Tác giả Lynn Kuok cho rằng, các bên tuyên bố chủ quyền cần phối hợp xác định các đòi hỏi về Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) từ các đảo lớn nhất ở Biển Đông dựa trên nền tảng "không định kiến" - một cách thức để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc chính trị và ngoại giao hiện nay. Đề xuất này được xây dựng dựa trên cơ sở một đề xuất trước đó của ông Robert Beckman và Clive Schofield, theo đó Trung Quốc cần xác định các yêu sách EEZ từ các đảo lớn nhất để các khu vực không có tranh chấp được xác định rõ ràng. Các khu vực không có tranh chấp là nơi mà các bên tranh chấp thuộc ASEAN có thể tiến hành các hoạt động mà không bị cản trở, cũng như các khu vực có yêu sách chồng lấn - nơi mà hoạt động khai thác chung có thể diễn ra, sẽ được xác định rõ ràng.

Xác định yêu sách EEZ từ những đảo lớn nhất là nhân tố bổ sung cho các kế hoạch nhằm quản lý xung đột bởi mọi yêu sách EEZ đều cần nhất trí về khu vực mà chúng được áp dụng quy chế. Quá trình cùng nhau xác định các yêu sách EEZ cũng có thể thúc đẩy lòng tin cần thiết cho những thỏa thuận hợp tác khác và khuyến khích các bên tranh chấp hạn chế các hoạt động khiêu khích đang làm gia tăng căng thẳng.

Việc thông qua đề xuất này sẽ cần sự thỏa hiệp và ý chí chính trị của tất cả các bên tranh chấp, khi mà chủ nghĩa dân tộc gia tăng đang làm phức tạp hóa vấn đề. Tuy nhiên, việc quay ngược bánh xe chủ nghĩa dân tộc, hay ít nhất là diễn giải lại về tinh thần dân tộc nên được thể hiện ra sao trong bối cảnh Biển Đông, là điều có thể làm được. Các bên tranh chấp trong ASEAN có lợi ích lớn khi chấp thuận đề nghị này vì họ đang ngày càng mất dần đòn bẩy đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các báo cáo gần đây về các hoạt động cải tạo đất với quy mô lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa. 

Một sáng kiến chung nhằm làm rõ các yêu sách EEZ sẽ bao gồm các bước sau: Một là, các bên yêu sách công khai tuyên bố rằng xác định các yêu sách EEZ từ các đảo lớn nhất và bất kỳ sự phân định sau này giữa các EEZ chồng lấn là một "sự dàn xếp tạm thời có tính chất thực tế" vì sẽ không có hiệu lực đối với quyết định cuối cùng về các tuyên bố chủ quyền hay sự phân định của đường biên giới trên biển. Hai là, các bên yêu sách chủ quyền cùng nhau chỉ định một nhóm các chuyên gia độc lập và thống nhất về các điều khoản tham chiếu. Ba là, các chuyên gia độc lập đi đến thỏa thuận về tiêu chuẩn chung đối với việc xác định một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế. Bốn là, các chuyên gia đồng ý về cách tiếp cận đối với một thực thể đất mà trên đó các công trình đã được xây dựng. Năm là, các chuyên gia độc lập xác định tình trạng của các thực thể đất, các đường cơ sở và quyền lợi biển được hưởng. Sáu là, các bên yêu sách đồng ý về sự phân định trong trường hợp các EEZ chồng lấn dựa trên đường trung tuyến.

Theo “Viện Brookings

Mỹ Anh (gt)