Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho binh sĩ Mianma y tế quân sự và đào tạo huấn luyện về các mặt cải cách quốc phòng. Hợp tác quân sự Mỹ-Mianma đã được manh nha từ sớm. Trước đây, Bộ Quốc phòng Thái Lan từng tiết lộ Mianma vào năm tới sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” với tư cách quan sát viên. Theo đó, các nhân viên quan sát của Mianma sẽ tham dự các hạng mục cứu trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai và y tế quân sự. Tập trận “Hổ mang Vàng” là cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á do Mỹ và Thái Lan tổ chức với sự tham gia của quân đội đến từ hơn 20 nước. Từ năm 1982 đến nay, cuộc tập trận này được tiến hành mỗi năm một lần. Trước đây, tập trận “Hổ mang Vàng” thường lấy Mianma làm mục tiêu giả tưởng, song nay Mianma lại được “mời” tham gia, rõ ràng sự thay đổi bước ngoặt này là nhờ sự tác động và thúc đẩy chủ yếu từ phía Mỹ. Oasinhtơn đang muốn coi đây là cơ hội để đẩy nhanh việc xây dựng mối quan hệ quân sự với Mianma. Theo giới quan sát, hành động này của Mỹ không chỉ là vì muốn tìm kiếm thêm nguồn mua sắm vũ khí của Mỹ, mà quan trọng hơn là Mỹ muốn nhằm vào Trung Quốc, quốc gia lâu nay vẫn được coi là đồng minh số một của Mianma và cũng là đối thủ chủ chốt của Mỹ tại khu vực châu Á. Nói cách khác, Mỹ đang hy vọng đẩy nhanh việc hợp tác quân sự với Mianma để có thể khiến Mianma nhanh chóng thoát khỏi vòng tay của Trung Quốc, từ đó có thể thuận lợi thúc đẩy chiến lược vao vây, cô lập Trung Quốc từ phía Nam. 

Thời gian dài trước đây, các nước phương Tây do Mỹ cầm đầu luôn thực hiện chính sách trừng phạt nặng nề đối với Mianma, đồng thời hầu như không có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào với Mianma. Do đó, đối tác ngoại giao chủ yếu của Mianma là Trung Quốc. Mianma và Campuchia đã trở thành đồng minh trung thành nhất và cũng là nước đại diện cho lợi ích của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Ngoài số lượng khổng lồ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mianma, Bắc Kinh còn xây dựng tuyến đường ống chiến lược vận chuyển dầu lửa và khí đốt chạy qua Mianma nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào tuyến đường vận chuyển qua Eo biển Malắcca do Mỹ kiểm soát. Đối với Trung Quốc, Mianma không chỉ mang ý nghĩa kinh tế quan trọng mà còn mang giá trị chính trị không thể đo đếm. Mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc với Mianma rõ ràng là điều Mỹ không hề muốn thấy. Do đó, Mỹ đã xác định việc ly gián mối quan hệ Trung Quốc-Mianma là mục tiêu quan trọng của mình sau khi “trở lại châu Á”. Theo đó, Mỹ trước hết có những biểu hiện tốt và thiện chí với Mianma, thể hiện mong muốn dỡ bỏ cấm vận đối với Mianma, tích cực ủng hộ cải cách dân chủ ở Mianma. Ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Obama đã chọn châu Á làm chuyến công du ngoại giao đầu tiên của mình, trong đó Mianma đã được chọn là điểm đến đầu tiên. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng có chuyến thăm Mianma, hết lời ca ngợi thành quả cải cách dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trước đây, khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Mianma, đã có một số phân tích dự báo rằng bước tiếp theo của Mỹ sẽ là thúc đẩy hợp tác quân sự với Mianma. Hiện nay, sự hợp tác quân sự Mỹ-Mianma quả nhiên đã cận kề với tốc độ thậm chí còn vượt quá sự dự đoán của nhiều người. Quan hệ hợp tác quân sự là hạt nhân của quan hệ ngoại giao song phương. Giữa hai nước nếu chỉ có sự trao đổi trong lĩnh vực kinh tế thì chưa thể xây dựng được mối quan hệ ngoại giao mật thiết, song nếu đã xây dựng được mối quan hệ quân sự tin tưởng lẫn nhau, quan hệ hai nước có thể sẽ biến thành mối quan hệ đồng minh. Theo báo “Thái Dương”, một quốc gia muốn lôi kéo một quốc gia khác thì việc kiểm soát quân đội là một khâu then chốt. Hành động hiện nay của Mỹ chính là đang làm như vậy đối với Mianma. Quân đội Mianma trước đây luôn có thái độ thù hằn Mỹ, nếu như Mỹ có thể khiến quân đội Mianma quay lại với mình, Mianma sẽ thoát ly hoàn toàn khỏi Trung Quốc. 

Theo báo “Thái Dương” (Hồng Công - ngày 23/12)

Lê Sơn (gt)