Bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Trung Quốc, Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ vẫn ký thỏa thuận khai thác dầu khí tại Biển Đông với Chính phủ Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Ấn Độ không nên "nhúng tay" vào vùng biển này trước khi vấn đề Biển Đông được giải quyết, song Ấn Độ dường như không sợ nguy cơ làm xấu đi quan hệ Trung-Ấn, vẫn bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, ý đồ là cùng kiềm chế Trung Quốc. Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ tuyên bố tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí tại Biển Đông với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, làm cho tranh chấp tài nguyên dầu khí giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông bước vào giai đoạn mới, khiến cho xung đột ngày càng công khai hóa.

Đằng sau động thái này của Ấn Độ có thể là sự ủng hộ của các nước lớn như Mỹ. Mỹ kích động các nước liên quan cuốn vào xung đột biển đảo và tài nguyên dầu khí, rắp tâm tạo phiền phức, nhằm phong tỏa và bóp nghẹt nguồn tài nguyên dầu khí của Trung Quốc, cắt đứt mọi nguồn cung ứng dầu khí cho Trung Quốc, thu hẹp không gian cơ động chiến lược về nguồn năng lượng Trung Quốc. Nhằm phối hợp hành động với Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ngày 6/4/2012 đã công khai tuyên bố: “Theo Ấn Độ, Biển Đông là tài sản của toàn thế giới, tuyến hàng hải ở Biển Đông nhất định không chịu bất cứ sự quấy nhiễu của quốc gia nào”. Đây là sự đáp trả đối với việc Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.Đối với tình hình Biển Đông hiện nay, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ có những phản ứng tất yếu, giải quyết triệt để vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không "trả" nhượng bộ, khiến chiến tranh Biển Đông giữa hai nước Trung-Việt là không thể tránh khỏi. Để bảo vệ lợi ích đã có tại Biển Đông, đề phòng Trung Quốc sử dụng vũ lực thu hồi các đảo tại Trường Sa, Việt Nam không thể không lôi kéo các nước lớn ngoài khu vực, ý đồ mượn sức mạnh của nước khác để đối kháng với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, nhằm duy trì lợi ích đã có tại Biển Đông.

Việt Nam ra sức lôi kéo các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ tham gia vấn đề Biển Đông, đồng thời lấy vịnh Cam Ranh làm "mồi nhử", thúc giục hải quân hai nước Nga, Mỹ nhanh chóng xây dựng căn cứ nhằm uy hiếp Trung Quốc. Việt Nam đang lôi kéo ngày càng nhiều nước can thiệp vào Biển Đông, hy vọng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ cũng mong đợi Ấn Độ trở thành lực lượng kiềm chế Trung Quốc. Mỹ hy vọng có thể nhờ vào quan hệ Mỹ-Ấn để ổn định châu Á, đồng thời đối phó với ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc. Hai nước Ấn-Việt không chỉ hỗ trợ nhau về chính trị, mà cả trên lĩnh vực quân sự, đặc biệt là sự giúp đỡ lẫn nhau về nâng cấp trang bị hải quân. Việt Nam gần đây đã gia hạn hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Ấn Độ. Động thái này cho thấy Ấn Độ sẽ can dự vào tranh chấp Biển Đông. Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Ấn Độ, thậm chí Việt Nam đề xuất kiến nghị cho phép Ấn Độ được quyền cập bến vĩnh viễn tại cảng Nha Trang, nằm ở phía Nam vịnh Tam Á của Trung Quốc, đồng thời hy vọng Ấn Độ giúp đỡ xây dựng tàu tuần tra và tàu tấn công cao tốc, nhằm nâng cao thực lực hải quân Việt Nam.

Hiện nay, Ấn Độ đang ra sức thúc đẩy chiến lược chống Trung Quốc ngay tại sân sau của Trung Quốc. Ấn Độ muốn xây dựng một tuyến đường cao tốc nối liền Ấn Độ với các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ấn Độ tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông, tích cực mở rộng thế lực sang khu vực Biển Đông, triển khai quan hệ hợp tác chính trị, quân sự mật thiết với Việt Nam, tích cực tiến sâu vào khu vực Đông Nam Á, ý đồ thực hiện mục tiêu chiến lược “nước lớn thế giới” của Ấn Độ. Các dự án hợp tác song phương Ấn-Việt hoàn toàn là sản phẩm của hợp tác chiến lược quân sự, kinh tế do chính trị chủ đạo. Ấn Độ cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Việt Nam, Ấn Độ còn đồng ý xuất khẩu tên lửa chống hạm siêu thanh “Brahmos” cho Việt Nam, ở một chừng mực nhất định có thể nâng cao sức mạnh hải quân của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam dự tính mở cửa căn cứ quân sự của nước này cho Ấn Độ. Việt Nam đang cùng với Ấn Độ xây dựng “kế hoạch hợp tác Ấn-Việt” theo hình thức đồng minh bán quân sự nhằm vào Trung Quốc. Theo kế hoạch này, Việt Nam đồng ý cho Ấn Độ xây dựng căn cứ hải quân ở phía Đông, dùng để cập bến cho hàng không mẫu hạm của Ấn Độ. Việt Nam nhờ vào sức mạnh hải quân của Ấn Độ để chống lại các cường quốc xung quanh.

Việc Ấn Độ phát triển quan hệ quân sự với Việt Nam là biểu hiện cụ thể về chiến lược “tiến ra phía Đông” của Ấn Độ. Hai nước phát triển quan hệ hợp tác quân sự có mục tiêu chung, đó là Trung Quốc. Nhu cầu chiến lược “bắt tay kiềm chế Trung Quốc” là cơ sở quan trọng nhất của hợp tác hai nước. Việc Ấn Độ tích cực tranh giành quyền lợi ở Biển Đông, bất chấp cảnh báo nghiêm khắc của Trung Quốc, đã bộc lộ động cơ chiến lược: Một là, tích cực phối hợp với Mỹ kiềm chế Trung Quốc, lấy Biển Đông làm mục tiêu quấy rối, lấy việc kìm hãm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hai là, làm cho tranh chấp Biển Đông phức tạp hóa, chính trị hóa và quốc tế hóa để trục lợi. Ba là, chủ động can dự, kiềm chế bố cục chiến lược của Trung Quốc tại Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.

Mạng “Tin tức Trung Quốc”

Lê Sơn (gt)