Thứ nhất, ASEAN và nước chủ nhà Myanmar đã nhận thức rõ về thất bại lịch sử năm 2012, khi vì những chia rẽ nội bộ trong vấn đề Biển Đông mà khối này không đưa ra được tuyên bố chung. Vì vậy, trước khi các nhà lãnh đạo tới Myanmar để dự bữa tiệc tối khai mạc hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những động thái leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Như Ngoại trưởng Singapore Shanmugan nói, việc không đưa ra được một tuyên bố như vậy sẽ làm xói mòn hơn nữa lòng tin của các thành viên ASEAN. ASEAN - với tư cách là một thể chế và Myanmar với tư cách là nước chủ nhà - đã tránh được hậu quả tồi tệ nhất. Trên thực tế, với Myanmar, việc tập trung vào tranh chấp ở Biển Đông có thể làm giảm mối quan tâm của giới báo chí đối với các vấn đề nội bộ nhạy cảm hơn của họ. 

Thứ hai, vẫn chưa có sự thống nhất trong ASEAN về cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước thành viên và Trung Quốc trên Biển Đông, điều đó có nghĩa là ASEAN đang ngày càng bị gạt ra rìa khi bàn tới lợi ích cốt lõi này của khu vực. Tuyên bố chung bày tỏ hy vọng các bên sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Tổng thống Indonesia Yudhoyono đã đề xuất coi Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN non trẻ như một cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực mở rộng. Khi mà Tuyên bố chung ASEAN được đưa ra sau khi cuộc họp của các Ngoại trưởng bị kéo dài thêm hơn một tiếng đồng hồ và trong tuyên bố đó đã không đề cập cụ thể quốc gia cũng như “diễn biến đang xảy ra” ở Biển Đông.

Với Chính phủ Việt Nam, tuyên bố chung này cũng sẽ không làm giảm đi những lo ngại trước những hành đồng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đối với cả Hà Nội và Manila, những chứng cứ sai phạm của Trung Quốc ở Biển Đông là có thật, và việc hi vọng về một COC mà Trung Quốc sẽ nhất trí và tuân thủ là không thể. Nếu ASEAN muốn giải quyết thỏa đáng những vấn đề trên, họ có thể tuyên bố những hành động gần đây của Trung Quốc không phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; và ASEAN phải ủng hộ Philippines chống Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, coi đây là biện pháp nhằm tuân thủ luật pháp quốc tế; công khai ủng hộ dự thảo COC đã lưu hành trong ASEAN từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, không biện pháp tích cực nào như vậy được tiến hành. Nếu làm được như vậy, chắc chắn làn sóng phản đối Trung Quốc sẽ dâng cao. 

Thứ ba, do không nhận được sự đảm bảo ủng hộ tại Myanmar, Tổng thống Philippines Aquino và Ngoại trưởng Del Rosario quay sang tìm kiếm sự đảm bảo ở nơi khác. Quân đội Philippines và Mỹ (cùng với 100 binh sỹ Australia) đang tham gia cuộc diễn tập Balikatan (vai kề vai) thường niên lần thứ 30, luyện tập khả năng phòng thủ trên bộ và trên biển, đoạt lại những hòn đảo ngoài khơi xa. Hơn nữa, cả Nhật Bản và Mỹ đã chính thức chỉ ra mối nguy hiểm từ những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng những hành động của Trung Quốc đang gây bất ổn kéo dài và lan rộng trong các vùng tranh chấp ở Đông Á, và đã tái nhắc lại sự ủng hộ đối với quyết định của Philippines khi kiện Trung Quốc ra tòa án pháp lý quốc tế. Đó là bằng chứng của việc tìm kiếm sự đảm bảo đã đạt được. 

ASEAN được tạo ra để hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á duy trì mối quan hệ với các cường quốc ngoài khu vực và giảm ảnh hưởng của các cường quốc lớn đối với Đông Nam Á thông qua hành động đoàn kết trong khối. DOC được tạo ra như một hình mẫu của cách tiếp cận này. Nhưng những ngày qua, ASEAN cho thấy ngày càng không thể theo đuổi mục tiêu đề ra khi xử lý vấn đề Biển Đông. Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar chưa làm được gì để thay đổi xu hướng đó.

Chuyên gia Malcolm Cook, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide (Australia) có bài phân tích đăng trên mạng Viện Nghiên cứu Chiến lược Lowy

Thuỳ Anh (gt)