Ngày 25/3, hội thảo “Tranh chấp đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông” (Conference on Conflicting Claims on the South China Sea) đã được tổ chức tại Trung tâm Triết học, Văn hoá và Xã hội Việt Nam (The Center for Vietnamese Philosophy, Culture, and Society) thuộc Đại học Temple, bang Pennsylvania, Mỹ. Các diễn giả chính tại hội thảo này gồm: 

- Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã, giám đốc Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam
- Tiến sỹ kinh tế Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Thống kê của Liên hợp quốc.
- Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt
Nam.
- Tiến sỹ Andrew Scobell, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George H.W. Bush ở Texas, Mỹ.
- Tiến sỹ Ngô Vĩnh Long, giáo sư sử học Châu Á tại Đại học Maine.
- Tiến sỹ Ken MacClean, Phó giáo sư về nhân loại học tại Đại học
Clark

Bài phát biểu của Tiến sỹ Nguyễn Nhã tập trung vào phân tích các chứng cứ lịch sử của cả Việt Nam và Trung Quốc, để chứng minh rằng Việt Nam có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho đòi hỏi chủ quyền của mình. Ông cho biết các triều Vua Việt Nam đã có những hoạt động thực tế, liên tục và trong thời bình ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Đây là những cơ sở quan trọng xác minh chủ quyền của Việt
Nam ở hai vùng đảo này. 

Ông Nguyễn Nhã bác bỏ việc chính quyền Quảng Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa, vì theo luật quốc tế chỉ có các quốc gia mới có quyền đòi hỏi chủ quyền ở những vùng đất chưa có người khai thác. Hành vi Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988 là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo công ước của LHQ, những vùng đất chiếm đóng bằng vũ lực không được coi là lãnh thổ của nước chiếm đoạt. 

Ông Nguyễn Nhã cho rằng tranh chấp ở Biển Đông hiện nay cần được giải quyết trên cơ sở Công ước về Luật biển 1982 của LHQ (UNCLOS) và kiến nghị Đại học Temple thông báo kết quả cuộc hội thảo này tới các hội nghiên cứu lịch sử và địa lý Mỹ, để họ hiểu rõ hơn về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra như trong vụ Hội Địa lý Mỹ ghi chú Hoàng Sa là của Trung Quốc mới đây. 

Bài phát biểu của ông Vũ Quang Việt tập trung xem xét lại các tài liệu lịch sử và đòi hỏi chủ quyền của Việt
Nam và Trung Quốc. Ông cho biết Vua Gia Long đã cử đội tàu ra thu nhặt của cải trong những con tàu mắc cạn ở khu vực nhóm đảo Crescent (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ 1816. Các tài liệu lịch sử xác nhận rằng Triều Nguyễn đã xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa trước khi Pháp tới Việt Nam và trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu và bằng chứng lịch sử cho thấy các triều Vua Việt Nam và sau đó là Pháp đã kiểm soát nhóm đảo Crescent thuộc Hoàng Sa ít nhất từ 1818 đến 1974, trước khi Trung Quốc chiếm quần đảo này từ tay quân đội Việt Nam Cộng hoà. 

Ông Vũ Quang Việt cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa được căn cứ trên những tài liệu do các nhà du lịch và thám hiểm ghi lại, chứ không phải văn bản chính thức của nhà nước. Đây không phải là cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền. Các chuyến viễn chinh của Đô đốc Trịnh Hoà thế kỷ 15, cũng như các hoạt động đi biển sau đó qua khu vực Biển Đông, không thể coi là Trung Quốc đã xác lập chủ quyền ở vùng biển này và vì thế Biển Đông không phải là vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Ông cũng bác bỏ tuyên bố năm 2000 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Tuyên bố Cairô và Potsdam đã xác nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Việt cho biết các tuyên bố này chỉ buộc Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với những vùng đảo mà họ đã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng không đề cập tới việc chuyển giao chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Ông Vũ Quang Việt cho rằng Trung Quốc đã theo đuổi chính sách gặm nhấm ở Biển Đông từ năm 1952, khi Thủ tướng Chu Ân Lai ra tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt bước đi nhằm chiếm đóng hai quần đảo này khi có thời cơ, như đã sử dụng vũ lực chiếm nhóm đảo Crescent thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1974, hay chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa năm 1988. Trung Quốc cũng đã bí mật chiếm đóng đảo Mischief Reef từ tay Philíppin sau khi Mỹ đóng cửa hai căn cứ quân sự ở Philíppin. Ông cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các quần đảo này chỉ là bước đi cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu tham vọng hơn, đó là kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. 

Ông Vũ Quang Việt kiến nghị một số bước đi nhằm hướng tới một giải pháp hoà bình cho tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông, trước hết Trung Quốc phải từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trong đường 9 đoạn, vì đòi hỏi này không thể bảo vệ được và không phù hợp với luật quốc tế. Sau đó, các bên đồng ý xác định bản chất các địa hình nổi ở Hoàng Sa và Trường Sa là đảo, bãi đá, bãi san hô, hay dải cát, theo quy định của Công ước về Luật biển 1982 của LHQ (UNCLOS). Vấn đề chủ quyền trên các đảo, bãi đá, v.v… ở Biển Đông được giải quyết trên cơ sở UNCLOS, theo đó các nước ven bờ có chủ quyền đối với vùng lãnh hải 12 hải lý và có quyền khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế. Nếu EEZ của các nước chồng lẫn nhau thì giải quyết qua thương lượng. Các nước có quyền khai thác tài nguyên, nhưng không có chủ quyền đối với EEZ, nghĩa là các nước khác có quyền tự do đi qua, hoặc bay qua EEZ nếu không gây tổn hại cho nước ven bờ. Ông Vũ Quang Việt kiến nghị thành lập một tổ chức quản lý, khai thác và phân bổ nguồn lợi hải sản ở Biển Đông theo tỷ lệ bờ biển của các nước ven bờ: Trung Quốc 29,9%, Inđônêxia 1,3%, Malaixia 19,4%, Philíppin 25,3% và Việt Nam 24,1%. 

Bài phát biểu của ông Nguyễn Vũ Tùng tập trung vào khía cạnh chính sách và chính trị trong tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho rằng vai trò của quân sự đã giảm đi trong các quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Do đó nỗ lực tìm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông cần đi theo hướng thương lượng và hoà giải. Ông cho rằng để có thể tiến tới giải pháp “khai thác chung”, Trung Quốc cần có trách nhiệm hơn với các nước ven bờ khác. 

Giáo sư Andrew Scobell cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á chính là đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Ông cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là thông qua “xung đột cường độ thấp”, tức là thông qua những hoạt động không gây sự chú ý của dư luận, nhưng giúp Trung Quốc từng bước xác lập chủ quyền của mình. Ông cho rằng các nước láng giềng cần thận trọng trước những tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc, vì lời nói và hành động của Trung Quốc không hoàn toàn giống nhau. 

Ông Ngô Vĩnh Long cho rằng Trung Quốc luôn lợi dụng thế mạnh để ép các nước khác phải tuân theo đòi hỏi của mình. Do có lợi thế hơn tất cả các nước tranh chấp khác ở Biển Đông, nên Trung Quốc đòi giải quyết bất đồng thông qua đàm phán song phương, chứ không qua các tổ chức đa phương. Nếu chấp nhận giải pháp song phương, tất cả các nước ven bờ sẽ bị thiệt thòi trước Trung Quốc. Vì thế ông cho rằng các nước ASEAN cần thống nhất lập trường trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông qua con đường đa phương.

Ông Ken MacClean không có bài phát biểu. Thay vào đó ông nêu một số câu hỏi và đề nghị mọi người tham gia ý kiến. 

Vài nhận xét chung:

Hội thảo tại Đại học Temple được coi như bước tiếp nối của hội thảo tương tự diễn ra tháng 11/2009 ở Đại học Yale, Mỹ. Một số diễn giả chính tại hội thảo lần này cũng là những người đã từng có bài phát biểu tương tự tại Đại học Yale. Hai cuộc hội thảo này do các nhóm nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Yale và Đại học Temple, cùng với một số nhà nghiên cứu gốc Việt quan tâm tới vấn đề tranh chấp tại Biển Đông phối hợp tổ chức. Mục đích của cả hai hội thảo là trao đổi những đánh giá và nghiên cứu, dưới góc độ khoa học, vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và tác động của nó tới Việt Nam và khu vực. 

Những người tổ chức hội thảo đã cố gắng mời các nhà nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước, cả Việt Nam và Mỹ tới phát biểu, với hy vọng có thể đưa ra được những đánh giá khách quan và nhiều mặt hơn quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Các diễn giả chính tại hội thảo là những người đã từng có bài nghiên cứu về tranh chấp ở Biển Đông (như các ông Nguyễn Nhã, Vũ Quang Việt, Ken MacClean) hoặc đã từng tham dự vào các chương trình nghiên cứu, hoạch định chính sách liên quan tới Việt Nam, Trung Quốc và khu vực (như các ông Andrew Scobell, Nguyễn Vũ Tùng, Ngô Vĩnh Long). Tuy nhiên, hầu hết các diễn giả đều không phải là những người chuyên nghiên cứu về tranh chấp ở Biển Đông hay an ninh khu vực. Cả hai cuộc hội thảo ở Yale và Templecùng không lôi kéo được các chuyên gia hay những nhà nghiên cứu có danh tiếng về tranh chấp ở Biển Đông và an ninh khu vực tham gia. Do đó tác động của hai hội thảo này tới giới nghiên cứu và hoạch định chính sách Mỹ có thể không cao như những người tổ chức hy vọng. 

Dù vậy, hai cuộc hội thảo này cũng góp phần mở ra một cuộc tranh luận mới giữa những người quan tâm tới tranh chấp ở Biển Đông trong một vài nhóm nghiên cứu ở Mỹ, đồng thời tạo dựng sự đồng thuận giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước quanh vấn đề chủ quyền quốc gia./.