Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn phát biểu tại Hội nghị cho rằng, hiện nay tình hình Biển Đông tổng thể ổn định, nhưng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống. Dưới tác động của các thế lực trong và ngoài khu vực, tình hình Biển Đông có 5 đặc điểm mới: (i) Các thế lực bên ngoài như Mỹ can thiệp và làm cho cạnh tranh địa chính trị ở Biển Đông trở nên gay gắt; (ii) Khu vực Biển Đông xuất hiện xu hướng chạy đua vũ trang; (iii) Biểu hiện của tranh chấp Biển Đông đang chuyển từ tranh chấp về chủ trương trước đây thành tranh chấp về quản lý thực tế; (iv) Nguy cơ an ninh phi truyền thống như hoạt động cướp biển, chủ nghĩa khủng bố trên biển gia tăng; (v) Tranh giành quyền chủ đạo trong các hoạt động quốc tế về vấn đề Biển Đông ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó, hai bờ cần triển khai hợp tác mang tính thực chất về vấn đề Biển Đông. Một là, mở rộng lĩnh vực hợp tác học thuật, tiếp tục triển khai nghiên cứu các vấn đề lớn về Biển Đông mà hai bờ có chung lợi ích. Hai là, triển khai hợp tác chấp pháp, bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, giai đoạn đầu có thể trao đổi trên danh nghĩa cá nhân giữa chuyên gia các bộ ngành. Ba là, hợp tác thực hiện khảo sát khoa học biển, tìm kiếm hợp tác cùng khai thác dầu khí. Bốn là, có thể nghiên cứu thành lập cơ chế phản ứng nhanh xử lý tràn dầu ở Biển Đông, bảo vệ an ninh tuyến đường biển ở Biển Đông.

 

Phó Giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Đại học Sư phạm Đài Loan Vương Quán Hùng khi trả lời phỏng vấn Mạng tin tức Trung Quốc đã kiến nghị, hai bờ cần thành lập “Cơ chế hợp tác Biển Đông” nhằm bảo vệ và củng cố lợi ích của hai bờ ở Biển Đông. Đây là cơ chế phù hợp nhất đối với lợi ích của hai bờ ở Biển Đông. Bảo vệ lợi ích ở Biển Đông là nguyện vọng và lý tưởng của hai bờ, nhằm tăng cường lòng tin và là khởi điểm để tạo nên trang sử mới trong hợp tác giữa hai bờ. Trước khi xây dựng “Cơ chế hợp tác Biển Đông”, hai bờ có thể thống nhất một thoả thuận khung nhằm xác định nguyên tắc, dự án, tiến trình và phương thức hợp tác cơ bản. Trên cơ sở đó, hợp tác giữa hai bờ về vấn đề Biển Đông có thể bao gồm: đánh giá, nuôi trồng, khai thác, tiêu thụ tài nguyên sinh vật biển; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; xây dựng công viên hải dương; bảo vệ an ninh tuyến đường biển; cứu hộ cứu nạn trên biển; chống buôn lậu và buôn bán vận chuyển chất ma tuý trên biển; thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên dầu khí, khoáng sản.

 

Quốc Trung ( cộng tác viên tại Bắc Kinh)