Trang “Tin tức Trung Quốc” mới đây đăng bài viết của Hồ Chí Dũng, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề an ninh, ngoại giao, chiến lược khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trong đó cho rằng bất chấp Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Ấn Độ không nên nhúng tay vào vùng biển này trước khi vấn đề Biển Đông được giải quyết, nhưng gần đây Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ vẫn kiên quyết ký hiệp định khai thác dầu khí tại Biển Đông với Chính phủ Việt Nam, cuốn vào cuộc chiến tranh giành dầu khí Biển Đông đã kéo dài hai tháng qua giữa Trung Quốc và Việt Nam, với ý đồ là cùng nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc kiên quyết bảo vệ tài nguyên dầu khí Biển Đông, tăng cường khai thác dầu khí tại Biển Đông, ngăn chặn các nước khác khai thác phi pháp đã trở thành biện pháp quan trọng của Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong khi đó, Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ bất chấp nguy cơ có thể làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, cố ý tiếp tục hợp tác với Việt Nam, trên thực tế là một hành vi chiến tranh lạnh nhằm tranh giành nguồn năng lượng tại Biển Đông với Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cảnh báo Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ, nêu rõ hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí giữa Ấn Độ và Việt Nam tại lô 128 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc, là hành vi khai thác phi pháp. Nhưng dường như Ấn Độ không sợ nguy cơ làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục triển khai “trò chơi lớn” về khai thác dầu khí với Trung Quốc. Đằng sau động thái này có thể là sự ủng hộ của các nước lớn phương Tây như Mỹ hoặc được giật dây bởi bối cảnh chiến lược của Ấn Độ là tiến quân vào Biển Đông. Mỹ kích động các nước liên quan cuốn vào xung đột biển đảo và tài nguyên dầu khí, rắp tâm gây phiền phức, nhằm phong toả và bóp nghẹt yết hầu về nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc, cắt đứt mọi nguồn cung ứng dầu khí cho Trung Quốc, thu hẹp không gian cơ động chiến lược về nguồn năng lượng Trung Quốc.

Nhằm phối hợp hành động với Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ngày 6/4/2012 công khai tuyên bố: “Ấn Độ cho rằng Biển Đông là tài sản của toàn thế giới, tuyến hàng hải của nó nhất định không chịu bất cứ sự quấy nhiễu của quốc gia nào”. Đây là sự đáp trả đối với việc Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Đối với tình hình Biển Đông hiện nay, Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ bị thúc ép buộc phải có những phản ứng tất yếu, giải quyết triệt để vấn đề Biển Đông. Nhưng một số nước như Việt Nam sẽ không chắp tay nhượng trả các đảo đã chiếm cho Trung Quốc, chiến tranh Biển Đông giữa hai nước Trung-Việt là không thể tránh khỏi. Để bảo vệ lợi ích đã có tại Biển Đông, đề phòng Trung Quốc sử dụng vũ lực thu hồi các đảo tại Trường Sa, Việt Nam không thể không lôi kéo các nước lớn ngoài khu vực, ý đồ mượn sức mạnh của nước khác để đối kháng với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.

Việt Nam ra sức lôi kéo các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ tham gia các công việc Nam Hải, đồng thời lấy vịnh Cam Ranh làm mồi nhử, thúc giục hải quân hai nước Nga, Mỹ nhanh chóng xây dựng căn cứ, nhằm uy hiếp Trung Quốc. Việt Nam đang lôi kéo ngày càng nhiều nước can thiệp vào Biển Đông, hy vọng quốc tế hoá vấn đề tranh chấp Biển Đông, khuấy đục tình hình để trục lợi bất chính. Trong khi đó, Mỹ cũng mong đợi Ấn Độ trở thành lực lượng kiềm chế Trung Quốc. Mỹ hy vọng có thể cậy nhờ vào quan hệ hai nước Mỹ-Ấn để ổn định châu Á, đồng thời đề phòng sức ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc. Hai nước Ấn-Việt không chỉ hỗ trợ nhau về chính trị, mà cả trên lĩnh vực quân sự, đặc biệt là giúp đỡ lẫn nhau nâng cấp trang bị hải quân. Việt Nam gần đây đã gia hạn hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí Biển Đông với Ấn Độ, động thái này cho thấy Ấn Độ sẽ can dự vào tranh chấp Biển Đông. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Ấn Độ, thậm chí Việt Nam đề xuất kiến nghị cho phép Ấn Độ được quyền cập bến vĩnh viễn tại cảng Nha Trang, nằm ở phía Nam vịnh Tam Á của Trung Quốc, đồng thời hy vọng Ấn Độ giúp đỡ mình xây dựng tàu tuần tra và tàu tấn công cao tốc, nhằm nâng cao thực lực hải quân Việt Nam.

Tháng 11/2011, Công ty dầu khí lớn nhất của Ấn Độ nhận lời mời của Việt Nam , mong muốn khai thác hai giếng dầu tại Biển Đông. Đây là hành động tiếp sau Mỹ, Ấn Độ cũng muốn khuấy đục Biển Đông nhằm trục lợi. Hiện nay, Ấn Độ đang ra sức thúc đẩy chiến lược chống Trung Quốc ngay tại sân sau của Trung Quốc. Ấn Độ muốn xây dựng một tuyến đường cao tốc nối liền Ấn Độ với các nước ASEAN. Ấn Độ tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông, tích cực mở rộng thế lực sang khu vực Nam Hải, triển khai quan hệ hợp tác chính trị, quân sự mật thiết với Việt Nam, tích cực tiến sâu vào khu vực Đông Nam Á, ý muốn thực hiện mục tiêu chiến lược “nước lớn thế giới” của Ấn Độ. Các dự án hợp tác song phương Ấn-Việt hoàn toàn là sản phẩm của hợp tác chiến lược quân sự, kinh tế do chính trị chủ đạo. Ấn Độ cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Việt Nam , Ấn Độ còn đồng ý xuất khẩu tên lửa chống hạm siêu thanh Brahmos cho Việt Nam , ở một chừng mực nhất định có thể nâng cao sức mạnh hải quân của Việt Nam . Trong khi đó, Việt Nam dự tính mở cửa căn cứ quân sự của mình cho Ấn Độ. Việt Nam đang cùng với Ấn Độ xây dựng “kế hoạch hợp tác Ấn-Việt” theo hình thức đồng minh bán quân sự nhằm vào Trung Quốc, kế hoạch này đồng ý cho Ấn Độ “mượn” Việt Nam để xây dựng căn cứ hải quân phía Đông, dùng để cập bến cho tàu sân bay của Ấn Độ. Việt Nam nhờ cậy vào sức mạnh hải quân của Ấn Độ để chống lại các cường quốc xung quanh.

Ấn Độ phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam, là thể hiện cụ thể về chiến lược “hướng Đông” của Ấn Độ. Hai nước phát triển quan hệ hợp tác quân sự có mục tiêu chung - đó là Trung Quốc. Nhu cầu chiến lược “bắt tay kiềm chế Trung Quốc” là cơ sở quan trọng nhất của hợp tác hai nước. Ấn Độ tích cực tranh giành quyền lợi Biển Đông, bất chấp cảnh báo nghiêm khắc của Trung Quốc, đã bộc lộ động cơ chiến lược: Một là, tích cực phối hợp với Mỹ kiềm chế Trung Quốc, lấy Nam Hải làm mục tiêu quấy rối, lấy việc kìm hãm đối với nhu cầu năng lượng của Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hai là, ý đồ làm cho tranh chấp Biển Đông phức tạp hoá, chính trị hoá và quốc tế hoá để trục lợi. Ba là, chủ động can dự, kiềm chế bố cục chiến lược của Trung Quốc tại Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối nước lớn bên ngoài can dự vào vấn đề Biển Đông, kiên quyết phản đối mở rộng hoá và phức tạp hoá vấn đề Biển Đông. Ấn Độ thẳng tiến vào Biển Đông, ý đồ khuấy đục Biển Đông, cuối cùng sẽ tự vác đá đập vào chân mình./.

Lê Sơn (gt)