Thứ trưởng Phó Doanh đúc rút 4 bài học kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện DOC: (i) Duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là mục tiêu chung; việc thông qua hiệp thương hữu nghị xử lý thỏa đáng và kiểm soát bất đồng, mâu thuẫn, duy trì đại cục quan hệ Trung Quốc - ASEAN và hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với lợi ích chung của các bên; (ii) Đối thoại và hợp tác là con đường căn bản; các bên cần kiên trì đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu và xung đột, thông qua hợp tác để thực hiện an ninh chung; (iii) Cùng tuân thủ DOC là điểm cốt lõi, là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của Trung Quốc và ASEAN; (iv) Hiệp thương bình đẳng là nguyên tắc cơ bản; việc chiếu cố đến quan tâm và cảm nhận của nhau sẽ có lợi cho thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN phát triển lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, bà cũng nêu 3 kiến nghị: (i) Thúc đẩy thực chất hợp tác thiết thực ở Biển Đông. Các bên cần thực hiện các sáng kiến hợp tác, phát huy đầy đủ vai trò của Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc - ASEAN, triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, kết nối trên biển, an toàn hàng hải, cứu hộ cứu nạn trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển kinh tế biển, làm cho hợp tác trở thành dòng chính ở Biển Đông. (ii) Tăng cường các cơ chế đảm bảo thực hiện DOC, tiếp tục phát huy vai trò của cơ chế họp SOM và Nhóm công tác liên hợp; quy hoạch toàn diện tiến trình thực hiện DOC, thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác theo trình tự. (iii) Tuần tự tiệm tiến thúc đẩy việc xây dựng COC trên cơ sở hiệp thương thống nhất. Mong các bên tuân thủ nghiêm tinh thần và nguyên tắc của DOC, không để tiếp tục xảy ra tình hình căng thẳng trên biển, tránh đưa vấn đề Biển Đông ra tranh cãi tại các hội nghị quốc tế và khu vực. Các bên cần kiên trì nguyên tắc hiệp thương bình đẳng, duy trì đối thoại, cùng tạo điều kiện và không khí cho việc bàn bạc COC. Phía Trung Quốc nguyện cùng các nước ASEAN giữ đà đối thoại, cùng nỗ lực hướng tới mục tiêu này. Đó vốn là tiến trình tăng cường hiểu biết và lòng tin giữa các bên.

Trong khi đó, phát biểu với các nhà báo sau buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong nêu rõ DOC được thành lập là nhằm biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác vì lợi ích của tất cả các bên; DOC là một văn kiện cần thiết và phù hợp nhằm hợp tác giải quyết trên cơ sở biện pháp hòa bình mọi bất đồng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy cho biết ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí rằng việc soạn thảo COC cần phải được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của cả hai bên để đưa Biển Đông thành một khu vực ổn định, hữu nghị và hợp tác. Bà Rathchavy nhận định “việc cả ASEAN và Trung Quốc thẳng thắn trao đổi về vấn đề Biển Đông là một dấu hiệu tích cực”. Tuy nhiên, sẽ là không thực tế khi cho rằng COC sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 21 tới. Bà cho biết do tính chất phức tạp, COC hiện còn chưa có dự thảo. Đến nay các bên mới cam kết thúc đẩy thực hiện DOC.

Ngày 2/11, sau 2 ngày hội thảo, giới chức ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận trên một số tiêu điểm nhằm thực hiện DOC. Hai bên đã bàn luận thêm nhiều chi tiết bị bế tắc. Mặc dù đã 10 năm trôi qua nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng DOC chưa bao giờ được Trung Quốc thực hiện mặc dù ASEAN có nhiều thúc đẩy trong những hội nghị thường niên của khối. Hội thảo lần này là một phần của “Kế hoạch công tác năm 2012” do Bộ Ngoại giao Campuchia và Trung Quốc đồng chủ trì, nhằm làm nổi bật những nhận thức chung giữa các bên trong vấn đề Biển Đông.

Lê Sơn (gt)