Giới học giả cho biết Tôkiô và Bắc Kinh có những khác biệt rất lớn về vấn đề chủ quyền ở Biển Hoa Đông, tuy nhiên họ nhận ra một điểm chung cơ bản giữa hai nước đó là cả hai bên đều không muốn xung đột leo thang thành chiến tranh.

Hai học giả của Trung Quốc và Nhật Bản đang làm việc tại Mỹ đã mời một nhóm các chuyên gia, gồm 4 người Trung Quốc và 3 người Nhật Bản, tham gia buổi hội thảo ngày 27/1 để nghe toàn bộ các quan điểm về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Ông Zheng Wang - một trong số hai người tổ chức cuộc hội thảo và hiện là nhà nghiên cứu chính sách công tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson - đã chỉ ra "khoảng cách lớn về nhận thức" giữa hai nước và nói rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á khiến các nhà lãnh đạo gặp khó khăn trong việc hành động. Ông nói: "Mỗi nước tự coi mình là nạn nhân còn bên kia là kẻ gây hấn - 'họ hành xử hung hăng nhằm thay đổi nguyên trạng, còn chúng tôi là nước yêu chuộng hòa bình'".

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo giàu năng lượng tiềm tàng tại Biển Hoa Đông và cả hai phía đều đưa ra những luận cứ lịch sử. Mỹ cho biết nước này không đưa ra kết luận cuối cùng, song coi Tôkiô nắm quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo đang tranh chấp. Những vụ xô xát trong năm 2010 và 2012 đã khiến căng thẳng giữa Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ - và Trung Quốc - một quốc gia đang trỗi dậy - dâng cao, dẫn tới các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc hồi năm ngoái. 

Cuộc hội thảo tại Oasinhtơn không có sự tham gia của các đại diện thuộc chính phủ, song một số đại biểu đã đưa ra nhứng đề xuất với tư cách cá nhân. Tatsushi Arai - nhà nghiên cứu những giải pháp cho các cuộc xung đột đang làm việc tại Đại học George Mason, đồng thời là người hợp tác với ông Wang tổ chức buổi hội thảo - nói rằng đề xuất của ông là nhằm giúp mọi người "chấp nhận những điểm bất đồng, thông qua các biện pháp hòa bình".

Arai đưa ra ba khả năng, trong đó có giả thiết Nhật Bản khẳng định chủ quyền song vẫn thừa nhận luận điểm của Trung Quốc. Nhật Bản khẳng định rằng các đảo này không phải là vùng lãnh thổ tranh chấp. Ngược lại, Trung Quốc có thể vẫn kiên quyết giữ vững các tuyên bố chủ quyền song sẽ thừa nhận luận điểm của Nhật Bản, hoặc cả hai phía cùng thừa nhận các bất đồng. Hai nước sau đó có thể cùng thảo luận để tiến tới thống nhất một bộ quy tắc ứng xử đối với vùng biển này.

Arai cho rằng trong tất cả các trường hợp trên, "phía Nhật Bản không cần phải nhượng bộ trước tuyên bố chủ quyền và phía Trung Quốc cũng vậy; tuy nhiên, họ cùng nhất trí chấp nhận những điểm bất đồng (về các tuyên bố chủ quyền của đối phương)".

Nabuo Fukuda - một nhà báo đang làm việc cho tờ "Asahi" (Nhật Bản), đồng thời là một học giả kỳ cựu tại Viện Wilson - cho rằng cả hai quốc gia có thể cùng hợp tác để tiến hành thăm dò dầu khí tại các vùng biển ngoài khơi các đảo này. Theo ông, nếu hai bên tìm thấy nguồn dầu mỏ, họ có thể thảo luận việc tham gia các cuộc khai thác chung, "còn nếu người ta không tìm thấy dầu mỏ, có thể vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo sẽ không dừng ở đó, song kinh nghiệm từ những lần cộng tác theo định kỳ sẽ có thể giúp cải thiện tình hình trong tương lai".

Thỏa thuận mà Nhật Bản và Trung Quốc đã thông qua hồi năm 2008 được Tôkiô coi là một kế hoạch phát triển chung, song hiện vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào trong việc thực thi thỏa thuận này, trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Robert Hathaway, Giám đốc chương trình châu Á của Trung tâm Wilson, từng là một trong số các nhà tổ chức đàm phán để đi tới thỏa thuận nói trên, cho rằng các vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn còn nhiều phức tạp, song tất cả các học giả đều nhất trí rằng sẽ là "vô cùng sai lầm" nếu để tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã tán thành nhiều chuyến thăm của các cựu quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Quốc và Nhật Bản nhằm giúp giải tỏa bớt căng thẳng giữa hai quốc gia này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc đang cố tình thách thức chủ quyền của Nhật Bản đối với khu vực này. Điều này đã dẫn đến việc ngày 18/1 vừa qua, Ngoại trưởng Clinton đã phải đưa ra một lời cảnh báo kín đáo đối với Bắc Kinh về các hành động "khiêu khích" gần đây.

Theo AFP/Bangkok Post

Văn Cường (gt)