Lãnh đạo các quốc gia Trung Á đang tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được tổ chức ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Trung Quốc được cho là mạnh nhất trong số các nước thành viên, và các cỗ máy tuyên truyền tại Bắc Kinh đang ca ngợi tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Bishkek. Có một câu hỏi được đặt ra là: Hội nghị thượng đỉnh của SCO ở Bishkek thực sự có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?

SCO, trước đây được gọi là nhóm "Thượng Hải 5", gồm cả những nước lớn và nhỏ. Trong khi Trung Quốc và Nga là những điểm thu hút chính, thì Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan vẫn ở bên lề, với hy vọng có một vị trí trong chiến lược "Hướng Tây" của Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh Bishkek có nhiều chương trình nghị sự, từ các đường ống dẫn dầu khí của Trung Quốc đến an ninh tại Afghanistan, tuy nhiên có một điều rõ ràng là Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát SCO. 

Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến công du các nước Trung Á. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc theo sát các chặng dừng chân của ông tại mỗi nước, hứa hẹn tăng cường các quy định pháp luật và cam kết Trung Quốc sẽ cung cấp 30.000 học bổng chính phủ cho sinh viên các nước thành viên SCO học tập tại Trung Quốc.

Quả thực, hội nghị SCO không chỉ là hội nghị của các nước cùng chung mục đích, mà còn là cơ hội để Trung Quốc thể hiện sức quyến rũ của mình. Có lẽ, dấu hiệu rõ ràng nhất là các nước thành viên SCO khác đều đứng ngoài cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga tại Urals, khiến mọi người phải đặt câu hỏi: 4 thành viên khác của SCO đâu?

Không thiếu những quốc gia mong muốn gia nhập SCO như Ấn Độ, Pakistan (hiện đều là quan sát viên của SCO) và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có lần nói đùa rằng ông ta sẽ từ bỏ tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) để kiếm một chân trong SCO. Về phía Trung Quốc, chiến dịch quảng bá sức hấp dẫn của SCO đang được thực hiện.

Trong tuần qua, truyền thông Trung Quốc đã có những bài ca ngợi SCO, cùng với việc lên án các lực lượng phương Tây, truyền thông phương Tây và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). SCO đã xác định những kẻ thù của tổ chức này bao gồm "chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan", được gọi chung là "ba tai ương". Dưới chiêu bài "chống khủng bố", quan điểm chính thức của SCO về an ninh đã bị một số người gọi là "cỗ xe cho các vi phạm nhân quyền". Trung Quốc, với tư cách là quốc gia hùng mạnh và tích cực nhất trong SCO cho đến nay, có quyền định hình chính sách trong nước của toàn bộ Trung Á, một viễn cảnh khiến nhiều người khó chịu. Bốn thành viên còn lại của SCO - gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan - không phải là những tấm gương sáng về nhân quyền. Tuy nhiên, trong lúc thế giới quan ngại về các vụ tra tấn tại Kazakhstan và việc bỏ tù ông Azimjon Askarov tại Kyrgyzstan, Trung Quốc đang ủng hộ tất cả những phát triển trên và phản đối cả những phát biểu về "can thiệp nhân đạo".

Hiện nay, hợp tác kinh tế của SCO đang được so sánh như một "con đường tơ lụa" mới. Đối với Trung Quốc, vấn đề an ninh tại SCO đứng sau dầu mỏ. Chỉ riêng các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Kazakhstan cũng có thể khiến người ta choáng váng, trong đó có việc Bắc Kinh vừa mua 8,4% cổ phần tại một giếng dầu của Kazakhstan tại Biển Caspia, trị giá 5 tỷ USD. Trung Á là quan trọng đối với việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc.

Mặc dù một số người tin rằng SCO được thiết kế như một đối trọng với NATO, nhưng tương lai của tổ chức này là không chắc chắn. Mặc dù truyền thông Trung Quốc sẽ quảng bá rầm rộ tiến bộ và phát triển của SCO trong tuần tới, nhưng mục đích và các mục tiêu của SCO vẫn là một bí mật, kể cả đối với bản thân các nước thành viên. Đôi khi, SCO tồn tại chỉ đơn giản để thuyết phục thế giới về tính hợp pháp và thích hợp ngoại giao của nhóm. Trong khi thế giới có thể đánh giá tính hợp pháp của SCO, thì sự thích hợp của nhóm này hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)