Mỹ) - cho biết mặc dù Trung Quốc chỉ trích các cuộc tập trận này, song Mỹ nói rõ rằng các hoạt động đó đã được chuẩn bị từ lâu và việc chúng diễn ra vào thời điểm này chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. 

Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trên thực tế, đây có thể coi là sự biểu dương lực lượng của Mỹ nhằm chứng minh tuyên bố lâu nay của Oasinhtơn rằng Mỹ không chấp nhận Biển Đông là vùng đặc quyền của nước nào, khu vực này phải được mở cửa để tự do lưu thông và Mỹ vẫn là cường quốc ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Chính Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây đã nói rõ rằng Mỹ kiên quyết duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, qua đó ông muốn gửi tới Bắc Kinh ba thông điệp: Thứ nhất, khẳng định Mỹ là cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương; thứ hai, Mỹ quan tâm đến tự do lưu thông ở Biển Đông; thứ ba, Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng này. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Mỹ có một ẩn ý chiến lược khi không nói rõ Mỹ có sẵn sàng can thiệp quân sự một khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông hay không mà để cho Trung Quốc tự đoán.

Trước các hoạt động quân sự của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phía Trung Quốc lo ngại sẽ bị Mỹ bao vây. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Russell Smith, cựu tùy viên quân sự của Ôxtrâylia tại Trung Quốc và hiện là Giám đốc phụ trách quốc phòng và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn thông tin IHS, đây không phải là mục tiêu của Mỹ. Ông nói: “Khi nhìn vào sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với việc nước này tăng ngân sách để xây dựng năng lực quân sự, Đô đốc Mullen muốn tìm hiểu xem họ thực sự muốn gì về mặt chiến lược. Về cơ bản, Trung Quốc đang cố gắng để bảo đảm rằng Mỹ không can dự quá nhiều hoặc tìm cách cô lập họ. Và Mỹ chắc chắn sẽ hoan nghênh Trung Quốc cùng hợp tác quân sự ngay khi có cơ hội”.

Trong một diễn biến liên quan, ông Tetsuo Kotani - chuyên gia nghiên cứu thuộc viện Okazaki - cho biết tháng 6/2011, cả Mỹ và Nhật Bản đã ra một tuyên bố nhất trí về mục tiêu chiến lược chung, trong đó có việc duy trì an ninh và tự do hàng hải, thắt chặt hợp tác với các nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Ấn Độ và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, hợp tác Nhật, Mỹ và các nước ASEAN là rất quan trọng. Theo ông Kotani, cuộc tập trận chung Mỹ, Nhật và Ôxtrâylia vừa qua nhằm gửi tới Trung Quốc một thông điệp là cả ba nước đều quan ngại với những căng thẳng ở Biển Đông. Với các nước khác - đặc biệt là Việt Nam, Philíppin và các nước đang đòi chủ quyền ở Biển Đông - ba nước tập trận muốn gửi thông điệp là "chúng tôi đang đứng về phía các bạn, chúng tôi cũng quan ngại về sự lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để ngăn chặn sự lấn át đó". Ông cho biết tập trận chung giữa ba nước sẽ còn tiếp tục và cả ba nước sẽ tiến hành tập trận chung với các nước khác trong ASEAN, tham gia xây dựng sức mạnh cho các nước ASEAN - thông qua việc cung cấp tàu, rađa, máy bay và đào tạo đội ngũ quân đội cho các nước ASEAN - để họ có thể phòng vệ .

Ông Kotani cũng cho rằng hiện giờ rất khó xác định chính xác khả năng hạt nhân của Trung Quốc vì nước này không cung cấp thông tin. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang muốn sử dụng tàu ngầm có tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân trên Biển Đông. Theo ông, đây mới chỉ là bước đầu và các nước không cần phải lo ngại về khả năng hạt nhân của Trung Quốc ở giai đoạn này. Tuy nhiên, trong những năm tới, tình hình có thể thay đổi, các nước nên quan sát tình hình Biển Đông một cách chặt chẽ, nhất là đối với chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. 

Theo đánh giá của ông Kotani, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không thể đến Los Angeles từ Biển Đông vì tên lửa của nước này vẫn ở tầm ngắn. Chính vì vậy, từ Biển Đông, tàu ngầm Trung Quốc phải ra biển Thái Bình Dương để nhắm vào Los Angeles. Để làm được điều này, tàu Trung Quốc phải vượt qua một số quần đảo. Nhật Bản đang gia tăng tuần tiễu tại các quần đảo phía tây nam quần đảo Okinawa. Tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải đi qua các quần đảo này của Nhật Bản, nên Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng ở đây vì khả năng phát hiện tàu ngầm của Nhật hiện được cho là đứng đầu thế giới, và Mỹ phải dựa rất nhiều vào khả năng này của Nhật Bản. 

Có thể nói liên minh Nhật-Mỹ đóng vai trò quan trọng ở khu vực này. Ngoài ra, Ôxtrâylia cũng đang đẩy mạnh khả năng chống tàu ngầm. Do đó, hợp tác giữa ba nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Ngoài ra, cũng có hy vọng là với Philíppin nằm trong số các quần đảo đầu tiên mà Trung Quốc phải đi qua khi tiến ra Thái Bình Dương, Nhật, Mỹ và Ôxtrâylia có thể hợp tác được với Philíppin để tăng khả năng chống tàu ngầm cho nước này, và khi đó các nước có thể hạn chế được khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực.

Lê Quang (tổng hợp)