Từ năm 2000 đến nay, Toà án quốc tế đã đưa ra phán quyết đối với 2 vụ việc về tranh chấp đảo giữa Indonesia và Malaysia, Singapore và Malaysia. Điều này đã khuyến khích các nước đó đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông đẩy mạnh áp dụng các biện pháp củng cố chủ quyền, tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ với TQ thông qua tư pháp quốc tế. Trong đó, vụ tranh chấp “Đá Trắng” giữa Singapore và Malaysia là một án lệ hiếm gặp mà Toà án quốc tế sau khi đã xác nhận chủ quyền ban đầu vốn thuộc một bên nhưng lại phán quyết thuộc bên kia. Từ án lệ trên có thể rút ra một số kết luận:

Một là, đối với tranh chấp chủ quyền các đảo, đá giữa các nước, phải được sự đồng ý của hai nước mới được chuyển cho Toà án quốc tế phán xử. Chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Nham (Scarborough) là rõ ràng, không tồn tại tranh chấp, do đó không thể giao cho Toà án quốc tế. Quần đảo Trường Sa và đảo Điếu Ngư tuy tồn trại tranh chấp, nhưng do CP/TQ đã tuyên bố rõ không chấp nhận sự cưỡng chế của Toà án quốc tế, do đó cũng không có điều kiện chủ quan để đưa ra Toà án quốc tế.

Hai là, trong trường hợp đã có chứng cứ rất rõ ràng về quy thuộc chủ quyền ban đầu, Toà án quốc tế cần căn cứ luật quốc tế truyền thống để đưa ra phán quyết, chứ không nên theo nguyên tắc kiểm soát có hiệu quả. Trong vụ việc “Đá Trắng”, Toà án quốc tế đã xem xét một cách tổng hợp chứng cứ lịch sử, xác định trước năm 1953 thuộc sở hữu Malaysia. Việc cấp bách hiện nay là TQ phải thu thập những chứng cứ quan trọng có thể chứng minh chủ quyền ban đầu của TQ đối với các đảo, đá này.

Ba là, Toà án quốc tế xác định Malaysia năm 1953 đã từ bỏ chủ quyền đối với “Đá Trắng” và vận dụng nguyên tắc kiểm soát có hiệu quả, cho rằng Singapore đã áp dụng các hành vi chính phủ thể hiện ý chí của nhà nước. Cần chú ý rằng, những hành vi có ý nghĩa về pháp lý bao gồm: luật trong nước liên quan đến lãnh thổ tranh chấp, tuyên bố của chính phủ, công hàm và thư tín ngoại giao, bản đồ, hành vi của quan chức nhà nước, việc điều tra chủ quyền vùng biển, xây dựng thiết bị công trình trên đảo, kiểm soát việc người nước ngoài lên đảo… Ngược lại, những hành vi sau không có giá trị pháp lý: việc xây dựng luật không đề cập rõ ràng đến các đảo, đá tranh chấp, các hành vi thực thi chủ quyền của nhà nước không công khai, tuần tra và diễn tập của hải quân ở vùng biển gần đó, hoạt động đánh cá của ngư dân, cá nhân lên đảo… Trên cơ sở đó, TQ cần áp dụng các hành vi quản lý có hiệu quả của chính phủ. Ví dụ, việc thành lập “TP Tam Sa” là hành động rất có hiệu quả trong luật quốc tế. Ngoài ra, cần kịp thời phản đối các hành vi của các nước khác xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của TQ. Malaysia bị mất “Đá Trắng” là do trong thời gian hơn 100 năm đã ngầm thừa nhận việc Singapore kiểm soát có hiệu quả đối với hòn đảo này. Do đó, các bộ ngành liên quan của TQ cần thực hiện giám sát chặt chẽ và ngành ngoại giao cần có phản đối kịp thời đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền của TQ của các nước có đòi hỏi chủ quyền, ngăn chặn các sự việc như bắt giữ, xử phạt ngư dân TQ ở các vùng biển do TQ quản lý.

Bốn là, án lệ cho thấy các bãi ngầm chỉ nổi lên khi triều thấp không có địa vị lãnh thổ và sẽ được phân định theo chủ quyền vùng biển. Điều này cần TQ phải vận dụng chứng cứ lịch sử như “đường 9 đoạn” để chứng minh TQ có chủ quyền đối với các bãi ngầm và bãi Tăng Mẫu (James Shoal) nằm bên trong “đường 9 đoạn”.

 

Theo Thời báo Hoàn Cầu

 

 

Quốc Trung (gt)