Hoàng Lan

Giới thiệu

Biển Đông được biết đến là một vùng biển có mật độ tàu qua lại rất cao do nơi đây tập trung nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nhiều loại hình tội phạm hoạt động trên Biển Đông như: cướp biển và cướp có vũ trang (sau đây gọi tắt là cướp biển), khủng bố, buôn lậu, đánh bắt cá trái phép, phá huỷ môi trường biển… Đáng chú ý, số lượng các loại tội phạm biển trong khu vực Đông Nam Á có dấu hiệu tăng mạnh từ năm 2010 trở lại đây. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, các loại hình và phạm vi hoạt động của các loại tội phạm trên biển cũng ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Đối mặt với thách thức an ninh này, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương và song phương như ReCAAP, HACGAM, POACTC,…; chủ động thiết lập các kênh thông tin liên lạc, các đường dây nóng, tham gia tuần tra chung, hợp tác nâng cao năng lực biển với các nước như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, và các nước bên ngoài khu vực… nhằm hướng đến việc phòng chống các loại tội phạm trên biển.

Nội dung bài viết dưới đây sẽ rà soát lại những cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện nay trong khu vực mà Việt Nam đang tham gia trong lĩnh vực phòng chống tội phạm trên biển như chống cướp biển, chống buôn lậu, khủng bố; đồng thời nêu ra những thách thức mà các nước trong khu vực phải đối mặt khi thúc đẩy quá trình hợp tác chống tội phạm trên biển trong khu vực.

Khái niệm tội phạm biển và thực trạng ở Việt Nam

Tùy vào thực trạng tình hình tội phạm ở mỗi khu vực biển mà các nước tập trung vào những loại hình tội phạm biển khác nhau, như i) cướp biển và cướp có vũ trang; ii) khủng bố; iii) buôn lậu (hàng hóa, buôn người, động thực vật quý hiếm, buôn vũ khí và chất cấm); iv) những hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển như đánh bắt cá trái phép, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên; và vi) những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế về các vấn đề như bảo vệ môi trường biển.

Thông qua cách phân loại này, có thể chia tội phạm biển thành hai loại. Một là, loại tội phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hàng hải và an ninh của tất cả các quốc gia ven biển như khủng bố, cướp biển, buôn lậu. Đây là loại tội phạm mọi quốc gia ven biển đều đồng ý cho rằng cần có sự chung tay hợp tác của các quốc gia, Đây đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu của bài viết này.

Loại tội phạm thứ hai còn đang gây tranh cãi là hành vi đánh bắt cá trái phép. Theo quy định của luật biển quốc tế, các quốc gia ven biển có “quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió” (Điều 56). Mặc dù vậy, hiện nay, trên Biển Đông lại đang tồn tại tranh chấp ở một số khu vực biển. Liên quan trực tiếp đến ta là tranh chấp Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; và tranh chấp Trường Sa giữa 5 nước 6 bên (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và một bên là Đài Loan). Điều này dẫn tới việc thực thi chủ quyền ở những khu vực chồng lấn chưa phân định giữa các bên còn gây tranh cãi. Do đó, hành vi khai thác tài nguyên thiên nhiên như đánh bắt cá của ngư dân các nước ven biển đôi khi sẽ được nhìn nhận dưới hai góc độ trái ngược nhau đó là hợp pháp hay trái phép. Do còn tồn tại cái gọi là “vùng xám” như vậy, bài viết sẽ không đi vào nghiên cứu hợp tác giữa các nước trong vấn đề này.

Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, cướp biển và buôn lậu là hai vấn đề tội phạm nổi cộm. Trong giai đoạn 2008-2017, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã xảy ra 1,124 vụ cướp biển (chiếm 83% tổng số vụ cướp biển xảy ra trong khu vực Châu Á), trong đó có tới 1,002 vụ thành công, chỉ có 122 vụ thất bại.[1] Số các vụ cướp biển chủ yếu xảy ra ở vùng biển Indonesia và ở Eo biển Malacca của Singapore. Vị trí các vụ cướp biển được chỉ ra cũng cho thấy, các vụ cướp biển chủ yếu tập trung ở ven bờ, thuộc quyền quản lý của các quốc gia ven biển. Riêng khu vực Biển Đông, tính từ năm 2008 đến năm 2017 đã xảy ra 193 vụ cướp biển, trong đó số vụ cướp biển xảy ra năm 2017 tăng gấp đôi so với năm 2016.[2]

Ở Việt Nam, mặc dù tình trạng tội phạm biển không thực sự đáng báo động như một số khu vực ở Đông Nam Á, tuy nhiên, tình trạng cướp biển, buôn lậu, trong vùng biển của Việt Nam vẫn đang tồn tại và có những diễn biến phức tạp. Cụ thể, ở Việt Nam đang tồn tại những vấn đề sau: một là tàu thuyền của Việt Nam bị cướp khi đi qua các khu vực biển của một số nước như Indonesia, Philippines, eo biển Malacca; hai là cướp biển trong quá trình chạy trốn đã lẩn vào vùng biển của Việt Nam; ba là một số vụ trộm cướp biển có vũ trang quy mô nhỏ ở một số vùng biển gần bờ của Việt Nam.

Một số vụ cướp biển tiêu biểu liên quan đến Việt Nam có thể kể đến vụ Zafirah (2012), vụ Sunrire 689 (2014), vụ Royal 16 (2016), vụ Giang Hải (2017),… Tháng 10/2014, tàu Sunrise 689 của Việt Nam sau khi ăn hàng tại cảng Horizon (Singapore) chở theo 5,226 tấn dầu cùng 18 thuyền viên trên hành trình trở về Quảng Trị để trả hàng đã bị cướp biển khống chế trong vòng 5 ngày, bơm hút 5,000 tấn dầu trên tàu.[3] Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sau đó đã phối hợp với Cảnh sát biển các nước Singapore, Indonesia, Malaysia và Phlippines tìm kiếm và hỗ trợ tàu của Việt Nam bị cướp. Tháng 11/2016, tàu Royal của Việt Nam chở 3,000 tấn xi măng từ Quảng Ninh (Việt Nam) đi Indonesia đã bị cướp biển của Philippines tấn công và bắt giữ 6/19 thuyền viên, ngay sau đó, lực lượng cảnh sát biển Philippines đã phối hợp xử lý vụ việc[4]. Tháng 2/2017, tàu Giang Hải của Việt Nam khi chở xi măng từ Indonesia đến Philippines đã bị cướp biển tấn công ở gần đảo Sulu của Philippines, trong đó 1 thuyền viên bị bắn chết.[5]

Bên cạnh các vụ cướp biển kể trên, ở Việt Nam tình trạng trộm cướp biển có vũ trang xảy ra ở một số khu vực biển gần bờ Quảng Ninh, Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu.[6] Hầu hết những trường hợp này là trộm cắp địa phương liên quan đến tài sản của tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam. Các vụ việc này khi xảy ra vẫn được thông báo cho Trung tâm thông tin của ReCAAP và được lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam xử lý.

Liên quan đến vấn đề buôn lậu trên biển, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Hải quan, phát hiện và bắt giữ, xử lý hàng trăm trường hợp liên quan đến buôn lậu dầu mỏ, than đá, thuốc phiện và một số hàng hoá khác. Về buôn bán thuốc phiện, trong 10 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 21 kg heroin và các sản phẩm ma tuý khác, dẫn đến truy tố 66 vụ án hình sự về buôn ma tuý. Về buôn bán dầu, từ năm 2012 đến năm 2015, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện gần 22 triệu tấn dầu buôn bán lậu vận chuyển trong vùng biển Việt Nam. Số lượng các vụ buôn bán dầu lậu có xu hướng gia tăng trong vùng biển Việt Nam, ví dụ như ngày 29/1/2016, Cục Hải quan Việt Nam đã bắt giữ một tàu chiến Christina bơm một lượng xăng khổng lồ là hơn 9 nghìn tấn (gấp 5 lần so với số lượng quy định trong giấy tờ). Ngày 21/4/2017, Việt Nam đã bắt giữ bốn tàu tiến hành buôn bán dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại thời điểm bắt giữ, có đến 3 tàu chở 1,2 triệu lít dầu không có giấy tờ pháp lý về nguồn gốc hàng hoá.[7]

Cơ sở pháp lý cho hợp tác phòng chống tội phạm biển của Việt Nam

Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế được coi là lời giải thích đầy đủ về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia theo Hiến chương Liên Hợp Quốc như sau: “Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau, bất kể sự khác biệt về hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và để thúc đẩy ổn định và tiến bộ kinh tế quốc tế, sự thịnh vượng chung của các quốc gia và hợp tác quốc tế mà không bị ảnh hưởng của sự mâu thuẫn xuất phát từ những khác biệt như vậy”.[8]

Quy định trên tuy chỉ đề cập chung chung đến nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia nhưng đã trở thành kim chỉ nam và được cụ thể hoá trong các ngành luật khác nhau, cụ thể nghĩa vụ hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển được đề cập đến trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, UNCLOS 1982 quy định nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia để trấn áp nạn cướp biển (Điều 100) và nghĩa vụ hợp tác chung giữa các quốc gia trong Vùng biển kín và nửa kín (Phần IX).

Cụ thể, Điều 100 của UNCLOS quy định “tất cả các quốc gia hợp tác với nhau, bằng mọi khả năng của mình, để trấn áp cướp biển trên biển cả hay ở bất kỳ nơi nào khác không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào”. Như vậy, điểm đáng chú ý là, định nghĩa cướp biển này lại chỉ áp dụng đối với loại tội phạm này ở những vùng biển quốc tế hay những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của bất cứ quốc gia nào. Do vậy, đã giới hạn việc áp dụng của nó đối với những hành động tương tự trong các vùng biển lãnh hải và các vùng biển gần bờ của các quốc gia.

Xuất phát từ thực tiễn có rất nhiều vụ cướp biển diễn ra tại các vùng biển thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã giữ nguyên định nghĩa về cướp biển của UNCLOS, đồng thời bổ sung thêm khái niệm “cướp có vũ trang đối với tàu thuyền” (armed robbery) và đã trở thành định nghĩa thích hợp phổ biến nhất cho mục tiêu của các hoạt động chống lại nạn cướp biển. Định nghĩa này hiện được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp nhận và đưa vào Hiệp định Hợp tác Khu vực về Chống nạn cướp biển RECAAP.

Phát triển dựa trên UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định tại Điều 6 “Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi”, trong đó bao gồm “hợp tác trong việc phòng, chống tội phạm trên biển”. Tất cả những quy định trên trở thành cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chống lại các loại tội phạm trên biển nhằm hướng tới một vùng biển hòa bình và ổn định.

Thực tiễn hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm biển của Việt Nam

Dựa trên cơ sở pháp lý về việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm biển được quy định trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Luật Biển Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm với các quốc gia ven biển.

Hợp tác song phương

Vấn đề phòng chống tội phạm trên biển liên quan trực tiếp đến vấn đề xuyên biên giới, điều này tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Thực tế cho thấy, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật của các cơ quan liên ngành của nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ.

Với Trung Quốc, hai nước đã thúc đẩy cơ chế tuần tra chung hiệu quả ở khu vực Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở ranh giới biển đã được phân định. Lực lượng Cảnh sát biển của hai nước thường xuyên tiến hành tuần tra chung, diễn tập, trao đổi và chia sẻ thông tin về các hoạt động tội phạm trên biển. Kể từ tháng 1/2016, hai bên đã bắt đầu cơ chế trao đổi thông tin hàng tháng về tuần tra, sự cố an toàn hàng hải và đánh bắt cá trái phép. Ngày 27/6/2016, hai bên Việt-Trung đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác về phòng chống tội phạm trên biển, tuần tra chung và tìm kiếm cứu nạn. Theo biên bản ghi nhớ được ký kế, hai bên đã chỉ định đầu mối quốc gia duy trì thông tin liên lạc 24/7.[9]

Với Philippines, từ ngày 23/8/2013, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập đường dây nóng duy trì thông tin liên lạc 24/7 giữa lực lượng Cảnh sát biển hai bên. Biên bản ghi nhớ đã phát huy tác dụng trong việc thường xuyên được sử dụng để phối hợp trực tiếp với các hoạt động giám sát hành vi đánh cá bất hợp pháp, cướp biển, buôn lậu hàng hoá trên biển, nhập cư trái phép,…

Với Indonesia, trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đến Indonesia vào tháng 8/2017, Cảnh sát biển Việt Nam và Cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia (BAKAMLA) đã ký một Nghị định thư nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên, qua đó thiết lập cơ chế hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước. Trên thực tế, lực lượng cảnh sát biển Indonesia và Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong một loạt các sự vụ liên quan đến tội phạm biển và kết hợp chặt chẽ trong việc hợp tác về lĩnh vực huấn luyện, nâng cao năng lực và trao đổi thông tin.[10]

Với Malaysia, mặc dù hai bên chưa thiết lập cơ chế hợp tác song phương liên quan đến hợp tác an ninh biển, song trên thực tế lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với các đối tác Malaysia trong nhiều trường hợp, điển hình là vụ Sunrise và Orkim Harmony. Trong trường hợp đầu tiên, Cảnh sát biển Việt Nam đã hỗ trợ thành công việc tìm kiếm tàu ​​chở dầu bị bắt cóc của Malaysia, đã bắt giữ những tên cướp biển và đưa chúng cho Malaysia để xét xử. Trong vụ Orkim Harmony vào tháng 6/2015, Cảnh sát biển Việt Nam cũng phối hợp với Cảnh sát biển Malaysia tìm kiếm và bắt giữ những tên cướp biển có vũ trang khi họ chạy trốn đến vùng biển của đảo Thổ Chu, Việt Nam. Tám tên cướp biển sau đó bị dẫn độ sang Malaysia để điều tra và xét xử.[11]

Hợp tác đa phương

Ngoài hợp tác song phương với các nước trong khu vực, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác đa phương.

Trong khuôn khổ ASEAN, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia và ủng hộ đề xuất thành lập Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN làm nền tảng cho sự hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển ASEAN và các cơ quan thực thi luật biển.[12] Ngoài ra, tại Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về Tội phạm Xuyên quốc gia (SOMTC) tổ chức tháng 5/2002 ở Kuala Lumpur, các quan chức cấp cao ASEAN tham dự Hội nghị đã nhất trí thông qua Chương trình Hành động Toàn diện để chống lại các tội phạm xuyên quốc gia (POACTC) nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN mở rộng các nỗ lực chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia từ cấp độ quốc gia và song phương đến khu vực.

Ở cấp độ châu Á, Việt Nam là thành viên của Hội nghị những nhà đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các nước Châu Á (HACGAM) bao gồm 20 thành viên bảo vệ bờ biển trong khu vực. Việt Nam cũng tổ chức thành công cuộc họp lần thứ 7 của HACGAM và thúc đẩy các cuộc thảo luận mở rộng về chủ đề “Tăng cường hợp tác thiết thực, trao đổi thông tin và bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải”.

Cảnh sát biển Việt Nam cũng là đầu mối của Trung tâm chia sẻ thông tin được thành lập theo Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền Châu Á (ReCAAP) vào năm 2006 với mục đích thu thập thông tin kịp thời và chính xác về tình trạng cướp biển và cướp có vũ trang trên biển. Là một đầu mối, Cảnh sát biển Việt Nam đã duy trì liên lạc 24/7 với Trung tâm chia sẻ thông tin của ReCAAP và các thành viên ReCAAP khác để kịp thời cảnh báo và ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố. Khi nhận được thông tin, Cảnh sát biển Việt Nam đều phối hợp với các cơ quan cảng, thông báo cho chủ tàu và các công ty quản lý về các hành vi tội phạm trong vùng biển của Việt Nam và yêu cầu các chủ tàu của các nước áp dụng các biện pháp phòng tránh phù hợp để đảm bảo không có vấn đề xảy ra khi các tàu hoạt động trong vùng biển Việt Nam và khi tàu Việt Nam hoạt động trong các vùng biển quốc tế, đặc biệt là trong vùng nước nguy hiểm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) được thành lập từ năm 1988 đến nay đã có sự tham gia của 20 thành viên và 4 quan sát viên. WPNS nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác và khả năng hoạt động cùng nhau cũng như xây dựng lòng tin giữa hải quân các nước thông qua việc đưa ra một khung hoạt động nhằm thúc đẩy thỏa luận về các vấn đề biển mà các quốc gia cùng quan tâm, trao đổi thông tin và tập huấn chung.

Cơ hội và thách thức

Cơ sở chung để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm biển trong cả khuôn khổ song phương và đa phương là nhận thức chung của các nước về các mối đe doạ của tội phạm xuyên quốc gia trên biển. Trong thời gian qua, thực trạng gia tăng của những vấn đề tội phạm biển như cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, buôn lậu, khủng bố, đánh bắt cá bất hợp pháp, huỷ hoại môi trường biển trong khu vực Biển Đông đã tạo ra một nhu cầu cấp bách cho việc hợp tác giữa các nước. Trong xu thế hiện nay, các quốc gia ven Biển Đông dần ý thức rằng, hợp tác là một trong những lựa chọn hiệu quả để duy trì trật tự và an ninh trên Biển Đông. Ngoài ra, sự điều chỉnh trọng tâm an ninh biển trong chính sách của các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và các nước khác cũng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật biển nói chung và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác và nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi luật biển ở Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp gay gắt ở Biển Đông, hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật chống tội phạm hiện đang gặp nhiều thách thức: (i) các lực lượng dân sự và lực lượng thực thi luật biển lại được một số nước sử dụng như những công cụ chính trị để khẳng định chủ quyền và đơn phương thực thi yêu sách của các nước; (ii) sự suy giảm lòng tin giữa các nước trong khu vực do một số nước theo đuổi và thực thi các yêu sách quá đáng không phù hợp với UNCLOS. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất lòng tin, bất mãn, xảy ra nhiều va chạm, đụng độ giữa lực lượng thực thi pháp luật ở trên Biển Đông, do đó tạo ra thách thức rất lớn trong việc nỗ lực thúc đẩy hợp tác để hạn chế các mối đe dọa từ tội phạm biển; (iii) hợp tác cũng khó đạt được sự đồng thuận do thiếu được ranh giới biển được phân định rõ ràng, qua đó xác định thẩm quyền và quyền tài phán cụ thể của các bên liên quan. \Như vậy, có thể thấy, hiện nay vấn đề tranh chấp và thiếu hụt lòng tin là các yếu tố hạn chế động lực và mong muốn hợp tác giữa các nước.  

Kết luận

Hợp tác giữa các quốc gia đang trở thành xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh  căng  thẳng leo thang xung quanh các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền giữa các bên liên quan. Thực tiễn quốc tế cho thấy, hợp tác trên các mặt kỹ thuật và khoa học sẽ tương đối dễ dàng đạt được thoả thuận hơn so với hợp tác về phát triển (dầu khí, nghề cá) trong các vùng được coi là tranh chấp. Xuất phát từ chủ trương “đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống tội phạm trên biển với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi”, Việt Nam đã tích cực, chủ động thiết lập các hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực nhằm chống lại các loại tội phạm biển. Thời gian tới,

Hoàng Lan, Nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết được phát triển từ Tham luận tại “Hội thảo Hợp tác Trung Quốc – ASEAN trên Biển Đông: Hướng đến một vùng biển phát triển, bền vững và ổn định” tại Thẩm Quyến, Trung Quốc thang 11/2018. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.



[1]ReCAAP ISC Annual Report 2017”, http://www.recaap.org/resources/ck/files/reports/2018/01/ReCAAP%20ISC%20Annual%20Report%202017.pdf, truy cập ngày 27/11/2018.

[2] Tlđd. 

[3] VTV, “Tàu Sunrise đã về đến vùng biển Việt Nam”, VTV, https://vtv.vn/trong-nuoc/tau-sunrise-689-da-ve-den-vung-bien-viet-nam-20141009191706595.htm, ngày truy cập 27/11/2018

[4]Giang Chinh, “Cướp biển Philippines tấn công tàu Royal 16 bằng súng AK,” Vnexpress,

 https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuop-bien-philippines-tan-cong-tau-royal-16-bang-sung-ak-3498307.html, ngày truy cập 27/11/2018

[5] Lê Tân, “Đại phó tàu Giang Hải bị cướp biển sát hại”, Thanh Niên, https://thanhnien.vn/thoi-su/dai-pho-tau-giang-hai-bi-cuop-bien-sat-hai-797386.html, ngày truy cập 27/11/2018

[6] Long An, “Biển Vũng Tàu thành ‘điểm đen’ trộm cắp quốc tế, Thanh Niên,

https://thanhnien.vn/thoi-su/bien-vung-tau-thanh-diem-den-trom-cap-quoc-te-752869.html, ngày truy cập 27/11/2018

[7]Nguyễn Văn Sơn, “Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển tinh nhuệ, hiện đại”, VOV, https://vov.vn/bien-dao/xay-dung-luc-luong-canh-sat-bien-tinh-nhue-hien-dai-805846.vov, ngày truy cập 27/11/2018

[8]Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc” ngày 24/10/1970, Thư viện Pháp luật, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Tuyen-bo-nguyen-tac-cua-Luat-Quoc-te-dieu-chinh-quan-he-huu-nghi-hop-tac-giua-cac-quoc-gia-phu-hop-voi-Hien-chuong-lien-hop-quoc-1970/65775/noi-dung.aspx

[9] Dương Ngọc, “Ký văn kiện hợp tác Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc”, Người Lao động, https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ky-van-kien-hop-tac-canh-sat-bien-viet-nam-trung-quoc-20160627114754697.htm, ngày truy cập 27/11/2018

[10] Bùi Trung Dũng, “Công tác đối ngoại quốc phòng với chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển”, Tạp chí Cảnh sát biển, http://canhsatbien.vn/portal/chi-dao-huong-dan/cong-tac-doi-ngoai-quoc-phong-voi-chuc-nang-nhiem-vu-canh-sat-bien, ngày truy cập 27/11/2018

[11] “Phán quyết về nhóm cướp biển bị bắt tại Việt Nam, An ninh Thủ đô,, https://anninhthudo.vn/phap-luat/phan-quyet-ve-nhom-cuop-bien-bi-bat-tai-viet-nam/701231.antd, ngày truy cập 27/11/2018

[12] “PCG hosts First Expert’s Group Meeting on ASEAN Coast Guard Forum”, Coast Guard of the Philippines, http://www.coastguard.gov.ph/index.php/11-news/923-pcg-hosts-first-expert-s-group-meeting-on-asean-coast-guard-forum, ngày truy cập 27/11/2018