Việc ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc cần trở thành “cường quốc biển thực sự” đã gợi nhớ về học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc hay trật tự cũ của Vương quốc Trung Nguyên. Những căng thẳng gần đây ở Biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy quyết tâm ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc biển thống trị trong khu vực.

Khái niệm về cường quốc biển của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đan xen với một số vấn đề phức tạp như: yếu tố nội bộ về tính chính danh trong vai trò lãnh đạo của ông Tập và các yếu tố bên ngoài như tranh chấp lãnh thổ Biển Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến chủ quyền.

Các quốc gia Đông Á phải cân nhắc hệ quả từ cách tiếp cận của Trung Quốc và ảnh hưởng đối với khu vực: liệu có thể tác độngđối trọng với Trung Quốc khi các bên liên kết lại, ngay cả khi Bắc Kinh theo đuổi chiến lược cắt lát salami”?

Bốn điểm trọng tâm: Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc?

Qua những tuyên bố, có thể thấy ông Tập dường như tập trung nhiều vào chiến lược biển dài hạn so với những người tiền nhiệm. Ông Tập về cơ bản đang cố gắng khôi phục lại trật tự của Vương quốc Trung Nguyên cổ đại thông qua bốn điểm chính:

Thứ nhất, thành lập các cơ quan quyền lực mới chịu trách nhiệm về chính sách và chiến lược biển, đặc biệt là Ủy ban An ninh Quốc gia; thứ hai, nâng cao năng lực hải quân để đối phó với chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ, đồng thời hỗ trợ lực lượng chấp pháp dân sự trên biển của nước này; thứ ba, tái điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông ra khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế phổ quát và hướng tới những gì Trung Quốc coi là các quyền lịch sử của mình; thứ tư, thể hiện thiện chí bên ngoài thông qua việc tham gia vào các diễn đàn quốc tế và những cuộc tập trận đa phương trong khu vực.

Ông Tập Cận Bình đủ khả năng kiên nhẫn. Chắc chắn chính sách biển Trung Quốc đang theo đuổi được xem như là một lời cảnh báo, đặc biệt đối với Mỹ, về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc ở bất kỳ khu vực nào trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Tập cũng hy vọng ảnh hưởng của Mỹ khu vực tiếp tục suy giảm. Chính sách của Trung Quốc hiện nay dễ dàng được hiểu học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc, một học thuyết được Mỹ đưa ra vào năm 1823 nhằm ngăn chặn các cường quốc Châu Âu can thiệp vào những vùng biển nước Mỹ coi mặc nhiên thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. Liệu đây có phải sự tái lập trật tự khu vực của Vương quốc Trung Nguyên cổ mà Trung Quốc từng chi phối?

Trung Quốc đang thực sự thách thức thế trận an ninh chung Washington thúc đẩy với vai trò người bảo vệ tự phong của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Người ta dễ dàng đồng cảm trước những quan ngại từ các nước láng giềng nhỏ bé và dễ bị tổn hại của Trung Quốc, những nước trải qua ký ức cay đắng trong quá khứ là chư hầu của Vương quốc Trung Nguyên, khi tất cả các vùng biển xung quanh là môi trường để phát huy tầm ảnh hưởng sức mạnh vượt trội của Trung Quốc.

Ông Tập sẽ không dừng lại cho đến khi hệ thống này được tái thiết xung quanh Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên dù tuyên bố mạnh mẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc, ông Tập đã không đưa ra bất kỳ học thuyết chi tiết nào liên quan đến cách thức phản ứng của lực lượng trên biển của Trung Quốc với các nước láng giềng, ngầm hiểu là để bảo vệ lợi ích.

Tác động: Chiến lược “cắt lát salami”

Ông Tập Cận Bình dường như quyết tâm xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển thông qua chiến lược mang tính gia tăng. Với bài học đúc kết từ lịch sử của các cường quốc thực dân phương Tây, Trung Quốc sẽ dần trở nên quyết đoán hơn ở các vùng biển với phạm vi mở rộng hơn, quan trọng là tránh bất kỳ phản ứng thực sự nào từ Mỹ, cho tới khi vị thế của nước này Biển Hoa Đông và Biển Đông không bị thách thức.

Những quốc gia tin tưởng vào khả năng chủ động của mình sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, và bất kỳ ai cố gắng cản trở chiến thuật “cắt lát salami” của ông Tập sẽ nhanh chóng nhận thấy hậu quả từ sự không hài lòng của Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực phải hiểu rằng mục đích thực sự đằng sau chính sách cường quốc biển của ông Tập - không gì khác ngoài việc khôi phục lại trật tự trên biển truyền thống của Trung Quốc.

Những ví dụ gần đây về cách tiếp cận gia tăng của Trung Quốc: Tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện phòng phông (Air Defence Identification Zone - ADIZ) ở Biển Hoa Đông; ban hành quy định đánh bắt mới, tháng 1 năm 2014, buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào các vùng biển rộng lớn của Biển Đông, gồm cả những khu vực Việt Nam và Philippines yêu sách; và đơn phương hạ đặt giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế của của Việt Nam vào ngày 1 tháng Năm.

Thời gian và bối cảnh đang đứng về phía ông Tập Cận Bình. Một nước Mỹ mệt mỏi sau các cuộc chiến không muốn bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào với Trung Quốc. Mặc dù quân đội Mỹ đang cố gắng tái cân bằng lực lượng hải quân tới Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng do cắt giảm về mặt tài chính, nước Mỹ thiếu các nguồn lực để thực hiện điều này một cách nhanh chóng và hiệu quả; trong khi đó quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện ở các khu vực khác như Trung Đông đầy xung đột, cũng như có những cam kết mới ở Châu Âu nhằm ngăn chặn Nga gia tăng ảnh hưởng ở phía tây thông qua Ukraine.

Trung Quốc, trong khi đó, có thể có cái nhìn xa hơntận dụng các đối thủ cạnh tranh khu vực tranh chấp như cơ hội, để thực hiện chiến lược “cắt lát salami” trên biển bất cứ khi nào nước này có thể. Trong bối cảnh khi cạnh tranh giữa hai cường quốc trong khu vực đang trở nên công khai hơn, các cường quốc khu vực khác, đặc biệt là nước được coi là các cường quốc bậc trung - ASEAN, Ấn Độ, Úc, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc - do đó, tìm cách thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và các liên kết với các bên khác. Tuy nhiên, cho đến nay những nỗ lực như vậy không có sự gắn kết, cũng không rõ liệu các bên sẽ hợp tác hiệu quả như thế nào để đối phó với Trung Quốc.

Trong thực tế, tất cả các nước trong khu vực đều e ngại trước tham vọng của ông Tập đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển bởi không quốc gia nào trong số này có đủ sức mạnh xứng tầm với Trung Quốc và họ có rất ít ảnh hưởng quân sự để ngăn chặn sức mạnh của Trung Quốc.

Các quốc gia trong khu vực có thể làm gì?

Vậy câu trả lời ở đây là gì? Khu vực thực sự cho rằng ông Tập Cận Bình không muốn Trung Quốc đóng vai trò một bên có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển; họ chỉ có thể hy vọng Trung Quốc kiềm chế hơn “hành động quyết đoán mang tính đáp trả”, “sự ép buộc có tính toán”thuyết phục bằng sức mạnh” trong khi theo đuổi các yêu sách của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ít nhất hiện nay có một chính sách tránh sử dụng các tàu hải quân thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trong vùng biển tranh chấp.

Dù đứng riêng lẻ, không nước láng giềng nào của Trung Quốc nào Châu Á -Thái Bình Dương là đối thủ xứng tầm với Trung Quốc nhưng họ có thể liên kết lại để đối phó với chính sách dài hạn của Trung Quốc dựa trên học thuyết Monroe. Họ cần làm tất cả để chặn đứng chiến thuận “cắt lát salami” của ông Tập, không làm leo thang căng thẳng trên biển, ngăn chặn Bắc Kinh tạo các sự việc đã rồi để qua đó tái thiết lập một trật tự khu vực của Vương quốc Trung Nguyên.

Đại tá Hải quân đã nghỉ hưu Sukjoon Yoon là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Biển Hàn Quốc và giáo sư khách mời tại Khoa Kỹ thuật Quốc phòng, Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc. Bài viết đăng trên “Eurasia Review” (ngày 29/5).

Mỹ Anh (dịch)