(Tàu chở các nhà hoạt động Trung Quốc bị tàu Nhật áp sát ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 15/8)

Theo Báo “Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng” (Hồng Công) số ra mới đây, khi Nhật Bản quyết định trục xuất các nhà hoạt động Hồng Công kéo lên quần đảo Điếu Ngư, nhiều chuyên gia phân tích cho biết họ tin rằng những hành động của các nhà hoạt động này đã được Bắc Kinh ngầm phê chuẩn, nhằm kiềm chế những lời kêu gọi đang gia tăng ở Đại lục về việc thực hiện các hành động cứng rắn hơn đối với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư. Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng khó có thể nói là các nhà hoạt động đã bị Bắc Kinh lôi kéo, nhưng chính quyền Trung ương Trung Quốc đã lợi dụng toàn bộ chiến dịch của các nhà hoạt động này để gây sức ép đối với Tôkyô.

Bắc Kinh đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông trong vài tháng qua, khi Chính phủ Nhật Bản nói rằng họ đang xem xét kế hoạch mua lại quần đảo Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân. Tuyên bố này của Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã quá nhân nhượng đối với Tôkyô.

Tuy nhiên, việc cho phép các nhà hoạt động lên quần đảo tranh chấp dường như không phải là một lựa chọn hợp lý bởi vì điều đó sẽ gây nên tâm lý bực bội ở cả Nhật Bản và Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Công trong vài ngày qua, là minh chứng rõ nét cho nhận định này. Tại Nhật Bản, ít nhất 10 người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các nhà vận động cho chủ quyền Nhật Bản này đã bơi lên một hòn đảo sau khi một đoàn tàu chở theo 150 người ra đến quần đảo tranh chấp. Động thái này làm bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản ở một số thành phố của Trung Quốc. Ngày 19/8, các cuộc biểu tình lớn chống Nhật Bản đã nổ ra ở nhiều nơi, như Quảng Châu, Tế Nam, Hàng Châu, Thành Đô, Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam), Ôn Châu, Cáp Nhĩ Tân, Thâm Quyến… Người biểu tình đã ném đá vào các nhà hàng Nhật Bản, đốt cờ Nhật Bản, phá hoại các vật dụng, phương tiện giao thông do Nhật Bản sản xuất, trong đó có cả ô tô cảnh sát.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của các nhà hoạt động Đài Loan – bên tranh chấp thứ 3 tại quần đảo trên, với tên gọi của Đài Bắc là Điếu Ngư Đài – cũng sẽ có những sự phức tạp riêng. Giáo sư Trần Nhất Tân thuộc Đại học Đạm Giang của Đài Loan nhận định: “Đài Loan đã nói rằng họ sẽ không hợp tác với Đại lục trong việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, và bất kỳ động thái nào tạo ra ấn tượng về một sự hợp tác như vậy cũng đều sẽ gây khó khăn cho cả Đài Loan và Đại lục”.

Những nỗ lực trước đó của các nhà hoạt động Hồng Công nhằm đổ bộ lên quần đảo Điếu Ngư đều đã bị chính quyền ngăn chặn bằng nhiều lý do khác nhau, như các điều kiện giấy phép hoạt động của tàu thuyền, thiếu an toàn phòng chống cháy nổ… nhưng lần này các nhà hoạt động đã được phép ra khơi.

Ông Thái Tử Cường, một chuyên gia khoa học chính trị thuộc Đại học Trung Văn (Hồng Công) nhận xét: “Bắc Kinh đang lợi dụng chiến dịch của các nhà hoạt động. Tôi tin rằng Bắc Kinh đã phê chuẩn các hành động của họ và lực lượng cảnh sát biển Hồng Công đã để cho họ đi. Nếu các nhà hoạt động Đại lục được phép đến quần đảo Điếu Ngư thì sau đó các nhóm khác ở Đại lục có thể cũng muốn đến quần đảo đó. Điều này sẽ khiến Bắc Kinh đau đầu”.

Hôm 15/8, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Lương Chấn Anh đã triệu Tổng lãnh sự Nhật Bản Yuji Kumamaru để kêu gọi Tôkyô thả các nhà hoạt động bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ. Động thái này được xem như là một tín hiệu rằng Hồng Công đang phối hợp nhịp nhàng với Bắc Kinh. Luật Cơ bản của Hồng Công quy định, Bắc Kinh chịu trách nhiệm trong các vấn đề ngoại giao liên quan đến đặc khu hành chính này, nhưng Trưởng Đặc khu có thể thực hiện các vấn đề đối ngoại liên quan theo sự cho phép của Bắc Kinh. Một người phát ngôn của Văn phòng Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công cho biết cơ quan này đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước khi triệu Tổng Lãnh sự Kumamaru. Giáo sư Thời Ân Hoằng, một chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc), cho rằng việc ông Lương Chấn Anh triệu Tổng Lãnh sự Kumamaru - giống như sự phản đối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – có thể ảnh hưởng đến Tôkyô trong quá trình xử lý vụ việc. Giáo sư Thời Ân Hoằng nhận định: “Vụ nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ các nhà hoạt động Hồng Công là một vấn đề thuộc lãnh sự hơn là một vấn đề ngoại giao. Khi những công dân Hồng Công bị liên quan đến các rắc rối ở nước ngoài, Trưởng Đặc khu có nghĩa vụ phải đưa ra tuyên bố đối với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản”.

Chuyên gia khoa học chính trị Thái Tử Cường cũng cho rằng cách xử lý của Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Lương Chấn Anh trong vụ các nhà hoạt động Hồng Công bị bắt chắc chắn sẽ giúp tăng cường uy tín của ông này. Theo chuyên gia Thái Tử Cường, ông Lương Chấn Anh là một người biết cách nắm bắt tình cảm của công chúng và cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng... nhưng điều kiện tiên quyết là Bắc Kinh đã cho phép mọi việc diễn ra theo cách này.

Một động thái khác cho thấy rõ thái độ ủng hộ của Bắc Kinh trong vụ việc này là truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa đậm những thông tin về các nhà hoạt động Hồng Công lên quần đảo Điếu Ngư. Ví dụ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đưa tin trực tiếp về việc các nhà hoạt động đổ bộ lên quần đảo Điếu Ngư hôm 15/8. Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – một ấn bản của Nhân dân Nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Trung ương ĐCS Trung Quốc) hôm 16/8 thậm chí còn nói rằng các nhà hoạt động “đang được Nhà nước ủng hộ”.

Điều mỉa mai là nhiều người trong số các nhà hoạt động Hồng Công nói trên từ lâu đã phản đối chính quyền Đại lục, và ủng hộ phong trào vì dân chủ. Hầu hết các thông tin trên truyền thông Đại lục đã “bỏ quên” những chi tiết như vậy. Khi được hỏi về những thông tin liên quan nhân thân, lai lịch của các nhà hoạt động nói trên, Giáo sư Phạm Tấn Phát thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã trả lời rất đơn giản: “Tôi không biết”.

Tuy nhiên, trong khi truyền thông Nhà nước đang ca ngợi chiến dịch của các nhà hoạt động Hồng Công là một hành động yêu nước, thì các nhà hoạt động ở Đại lục lại bị cấm bày tỏ sự phản đối đối với Tôkyô. Lý Nam , một thành viên của “Liên đoàn Trung Quốc Bảo vệ Quần đảo Điếu Ngư”, nói rằng tổ chức của anh ta đã bị làm cho chán nản. Theo Lý Nam, sau một cuộc biểu tình hôm 14/8, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu tổ chức của anh ta và tổ chức “Liên minh người Trung Quốc trên thế giới Bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” phải hủy bỏ các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch vào ngày 16/8 tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Mặc dù vậy, một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ vẫn diễn ra rải rác. Lý Nam cho biết: “Chính quyền muốn duy trì ổn định. Nhưng nếu điều đó có nghĩa là chúng tôi phải từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, thì đó không phải là sự ổn định mà chúng tôi mong muốn.

Giáo sư Trương Tuyết Trung thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Hoa Đông, cho rằng chính quyền Trung ương muốn sử dụng tình cảm chủ nghĩa dân tộc để củng cố tính hợp pháp của họ, nhưng chỉ theo một cách rất thận trọng, đặc biệt là vào dịp trước thềm Đại hội 18 Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào mùa Thu năm nay ở thủ đô Bắc Kinh.

Giáo sư Trương Tuyết Trung nêu rõ: “Chính quyền Trung ương nhận thức rõ rằng căn cứ chính trị của họ sẽ bị rung chuyển nếu như tình cảm của công chúng vượt ngoài tầm kiểm soát và các mục tiêu của chính quyền. Họ muốn duy trì sự kiểm soát đối với cả tình cảm của công chúng và sự thể hiện chủ quyền”. Theo Giáo sư Trương Tuyết Trung, việc các nhà hoạt động Hồng Công đặt chân thành công lên quần đảo Điếu Ngư sẽ dẫn đến những lời kêu gọi trao cho các nhà hoạt động Đại lục nhiều tự do hơn. Đây là quan điểm được nhiều người sử dụng Internet ở Trung Quốc chia sẻ và ủng hộ.

Xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mạngAsiasentinel” vừa đăng bài viết của tác giả Philip Bowring, trong đó cho rằng vụ tranh cãi giữa hai nước có những tác động vượt xa ra ngoài nhóm những khối đá nhỏ về cơ bản là vô tác dụng này.

Trong khi những khối đá nhô lên trên mặt biển đã chứng kiến những chuyến đổ bộ của các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc từ Hồng Công (như là ủy quyền của Trung Quốc) và Nhật Bản, câu chuyện dưới đây là một động thái khác của người Trung Quốc nhằm làm đảo lộn hiện trạng trong khu vực bằng cách làm sống lại và khẳng định lại những tuyên bố ngầm trước đó. Những khối đá này, ngoài giai đoạn người Mỹ xâm chiếm, đã được kiểm soát bởi Nhật Bản trong khoảng 150 năm.

Những khối đá đó không đủ khả năng để duy trì sự cư trú của con người và chúng không bị xâm chiếm. Vì vậy, theo Công ước LHQ về Luật Biển, những hòn đảo đó không tạo nên một cơ sở cho một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý.

Xét về mặt không gian, vùng lãnh thổ có người ở gần quần đảo Senkaku nhất là đảo Ishigaki thuộc quần đảo Ryukyu (quần đảo Lưu Cầu). Hòn đảo này nằm cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 170 km về phía Nam , với dân số vào khoảng 100.000 người. Vùng lãnh thổ của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất là Cơ Long ( Keelung), một thành phố cảng nằm ở mũi Đông Bắc của Đài Loan. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nằm ở nơi đầu tiên của vùng này và thực tế là có một thềm lục địa kéo dài liên tục, nối khu vực đó với Trung Quốc Đại lục và với cả Đài Loan.

Người Trung Quốc tuyên bố rằng không có sự liên kết như vậy đối với các hòn đảo ở quần đảo Ryukyu, một quần đảo với các hòn đảo nằm rải rác ở phía Tây Nam theo hình cánh cung từ Kyushu tới Đài Loan, với Yonaguni là cực Nam. Hòn đảo lớn nhất của quần đảo này là Okinawa . Người Trung Quốc khẳng định rằng có một vùng sụt lún ở khu vực đáy biển giữa các hòn đảo ở quần đảo này và các hòn đảo của Nhật Bản. Người Nhật Bản thì nói rằng đó là một bề mặt nhấp nhô theo kiểu gợn sóng, chứ không phải là một vùng đứt gãy ở thềm lục địa. Vùng bề mặt này kéo dài từ phía Đông Nam của quần đảo Ryukyu đến nơi bắt đầu các vùng nước sâu ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên hình dạng đáy biển lại là sự dối trá về một điều khác mà Bắc Kinh không nêu ra. Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc sẽ tìm cách sử dụng những tuyên bố từ xưa – những tuyên bố ít nhất cũng thể hiện chủ quyền trên danh nghĩa đối với các nước chư hầu – vào những nỗ lực hiện nay của họ nhằm theo đuổi những tuyên bố chủ quyền thời hiện đại.

Quần đảo Ryukyu là một trường hợp thú vị về một nhóm các hòn đảo không chỉ nằm giữa Nhật Bản với Trung Quốc mà còn nằm ở phía Bắc Triều Tiên và phía Nam Malaixia. Bản thân những nguồn gốc của các tộc người Ryukyu cũng khác nhau do phụ thuộc vào vị trí của mỗi một hòn đảo nằm trong quần đảo này. Hòn đảo nằm ở cực Nam của quần đảo này cách Kyushu 1.000 km. Nguồn gốc nguyên thủy của chúng ít nhất xuất phát từ mặt ngôn ngữ, là Nhật Bản. Tuy nhiên, có bằng chứng về ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Mãlai từ trước đó – không có gì ngạc nhiên khi khu vực Đài Loan ở gần đó là một hòn đảo với phần lớn là người Mãlai cho đến thời gian cách đây khoảng 200 năm.

Nhiều người Trung Quốc và Triều Tiên đã đến giao thương, định cư và để lại những dấu ấn riêng trên những xã hội nhỏ và xa xôi này. Những cư dân trên đảo đến Trung Quốc để học tập. Với việc có ít đất đai để cày cấy và trồng trọt, người dân trên quần đảo này phát triển thành những ngư dân, những tàu thuyền của họ giao thương với Trung Quốc, chủ yếu là mang những sản phẩm nhiệt đới từ bán đảo Mãlai, Siam (Xiêm–Thái Lan) và Java tới Trung Quốc, Nhật Bản. Từ thế kỷ 15, các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đặc biệt gần gũi và các đoàn triều cống đã được cử đến Bắc Kinh.

Những đoàn triều cống tương tự cũng đến gặp các shogun (tướng quân) Nhật Bản. Nhật Bản trong một thời gian dài đã coi quần đảo Ryuku là vùng gần giống với man di mọi rợ mặc dù quần đảo này nằm trong quỹ đạo quản lý của Nhật Bản kể từ năm 600. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các cơ hội giao thương với Trung Quốc đã trở nên lớn hơn, đặc biệt là khi các thương gia Trung Quốc bắt đầu định cư ở Đài Loan và Đông Nam Á, và cho tới khi các thương gia châu Âu với những đội tàu hiện đại đến thống trị các vùng biển trong khu vực.

Sự độc lập ở một mức độ nào đó của quần đảo Ryuku, vốn cho phép quần đảo này gửi các phái đoàn đến triều đình các nước châu Á, đã dần dần bị dập tắt bởi Nhật Bản phần nhiều là vì những lo ngại về phương Tây hơn là những mưu đồ của người Trung Quốc. Nổi bật nhất là những người Mỹ, với việc viên chỉ huy quân đội Perry đến quần đảo này vào năm 1853 trên một tàu chiến và yêu cầu hợp tác. Mỹ đã ký một hiệp ước với “Vương quốc Lewchew” (tên tiếng Trung là Vương quốc Lưu Cầu) vào năm 1854. Viên sĩ quan Perry muốn Mỹ đặt quần đảo này dưới “sự bảo vệ” của họ, nhưng Tổng thống Mỹ Franklin Pierce đã từ chối.

Thay vào đó, ngay sau khi (Thiên Hoàng Minh Trị) khôi phục Nhật Bản, ông đã quyết định tự hành động để ngăn chặn các quốc gia khác xâm chiếm quần đảo Ryukyu. Nhật Bản đã cử lực lượng tới Naha , Okinawa , và phế truất nhà vua ở đó. Sự hội nhập với Nhật Bản bắt đầu và một tỉnh Okinawa đã được thành lập vào năm 1879.

Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Ryukyu dựa trên những phái đoàn triều cống trước đó và chỉ từ bỏ chúng trong Hiệp ước Shimonoseki, một văn kiện trao cho Nhật Bản chủ quyền đối với Đài Loan. Tuy nhiên, sau này Trung Quốc lại chối bỏ và cho rằng đây là một “hiệp ước không công bằng.” Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ và Anh đã cam kết với Trung Quốc rằng Nhật Bản sẽ bị buộc phải giao nộp “tất cả các vùng lãnh thổ cướp của Trung Quốc như Mãn Châu , Formosa (Đài Loan)…” Cam kết của hai nước này không đề cập cụ thể đến quần đảo Ryukyu nhưng ngay sau khi kết thúc cuộc chiến, quần đảo này bị đối xử khác với phần còn lại của Nhật Bản và chỉ được trao trả vào năm 1972.

Okinawa đã phải hứng chịu những thương vong kinh khủng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai và kể từ đó đã phải cam chịu sự hiện diện quân sự trên diện rộng của Mỹ. Sự hiện diện này vẫn được duy trì đến tận ngày nay và được coi là một phần cần thiết trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản, nhưng lại không được lòng người dân Okinawa.

Trung Quốc có khả năng khôi phục những tuyên bố dựa trên các mối quan hệ chư hầu cũ và những chuyến đi của các thương gia nước này. Trong thực tế, tất cả những thứ gọi là “đồ cống nạp” đều không phải là sự thừa nhận chủ quyền nhưng các món quà là những vật cần thiết để được giao thương với Trung Quốc.

Một tuyên bố được khôi phục đối với chủ quyền quần đảo Ryukyu, hoặc ít nhất là những nỗ lực nhằm gia tăng sự bất bình cũng như tuyên bố về tên gọi của quần đảo này nhằm làm suy yếu quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật không phải là khả năng không thể xảy ra. Và điều này có lẽ giải thích tại sao những khối đá ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku lại có tầm quan trọng đến như vậy. Đây không chỉ là vấn đề về tiềm năng dầu mỏ và khí đốt dưới biển, mà nó còn là vấn đề lịch sử./.

Viết Tuấn (gt)