05/03/2020
Sự ủng hộ, tình cảm tốt đẹp và quyết tâm mạnh mẽ của Nga chống dịch Covid-19 đã phản ánh sự hợp tác nhân đạo ngày càng sâu rộng giữa Nga và Trung Quốc, thể hiện tình hữu nghị và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược để cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc. Những hạn chế đối với hoạt động giao thông đi lại, thương mại xuyên biên giới, các dòng khách du lịch và các chuyến đi lại của giới kinh doanh đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, chỉ số chứng khoán toàn cầu và giá các loại nguyên nhiên liệu. Cả thế giới đều đang quan tâm đến cách Trung Quốc chiến đấu với sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Trong bối cảnh này, Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) đã có các cuộc trao đổi với các đối tác, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc về tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như đối với sự phát triển của quan hệ Nga-Trung. Ý kiến của các chuyên gia, học giả Trung Quốc đã được Trang tin của RIAC tổng hợp trong bài viết “Kiểm tra độ bền vững và khuyến khích sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung”, ngày 14/2/2020.
Đánh giá về mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong bối cảnh dịch Covid-19, Li Yonghui, Phó trưởng phòng chính sách đối ngoại Nga thuộc Trung tâm nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết Nga đã công khai tuyên bố về ý định hợp tác với Trung Quốc để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Sự ủng hộ, tình cảm tốt đẹp và quyết tâm mạnh mẽ của Nga chống dịch Covid-19 đã phản ánh sự hợp tác nhân đạo ngày càng sâu rộng giữa Nga và Trung Quốc, thể hiện tình hữu nghị và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược để cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt.
Thứ nhất, Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Tháng 6/2019, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, bước vào kỷ nguyên mới, với những nội dung hợp tác rất phong phú. Văn kiện này tạo điều kiện cho sự hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực y tế và tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó với các tình huống thiên tai và nhân đạo khẩn cấp, ngăn ngừa dịch bệnh và loại bỏ hậu quả của chúng. Hai nước cần mở rộng hơn nữa hợp tác trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm; cần tăng mức độ hợp tác khoa học giữa các tổ chức của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực nghiên cứu, giám sát các loại virus nguy hiểm và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như trong lĩnh vực đánh giá mức độ ảnh hưởng của các loại virus này đối với sức khỏe con người.
Ngày 5/2/2020, Bộ Y tế Nga đã cử 5 nhà dịch tễ học đến thành phố Vũ Hán để phát triển vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 cùng với các chuyên gia Trung Quốc. Sau một tuần làm việc tích cực, ngày 10/2, một hệ thống chẩn đoán được phát triển bởi các chuyên gia Nga đã được thử nghiệm lần đầu tiên tại Trung Quốc. Hiệu quả của hệ thống mới này đã được các nhà khoa học Nga và Trung Quốc cùng xác nhận. Hệ thống chẩn đoán của Nga có thể bảo quản mẫu bệnh phẩm một cách thuận tiện, bởi nó cho phép lưu giữ mẫu bệnh phẩm ở nhiệt độ + 4°C, trong khi các hệ thống tương tự của các nước khác chỉ lưu giữ được mẫu bệnh phẩm ở nhiệt độ -20°C. Cách thức phân tích của hệ thống khá đơn giản: Chỉ cần sử dụng một miếng gạc để lấy mẫu bệnh phẩm từ họng của người bệnh và sau 4 giờ sẽ cho kết quả. Các chuyên gia Nga cho biết bộ dụng cụ chẩn đoán nói trên được xây dựng dựa trên các phương pháp nghiên cứu di truyền phân tử và cho phép xác định các chủng và mầm bệnh mới của hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng. Các nhà khoa học hai nước đang cùng nhau phát triển vắc-xin chống virus SARS-CoV-2, điều này làm tăng niềm tin của Trung Quốc vào chiến thắng trước dịch bệnh.
Thứ hai, giới truyền thông Nga đã tạo ra bầu không khí tích cực cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt để chống lại dịch bệnh và thể hiện sự ủng hộ của công chúng, xã hội đối với quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Ngày 10/2/2020, tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga đã đăng bài xã luận "Chúng ta không bỏ rơi Bắc Kinh trong lúc hoạn nạn" cùng một poster cảm động "Trung Quốc, tiến lên! Chúng tôi ở bên các bạn". Những điều này cho thấy mong muốn của chính phủ và nhân dân Nga ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và khẳng định mức độ cao của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong thời điểm khó khăn. Theo nội dung bài xã luận, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Nga đã nhiều lần tích cực hỗ trợ Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự chia buồn và đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như các biện pháp phòng ngừa và chống lại dịch bệnh ở Trung Quốc.
Nga không chỉ cử một đoàn chuyên gia dịch tễ học đến Trung Quốc để chống lại sự lây lan của virus, mà còn cung cấp hỗ trợ y tế và vật chất. Ngày 9/2, Nga đã điều một máy bay chở đến Vũ Hán 23 tấn thuốc, thiết bị bảo hộ cá nhân, trong đó có 2 triệu chiếc khẩu trang. Máy bay của lực lượng Không gian vũ trụ Nga đã đến Trung Quốc vào ngày 5/2 để sơ tán công dân Nga, đã cung cấp các vật tư y tế rất cần thiết cho Vũ Hán. Ngoài ra, các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc và Nga đã cùng nhau đưa ra hơn 40 thông điệp và bình luận về công tác phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc, thông báo cho người dân về tình hình và các biện pháp hữu hiệu của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Thứ ba, các bộ phận chuyên trách của Nga đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để chống lại mối đe dọa chung. Tại thời điểm khó khăn, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga đã được chứng minh. Dịch Covid-19 không những không ảnh hưởng đến sự phát triển liên tục và ổn định của quan hệ Trung-Nga, mà còn dần cho thế giới thấy tầm quan trọng chiến lược của sự hỗ trợ lẫn nhau của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Một cuộc chiến cùng chống lại dịch bệnh sẽ tăng cường hơn nữa nền tảng của mối quan hệ Trung-Nga và cho thấy rõ hơn tình bạn của các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 ở Vũ Hán đối với nền kinh tế Trung Quốc và quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Nga, Xu Paulin - Trưởng phòng Kinh tế Nga, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, thành viên Hội đồng hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga cho biết: “Dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán đã có tác động tương đối lớn đến xã hội Trung Quốc và gây tâm lý lo ngại trên toàn thế giới. Tất cả nguồn lực của Trung Quốc đã được huy động để chống lại dịch bệnh. Là nước láng giềng của Trung Quốc, Nga đã tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh và dành cho Bắc Kinh sự hỗ trợ quý giá”.
Dịch Covid-19 được dự đoán là sẽ kết thúc trong quý II/2020. Sau khi hạn chế việc đi lại của người dân, cách ly nguồn bệnh và điều trị tập trung cho người nhiễm bệnh, sự lây lan của dịch Covid-19 có thể sẽ được kiểm soát một cách hiệu quả. Theo dự báo, khí hậu ấm lên cũng sẽ có tác động tích cực đến tình hình và đến cuối quý II/2020, dịch bệnh sẽ chấm dứt.
Trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng xấu, nhưng xu hướng tích cực dài hạn được dự đoán là không thay đổi. Tết Nguyên đán là mùa mua sắm sôi động nhất trong năm, nhưng trước sự bùng phát của SARS-CoV-2, Chính phủ Trung Quốc đã huy động toàn lực chống dịch bệnh, hạn chế việc đi lại của người dân trên cả nước, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch gần như ngừng trệ, kỳ nghỉ Tết của học sinh cũng kéo dài. Dưới ảnh hưởng của các yếu tố này, kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi: Trung Quốc vẫn là một trung tâm sản xuất toàn cầu và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, cũng như là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, khả năng cạnh tranh sản xuất không giảm và cơ hội đầu tư không thay đổi. Nếu tính đến tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc từ các yếu tố như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu ròng, cũng như tính đến kinh nghiệm phát triển kinh tế trước và sau dịch SARS năm 2003, có thể giả định rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 sẽ thấp hơn dự kiến. Đến nửa cuối năm 2020, ngành sản xuất sẽ bắt đầu phục hồi nhanh, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường và sau đó là xu hướng tích cực.
Hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Nga sẽ tiếp tục được cải thiện, và đạt đến một cấp độ mới. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nga đã hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đến từ Trung Quốc, điều này ảnh hưởng đến các chuyến du lịch của công dân Trung Quốc đến Nga, các hoạt động thương mại và đầu tư cũng bị đình trệ. Vào nửa cuối năm 2020, các hoạt động qua lại giữa nhân dân hai nước, cũng như các hoạt động thương mại, tài chính, đầu tư sẽ được khôi phục.
Hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Nga bị chi phối bởi các dự án chiến lược lớn, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực năng lượng và kĩ thuật. Dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực này, do đó, cơ sở hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Nga sẽ không bị ảnh hưởng. Đồng thời, dịch Covid-19 sẽ góp phần cải thiện hơn nữa các cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Các mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg vào tháng 6/2019 sẽ dần được hiện thực hóa.
Chính phủ Nga sẽ thực hiện hiệu quả hơn các dự án quốc gia theo Sắc lệnh tháng Năm của Tổng thống Nga, điều này cho phép nền kinh tế Nga bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, gia tăng thu hút đầu tư. Đồng thời, việc này sẽ tạo ra các cơ hội bổ sung để gia tăng kim ngạch thương mại song phương và đưa hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước lên một tầm cao hơn. Triển vọng hợp tác thương mại và kinh tế giữa Nga và Trung Quốc là rất lớn.
Giám đốc chương trình Hội đồng hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga Guo Xiaoqun cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 không thể tác động quá mạnh đến hợp tác kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Nga. Sau khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Nga đã tạm thời đóng cửa các điểm thông quan biên giới với Trung Quốc và gần như đình chỉ hoàn toàn các liên kết hàng không với Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Dịch Covid-19 chỉ tác động mạnh đến hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và hậu cần (logistic), nhưng nhìn chung hợp tác kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Nga sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Guo Xiaoqun cho biết Trung Quốc nhập khẩu khoảng 75%-80% tổng lượng dầu khí từ Nga. Tài nguyên năng lượng được vận chuyển chủ yếu qua các đường ống dẫn khí nên dịch bệnh không thể ảnh hưởng đến thương mại song phương trong lĩnh vực này. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Trung Quốc sang Nga là điện tử, sản phẩm kim loại cơ bản, dệt may, sản phẩm hóa chất, hàng tiêu dùng… Trong ngắn hạn, sự thiếu hụt các mặt hàng này có thể được ghi nhận, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này của Nga sẽ không ngừng gia tăng sau khi dịch bệnh kết thúc để bù đắp cho sự sụt giảm trong giai đoạn trước.
Thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực nhất, nhưng các mặt hàng nông phẩm chiếm một phần tương đối nhỏ trong quan hệ kinh tế Trung-Nga. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ tháng 1-9/2019, các loại hàng hóa như động vật sống, mỡ động vật, dầu thực vật, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá chiếm khoảng 5,7% giá trị nhập khẩu vào Trung Quốc và khoảng 2,6% xuất khẩu sang Nga. Do đó, sự suy giảm trong lĩnh vực này sẽ không tác động đáng kể đến tình trạng chung của thương mại song phương. Các ngành dịch vụ, logistic và du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng vì mùa Đông không phải là mùa du lịch, nên mức độ tác động đến trao đổi du lịch nói chung tương đối hạn chế.
Bên cạnh đó, sự phát triển hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga ngày nay dựa trên nền tảng chính trị vững chắc, theo các tiêu chuẩn cao, cơ cấu tổ chức đồng bộ và theo các cơ chế rộng rãi nhất, bao gồm các cuộc họp của nguyên thủ quốc gia và thủ tướng hai nước. Trung Quốc và Nga đều mong muốn thúc đẩy, phát triển hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác liên vùng, ngành hàng không vũ trụ, khoa học, công nghệ và đổi mới, thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số đã thực dụng và hiệu quả. Sự bùng phát dịch Covid-19 sẽ không thể thay đổi xu hướng chung là hợp tác kinh tế-thương mại ngày càng sâu rộng. Trong giai đoạn quan trọng này, Nga đã giúp Trung Quốc bằng cách cung cấp một khối lượng lớn vật tư y tế và gửi các chuyên gia y tế đến Trung Quốc. Năm 2020-2021 được xác định là Năm hợp tác khoa học và kỹ thuật Trung-Nga, do đó Trung Quốc và Nga có thể nhân cơ hội này tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu y tế, chăm sóc sức khỏe và phối hợp giải quyết các hậu quả trong các tình huống thiên tai và nhân đạo khẩn cấp.
Bài viết được đăng trên Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), Nga.
Minh Anh (gt)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...